Tài nguyên nước là ngành kinh tế thu lãi lớn, không để nước "rẻ như cho"
(Dân trí) - Nhận định nước là một loại tài sản, hàng hóa có giá trị, các đại biểu Quốc hội cho rằng Nhà nước cần điều tiết nước giống như điều tiết điện, xã hội hóa ngành nước để nước không "rẻ như cho".
Thực trạng "mùa nắng thiếu nước, mùa mưa lụt lội" và lo ngại về ô nhiễm nguồn nước được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tổ chiều 5/6, về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Phục hồi nguồn nước bị cạn kiệt, suy thoái và ô nhiễm
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng sửa đổi luật lần này cần có một tư duy mới, bởi quản lý tài nguyên nước không chỉ là một ngành, mà là đa ngành, tổng hợp.
So với thế giới, Việt Nam có tài nguyên nước nhiều, phong phú nhưng phân bố không đều. Dẫn chứng khi còn làm Bí thư tỉnh Khánh Hòa, ông Định kể lại mùa mưa ở Khánh Hòa quá nhiều nước, thừa tới 3 tỷ m3, nhưng đến mùa hạn lại thiếu gần 800 triệu m3.
Nhắc đến tình trạng khai thác quá mức và ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, ông Định đánh giá sự tái tạo, sử dụng lại nước ở Việt Nam chưa được nhiều. "Một ngày bao nhiêu triệu m3 nước thải ra, nếu có thể áp dụng công nghệ để sử dụng lại thì rất tốt", ông Định góp ý.
Nhấn mạnh "nước không phải trời cho không, mà là một thứ tài sản rất có giá trị và càng ngày càng có giá trị", ông Định cho rằng cần đặt ra trách nhiệm của Nhà nước trong điều tiết nước giống như điều tiết điện. "Nước là hàng hóa mà đã là hàng hóa thì phải trả tiền. Tài nguyên nước là một ngành kinh tế thu lãi lớn", ông Định nhấn mạnh.
Cũng nhận định Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về tài nguyên nước, song theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, quá trình sử dụng của chúng ta còn chưa hiệu quả.
Đặt ra vấn đề "mùa nắng thiếu nước, mùa mưa lụt lội", ông Khánh nhấn mạnh cần giải được bài toán sử dụng nguồn nước thế nào.
Theo quan điểm được Bộ trưởng nhấn mạnh, nước là hàng hóa, tài sản quý giá của đất nước nên phải bảo vệ và sử dụng, điều tiết một cách hài hòa, hợp lý. "Mưa mà chúng ta không có các công trình thủy lợi thì không giữ được, để nước chảy ra biển hết, nhưng nắng lên lại không có nước để dùng", ông Khánh lo ngại.
Một vấn đề khác đặt ra, theo Bộ trưởng Khánh, là kiểm soát, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Nếu tái sử dụng được nguồn này sẽ góp phần hiệu quả vào giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm nguồn nước.
Trong vấn đề quản lý nguồn nước, ông Khánh cho biết xu hướng sắp tới sẽ quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số.
Xã hội hóa để "nước có giá"
Trong khi đó, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận Việt Nam không phải là quốc gia thừa nước, mà bị lệ thuộc vào nước. "Chúng ta tác động ra bên ngoài lãnh thổ và từ bên ngoài tác động lại vào chúng ta rất lớn, thường xuyên", ông Hoan nhấn mạnh việc đảm bảo tài nguyên, an ninh nguồn nước rất quan trọng khi xây dựng dự thảo luật này.
Dẫn bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác, Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết một số nước đã biến nước biển thành nước ngọt, hay tái tạo lại để sử dụng, như Israel "một giọt nước sử dụng 3 lần".
Từ đó, Bộ trưởng Hoan đề nghị dự thảo luật cần chú ý đến công nghệ về nước. "Thế kỷ này thế kỷ khô hạn. Trước yêu cầu đó, người ta bắt đầu phát kiến ra những công nghệ xử lý nước thải, lọc nước biển để chủ động tạo ra nguồn nước ngọt", ông Hoan nói.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên góp ý về tài chính nguồn nước và đề nghị rà soát kỹ các quy định có liên quan đến khoản thuế, phí, lệ phí hiện hành, nhằm vừa có nguồn thu, vừa tạo nguồn lực để thực hiện hoạt động quản trị tài nguyên nước từ ngân sách Nhà nước.
Bà ủng hộ quy định xã hội hóa ngành nước để "nước có giá" chứ không còn "rẻ như cho", từ đó khuyến khích sử dụng nước có trách nhiệm, tiết kiệm, hiệu quả.
Nữ đại biểu cũng góp ý cần quy định theo hướng "Nhà nước có chương trình xây dựng hồ, đập lớn để dự trữ ở các vùng miền, phù hợp với tình trạng khan hiếm nguồn nước và đặc điểm địa hình, khí hậu từng vùng".
Bày tỏ lo ngại về ô nhiễm nguồn nước, đại biểu Tạ Thị Yên dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa này, từ năm 2035, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm.
Đối với 2 siêu đô thị là Hà Nội và TPHCM, bà Yên nêu thực tế hầu hết con sông, kênh rạch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ở các vùng tập trung đông dân cư và khu, cụm công nghiệp.
Mặc dù đã có nhiều công trình, dự án được nghiên cứu, đề xuất nhưng thực trạng này chậm được giải quyết, gây bức xúc lớn trong nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường sống, đầu tư, phát triển kinh doanh, du lịch… ở các siêu đô thị này.