1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phú Yên:

Tạm hoãn tìm kiếm nạn nhân mất tích trong hầm thủy điện

(Dân trí) - Gần 1 tuần trôi qua, 2 trong số 3 nạn nhân bị lũ cuốn mất tích trong hầm thủy điện La Hiêng 2 (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) vẫn chưa được tìm thấy. Gia đình các nạn nhân chỉ mong sớm tìm thấy thi thể con để đưa về an táng.

Tạm hoãn việc tìm kiếm

Hàng trăm người dân, trong đó có người thân các nạn nhân vẫn túc trực trước cửa miệng hầm chờ tin tức của những công nhân xấu số. Dù lực lượng cứu hộ của tỉnh Phú Yên đã nỗ lực tìm kiếm tung tích nhưng chỉ mới tìm thấy một nạn nhân là anh Nguyễn Công Lệnh (26 tuổi, ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên) - công nhân chở đá của công trình.

Sáng 2/10, lực lượng cứu hộ phải ngừng tìm kiếm tung tích 2 công nhân còn lại vì lũ lại về
Sáng 2/10, lực lượng cứu hộ phải ngừng tìm kiếm tung tích 2 công nhân còn lại vì lũ lại về

Sáng 2/10, công tác tìm kiếm, cứu hộ phải tạm hoãn do ảnh hưởng của bão số 10, trên địa bàn huyện Đồng Xuân (Phú Yên) và tỉnh Gia Lai có mưa nhiều, nước lũ tiếp tục tràn vào hầm.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Triết, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Ban chỉ huy Ban PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, đến 10 giờ trưa nay, mực nước trên sông La Hiêng tại đập thủy điện đã lên cao 1,5m so với lúc sáng sớm. Trong khi nước lũ vẫn dâng, cửa hầm không đóng được nên lực lượng tìm cứu hộ phải rút ra ngoài để bảo đảm an toàn, chờ nước rút lại tiếp tục tìm kiếm.

Đã 6 ngày qua, bà Bùi Thị Cúc (ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) mẹ của nạn nhân Nguyễn Thanh Cương (mất tích trong vụ thi công hầm thủy điện La Hiêng 2) cứ ngất lên xỉu xuống vì cái chết thảm của con trai.

Từ khi xảy ra sự việc đến nay bà Cúc không muốn ăn uống gì, nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt hốc hác vì ngóng tin con. Bà Cúc nói trong nấc nghẹn: “Tôi bị bệnh bướu cổ, nên vừa rồi các con gom tiền cho đi Sài Gòn khám bệnh. Đêm trước khi xảy ra sự cố, nó ở trên núi gọi điện về hỏi má đỡ chưa…? Vậy mà, hôm sau cả nhà nghe tin dữ. Bây giờ trời lại mưa to nước lũ về người ta không thể vào hầm tìm kiếm được nữa. Ở trong hầm chắc con tôi lạnh lắm. Tôi chỉ mong sớm tìm được thi thể con để đưa về ma chay...”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Danh - cha ruột của nạn nhân Nguyễn Công Lệnh, ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) vừa may mắn tìm được thi thể con chiều qua (1/10) nghẹn đắng lòng kể lại: “Tôi không ngờ sự việc xảy ra nhanh đến như vậy. Khoảng 8 giờ tối ngày 26/9, tôi lái xe tải chở đá từ trong đường hầm ra thì mực nước ngoài đập tràn vẫn bình thường, lúc đó con tôi chạy xe vào hầm. Đến khoảng 20 phút sau, khi tôi quay đầu xe vào hầm thì phát hiện nước lũ dâng nhanh và lập tức kêu la. Lúc này, ông Wei Ping (người Trung Quốc) phát tín hiệu thông báo trong hầm và hạ cửa van đường hầm. Nhận thông báo, ông Tâm (cán bộ kỹ thuật) cho hạ cửa nhận nước nhưng không được. Cho đến khi một kỹ thuật viên người Trung Quốc điều khiển đóng được cửa van hầm thì nước lũ đã dâng quá cao. Tôi may mắn thoát được ra ngoài nhưng không thể cứu được con tôi...”.

Không đảm bảo an toàn cho người lao động

Liên quan đến việc 3 công nhân bị nước lũ cuốn mất tích trong hầm thủy điện La Hiêng 2 (huyện Đồng Xuân), có thể thấy nhà thầu đã không đảm bảo an toàn cho người lao động, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo quan sát của phóng viên, mặc dù đường hầm đã thi công được hơn 1.700m nhưng đơn vị thi công mới chỉ đổ bê tông được hơn 20m tính từ miệng hầm gây mất an toàn lao động. Mặt khác, trong khi đường hầm còn dang dở, mất an toàn thì đơn vị thi công lại cho xây bờ tràn chặn dòng lũ với cửa thoát quá nhỏ, dẫn đến khi nước lũ tràn về, đổ dồn vào miệng hầm gây ra hiểm họa.

Nhận định ban đầu của các ngành chức năng, nước lũ đổ về dồn dập, đạt đỉnh hơn 10m so với mực nước bình thường; trong khi đó, cửa thoát lũ đập tràn quá nhỏ, đê bao không đủ độ cao để ngăn nước, dẫn đến lũ đổ ập vào đường hầm cuốn các nạn nhân vào bên trong.

Điều đáng nói là trước miệng hầm đã có cửa ngăn dòng (cửa nhận nước) nhưng không hiểu sao lại vô hiệu hóa. Theo ông Lê Văn Bạch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VRG Phú Yên thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (chủ đầu tư), thừa nhận: “Khi phát hiện nước lũ dâng nhanh, lúc này, ông Wei Ping (người Trung Quốc) phát tín hiệu thông báo hạ cửa van đường hầm, nhưng ông Tâm (cán bộ kỹ thuật) không thể điều khiển được cửa nhận nước hạ xuống. Một lúc sau, kỹ thuật viên người Trung Quốc điều khiển đóng được cửa van hầm thì nước lũ đã dâng quá cao”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Danh, người thoát chết trong vụ nước lũ tràn vào hầm thì lại cho biết việc cảnh báo nước lũ đều do những lái xe làm chứ công trình không có người trực canh. Nếu người trực kịp đóng cửa van hầm ngăn lũ thì những công nhân trong hầm kịp thoát thân.

Qua kiểm tra tại hiện trường, ông Nguyễn Định Triết, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, cho rằng: “Nguyên nhân khiến nước tràn vào hầm là do sự làm ăn cẩu thả của đơn vị thi công. Họ đã sớm xây đập chặn dòng sông, nhưng lại chừa cống xả quá nhỏ, trong khi bờ bao quanh cửa hầm chỉ đắp một nửa, bỏ một nửa; khi thi công ban đêm lại không tổ chức trông coi, quản lý nên mới dẫn đến sự cố”

Ông Triết cũng cho biết thêm: “Đã vậy, sau khi xảy ra sự cố chủ đầu tư chậm trễ trong việc báo cáo vụ việc. sau khi sự cố xảy ra thì hơn 25 tiếng sau vụ việc mới được báo cáo lên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn. Thêm vào đó, đường hầm đầy khí độc, toàn bộ hệ thống thông gió đã hư nên lực lượng cứu hộ, thợ lặn không thể tiếp cận”.

Sơn Công