1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Tai nạn thảm khốc: Sẽ xử lý đơn vị quản lý vận tải nếu cấp sai bằng FC

(Dân trí) - Tổng Cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang yêu cầu đơn vị vận tải liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc tại Bình Thuận nhằm làm rõ sai phạm (nếu có) và có biện pháp xử lý vi phạm đối với việc quản lý hoạt động vận tải và cấp bằng lái xe.

Như Dân trí đã đưa tin về vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc làm 10 người chết cháy thảm thương và 22 người bị thương tại Bình Thuận, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) xác định nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn là do người điều khiển xe container biển số 79N-2133 kéo theo rơ-moóc 79R-0333 tên Trần Thanh Thiên (22 tuổi, quê Khánh Hòa) đã phóng nhanh, lấn đường va vào xe khách Hoàng Long BKS 16L-3406, rồi tiếp tục đâm vào xe khách 17K-2934 lưu thông theo chiều ngược lại.

 
Tai nạn thảm khốc: Sẽ xử lý đơn vị quản lý vận tải nếu cấp sai bằng FC - 1
Cơ quan cảnh sát đang điều tra về vụ TNGT thảm khốc làm 10 người chết và 22 người bị thương (Ảnh: Công Quang)

Tuy lái xe Thiên đã tử vong nhưng hồ sơ liên quan đến bằng lái đang được Công an huyện Hàm Thuận Bắc làm rõ tính pháp lý, bởi theo Luật giao thông đường bộ thì người điều khiển xe container, sơmi-rơ-moóc phải có bằng FC với điều kiện đủ 24 tuổi trở lên.

Vì vậy, xung quanh việc sử dụng lái xe và giấy phép lái xe trong vụ việc cần phải làm rõ trách nhiệm liên quan và biện pháp xử lý vi phạm.

Tại cuộc họp báo Bộ GTVT chiều tối 8/11, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam nhìn nhận đây là vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Quyền cho biết: “Theo các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật giao thông đường bộ, quy định về đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe, các quy định về quản lý hoạt động vận tải thì doanh nghiệp hoặc đơn vị vận tải phải bố trí người lái xe phù hợp với loại phương tiện.

Nếu doanh nghiệp bố trí người lái chưa có giấy phép lái xe phù hợp với phương tiện thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Trường hợp khác, nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật về việc học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người chưa đủ các điều kiện theo quy định thì cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch đó phải chịu trách nhiệm. Đối với người lái xe, khi điều khiển phương tiện trên đường phải luôn luôn làm chủ tốc độ, đảm bảo an toàn giao thông, nếu gây tai nạn thì người lái xe phải chịu trách nhiệm”.

Cũng theo ông Quyền, về vụ TNGT này, hiện cơ quan công an đang thực hiện điều tra xác định nguyên nhân vụ việc, nếu nguyên nhân liên quan đến cơ quan nào thì chắc chắn cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.

Còn trách nhiệm của ngành GTVT, khi xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng thì đồng thời với việc điều tra của công an, Bộ cũng yêu cầu Sở GTVT địa phương có phương tiện gây tai nạn kiểm tra lại tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý các hoạt động vận tải cũng như quản lý người lái xe, nếu như có sai phạm sẽ chấn chỉnh và xử lý theo quy định, trao đổi với cơ quan điều tra để phối hợp xử lý.

Về thời điểm xảy ra tai nạn, trời có mưa nhỏ và đường trơn, khu vực không có đèn đường giao thông, đã có ý kiến nhận xét rằng đây là “điểm đen” TNGT. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ GTVT) - cho biết: “Theo kết quả cơ quan quản lý giao thông địa phương báo cáo về thì khu vực này rất bằng phẳng, vận tốc cho phép không quá 80km/h, nhưng có thể do đường tối, trời mưa hoặc người lái ngủ gật nên đã gây ra tai nạn nghiêm trọng”.

Quỳnh Anh