Tài xế dính nồng độ cồn vẫn khăng khăng "chưa uống giọt bia nào"
(Dân trí) - Bị CSGT kiểm tra và phát hiện vi phạm nồng độ cồn, song nam tài xế ở Hà Nội tỏ ra bất ngờ và liên tục khẳng định "chưa uống giọt bia nào".
Chiều 5/7, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thời gian làm việc từ 13h tới 16h cùng ngày.
Lúc 14h, tổ công tác phát hiện xe máy BKS 30Z1-76.xx, do anh N.T.H. (SN 1982, quê Thanh Hóa) điều khiển có biểu hiện nghi vấn, nên yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra.
Đáng nói, khi bị CSGT kiểm tra, anh H. tỏ ra bất ngờ và liên tục nói rằng hôm nay anh "chưa uống một giọt bia, rượu nào". Tuy nhiên, qua kiểm tra nồng độ cồn, anh H. vi phạm ở mức 0,107mg/lít khí thở.
Nói với tổ công tác, anh H. cho biết, vào tối hôm qua anh có uống vài lon bia, nhưng cả ngày hôm nay anh đi làm nên không dám uống bia, rượu.
Với vi phạm kể trên, anh H. sẽ bị tổ công tác lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện đến 7 ngày làm việc.
Khoảng 10 phút sau, CSGT tiếp tục dừng xe máy BKS 30K8-47.xx do ông N.K.T. (SN 1970, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) điều khiển.
Qua kiểm tra nồng độ cồn, CSGT phát hiện ông T. vi phạm ở mức 0,687mg/lít khí thở. Đây là mức vi phạm nồng độ cồn rất cao (gấp hơn 1,7 lần mức vi phạm kịch khung về nồng độ cồn).
Nói với tổ công tác, ông T. cho biết buổi trưa cùng ngày có ngồi nhậu "giải nhiệt" với bạn nên trót dính vi phạm.
Trung tá Nguyễn Công Hà, tổ trưởng tổ công tác cho biết, với vi phạm kể trên, ông T. sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện tới 7 ngày làm việc.
Trước đó, sáng 27/6, với 388/450 đại biểu tán thành (chiếm 92,59%), Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó 92,18% đại biểu Quốc hội tán thành với quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hay đồ uống có cồn khác.