1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỷ niệm 66 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam:

Tái ngộ kẻ thù mà lòng hoan hỉ khoan dung

(Dân trí) - Một tù binh đảo Phú Quốc gặp lại giám thị trại giam - cai ngục một thời từng chỉ đạo bọn trật tự đục răng ông. Hai người ở hai đầu chiến tuyến, gặp lại nhau trong nỗi tủi mừng. Người tù binh nhờ tên cai ngục xưa dẫn đi tìm mộ đồng đội…

Tái ngộ kẻ thù mà lòng hoan hỉ khoan dung - 1

Bức ảnh chụp chung của hai con người từng một thời ở hai đầu chiến tuyến (Ông Nhã áo trắng và cai ngục Hoàng Nhu)
 
Mới nhìn bức ảnh, ai cũng ngỡ họ là đôi bạn chí thân lâu ngày gặp lại. Thực ra họ có một thời là hai người đại diện hai đầu chiến tuyến, là kẻ thù không đội trời chung.

 

Một bên là ông Trần Hữu Nhã, tù binh cách mạng, quê xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; nay là hội viên Hội Cựu chiến binh ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Bên kia là cai ngục được mệnh danh “tàn ác nhất lịch sử” Hoàng Nhu, quê ở Đồng Tháp, trước là giám thị phân khu A1, trại tù binh đảo Phú Quốc.

 

Chính Nhu đã dạy bọn trật tự dùng đinh bù lon sắt đục lấy 4 cái răng hàm trên của ông Nhã, làm ông chết ngất. Khi ông tỉnh dậy, chúng hăm dạo: “Tối nay, bọn tao sẽ mổ bụng mầy, để xem mầy có chịu khai nhận là Bí thư Chi bộ của khu B1 hay không?”.

 

Những lời hăm dọa và màn tra tấn dã man đó không làm người tù cách mạng nản lòng, nhụt chí. Ông vẫn làm tròn trách nhiệm của người Bí thư, lãnh đạo đồng đội giữ vững khí thế đấu tranh quyết liệt, bảo toàn khí tiết của người lính bộ đội Cụ Hồ cho đến ngày trở về với cách mạng trong niềm vui chiến thắng của Hiệp định Paris mùa xuân năm 1973.

 

Tháng 7/1997, nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày Thương binh liệt sĩ, ông cùng với 7 người tù cách mạng xưa ra đảo Phú Quốc tìm mộ động đội mà trước đây không có điều kiện quy tập.

 

Theo kinh nghiệm của những người từng ra đảo tìm mộ liệt sĩ, người nắm rõ vị trí những ngôi mộ nhất chính là cai ngục Hoàng Nhu khi xưa bởi chính Nhu trước đây từng nhiều lần cùng đồng bọn đi chôn xác những người tù cách mạng.

 

Đoàn của ông Nhã ra đảo, tìm đến chân đồi A2 - nơi gia đình Nhu đang sinh sống. Nhu đứng ở sân nhà, nhìn xuống thấy có đoàn người đang tiến thẳng tới nhà mình. Đoán rằng đoàn tới nhờ tìm mộ liệt sĩ, Nhu không trốn tránh mà ở lại bình thản tiếp đón, tuy gương mặt có chút rụt rè, xấu hổ. Nhu không thể thoải mái khi gặp lại chính những người bộ đội Cụ Hồ từng bị hắn và đồng bọn tra tấn man rợ.

 

Không để lòng căm hận lấn lướt, ông Nhã bình thản: “Nhờ chú dẫn đoàn người này đi tìm mộ tù binh trước chết chôn rải rác trên đảo này mà chú đã biết”.

 

Nhu dẫn đoàn đi từ khu I đến khu II, là những phòng giam trước đây, giờ chỉ còn nền bê tông nhà tắm mốc xanh. Đi tiếp qua cổng Tiểu đoàn 9 quân cảnh của trại hồi đó, rồi đi men theo dọc các sườn đồi nhưng đoàn không tìm được ngôi mộ nào mà chỉ thấy nhiều tăm hương cắm vào các kẽ đá. Ông Nhã đoán đó là chân hương của những đoàn người đi tìm mộ trước ông.

 

Vì những sườn đồi đó đã qua 25 mùa mưa, đất xối xuống lấp những nấm mồ đồng đội. Thay vào đó là những rặng cây rừng mọc lên dày đặc. Toàn đoàn đành đứng ngậm ngùi thắp hương tưởng niệm vong hồn đồng đội. Khi đoàn đến nghĩa trang của đảo thì tìm được 9 mộ liệt sĩ quê Quảng Nam - Đà Nẵng cũ có ghi trong danh sách của Ban quản trang.

 

Trên đường về nơi ở của đoàn, ông Nhã thấy nét mặt người nào cũng buồn rười rượi - một nỗi buồn quặn thắt - bởi không “gặp” được đồng đội như niềm ước nguyện lúc ra đảo. Chứng kiến nỗi buồn đó, lòng ông Nhã sôi lên một nỗi căm thù, uất hận. Bất chợt ông há miệng, lấy 4 chiếc răng giả gắn trong hàm, giơ ra trước mặt Nhu, hỏi như quát:

 

- Sao chú ác thế? Đã làm giám thị mà còn chuyên dạy bọn trật tự cách đục răng tù binh? Chú có nhớ ai đục 4 cái răng này của anh không?.

 

Nhu run sợ phân trần:

 

- Em con nhà nghèo, đi lính để kiếm lương nuôi thân, nên cấp trên họ biểu gì thì em phải làm nấy. Như họ biểu em khi trong trại có tù binh nào đấu tranh mạnh thì em phải biểu và dạy bọn trật tự cách đục răng gãy ngang để không ra máu mà gốc răng thì còn lại trong lợi, đau lâu, không há mồn ra được thì hết đấu tranh. Bọn trật tự ắt phải làm theo lời em biểu. Khi được học tập, cải tạo 7 năm, em mới thấy hết tội ác tày trời của em mà cách mạng cũng vẫn khoan hồng cho em về lại ở đảo, em rất ân hận.

 

- Chính chú đã dạy tên Chộn trật tự khu A6 đục 4 cái răng hồi năm 1970 đây này. Chú còn nhớ không?

 

Nhu hoảng hốt quỳ sụp xuống lạy ông, cổ như có vật gì chặn lại:

 

- Xin ông hãy tha tội cho em.

 

Ông Nhã cúi xuống, dang rộng đôi tay vừa níu Nhu lên vừa vỗ về: Đừng làm vậy. Hãy đứng lên làm một kiểu ảnh kỷ niệm anh em ta có một thời là kẻ thù, nay tái ngộ nhưng anh vẫn hoan hỉ, khoan dung theo lòng vị tha của người chiến sĩ cách mạng!

 

Phạm Thành Nghi