1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TP.HCM:

Tạm đình chỉ Trung úy CSCĐ tấn công CSGT

(Dân trí) - Bị dừng xe nhắc nhở vì lỗi không đội nón bảo hiểm, người thanh niên liền rút tuýp sắt tấn công CSGT đang làm nhiệm vụ. Với những hành vi trên, một Trung úy cảnh sát cơ động đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ quá trình điều tra.

Tạm đình chỉ Trung úy CSCĐ tấn công CSGT - 1
Tấn công người thi hành công vụ, Trung úy CSCĐ đã bị tạm đình chỉ công tác. (Ảnh chụp từ clip)

Sau khi đoạn clip về vụ tấn công CSGT bằng tuýp sắt trên phố được đăng tải trên mạng, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng xác định được người lao vào đánh CSGT là Trung uy Trần Đại Phúc (30 tuổi, công tác tại Tiểu đoàn CSCĐ số 1, thuộc Trung đoàn CSCĐ, công an thành phố). Hiện Lãnh đạo Trung đoàn CSCĐ này đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phúc để làm rõ hành vi trên.

Như Dân trí đã thông tin, vụ việc xảy ra vào ngày 28/7 tại giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh).

Vào thời điểm trên, Thượng sĩ Văn Thành Luân và một CSGT khác tên Trương Bảo Tâm thuộc Đội CSGT Hàng Xanh (PC67) nhận nhiệm vụ điều tiết giao thông tại khu vực ngã 5 Đài Liệt Sĩ (cách khu vực xảy ra sự việc khoảng 300m). Do thời điểm này khá đông phương tiện nên hai chiến sĩ phải phân chia khu vực để điều tiết tránh ùn tắc xe trong giờ cao điểm.

Thượng sĩ Luân chọn vị trí điều tiết tại giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - đường D5. Đang làm nhiệm vụ, anh Luân phát hiện Trần Đại Phúc điều khiển xe máy không đội nón bảo hiểm nên ra hiệu dừng xe kiểm tra hành chính. Đã không hợp tác, Phúc còn lăng mạ, tát vào mặt Thượng sỹ Luân, thậm chí còn rút một thanh tuýp sắt lao vào tấn công người đang thi hành công vụ.

Tạm đình chỉ Trung úy CSCĐ tấn công CSGT - 2
Hành ảnh CSCĐ dùng tuýp sắt tấn công CSGT được ghi lại. (Ảnh chụp từ clip)

Trước tình huống này, anh Luân vừa chống đỡ, vừa rút lui về phía sau. Tuy nhiên, người vi phạm vẫn xông đến buộc CSGT phải dùng gậy điều tiết giao thông để chống trả. Thời điểm 2 bên giằng co nhau, Phúc còn dùng chân đá vào người anh Luân, sau đó hai bên xô đẩy nhau vào một cửa hàng bán phụ tùng ô tô gần đó. Sự việc kéo dài khoảng 10 phút thì Phúc lấy xe máy bỏ đi.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi xảy ra xô xát với CSGT ngoài đường, Trần Đại Phúc còn chạy đến Đội CSGT Hàng Xanh (đóng tại gần cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức) để kiếm Thượng sỹ Luân "tính sổ". Trong lúc rút điện thoại từ túi quần ra, vô tình Phúc làm rơi một con dao xếp, trước tình huống này ban chỉ huy Đội CSGT Hàng Xanh đã khống chế Phúc rồi báo công an phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) đến đưa Phúc về phường giải quyết.
 
Do vụ việc xảy ra tại địa bàn 2 quận Bình Thạnh và Thủ Đức nên các cơ quan chức năng đang phối hợp lấy lời khai của Phúc và Thượng sỹ Luân nhằm làm rõ vụ việc. Bước đầu, công an phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) đã lập hồ sơ ban đầu về việc trung úy Trần Đại Phúc gây rối tại trụ sở công quyền.

Cũng liên quan đến vụ tấn công CSGT bằng tuýp sắt trên phố này, cơ quan CSĐT công an Q.Bình Thạnh đang tiến hành làm rõ. Do vẫn trong quá trình lấy lời khai nên đơn vị này chưa thể cũng cấp cụ thể thông tin chi tiết.

Tạm đình chỉ Trung úy CSCĐ tấn công CSGT - 3
Trung úy CSCĐ có thể bị ghép vào 3 lỗi. (Ảnh chụp từ clip)

Luật sư Nguyễn Văn Trường - Trưởng văn phòng luật sư Trường, Đoàn luật sư TP.HCM - nhận định, trước hết, có thể xem xét hành vi của người tấn công CSGT và tìm đến Đội CSGT với hung khí trong người đã vi phạm 3 lỗi. Cụ thể: Vi phạm luật giao thông đường bộ (không đội nón bảo hiểm), "Chống người thi hành công vụ” và “Gây rối trật tự công cộng”.
 
Video clip CSCĐ đánh CSGT (Nguồn: Petrotimes)

Luật sư Trường phân tích thêm, nếu là một người dân thường thì chắc chắn sẽ vi phạm các lỗi trên. Nhưng trường hợp người vi phạm ở đây là một Cảnh sát cơ động, đang công tác trong ngành công an thì cần xem xét khắt khe hơn về tất cả các mặt, nhất là đạo đức nghề nghiệp.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm