Tai nạn ở Zone 9: “Lộn cổ từ tầng 4 hay tầng 14 là việc của chúng!”
(Dân trí) - “Mấy đứa vào số 9 Trần Thánh Tông ngã, không đến phường trình báo thì như tai nạn xe máy đầu đường xó chợ. Mà mấy đứa trẻ con hiếu kỳ chỗ nào cũng vào chụp ảnh thì lộn cổ từ tầng 4 chứ kể cả tầng 14 cũng là việc của chúng!”.
Khu nhà xưởng này đã tồn tại vài chục năm nay nên nhiều khu vực đã bị xuống cấp. Sự già nua theo năm tháng của khu nhà xưởng này thể hiện rất rõ qua những bức tường đã bị bong tróc, trần nhà loang lổ, những mảng vôi vữa có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Đi trên bậc cầu thang lên các tầng của khu nhà cũng cảm thấy những thanh sắt rung chuyển.
Theo kế hoạch di dời cơ sở sản xuất ra ngoại thành của Hà Nội, toàn bộ hệ thống máy móc trong xí nghiệp này đã được chuyển đi. Từ đó nhà xưởng này bị bỏ không, mảnh sân rộng làm nơi trông giữ ô tô, xe máy. Tuy nhiên, cách đây vài tháng khu nhà xưởng này được mở cửa cho thuê làm một quần thể dịch vụ mang tên Hợp tác xã Zone 9 phục vụ giới trẻ với đủ kiểu dịch vụ ăn chơi như quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng thời trang và còn là nơi chụp ảnh lý tưởng của giới trẻ.
Khu nhà xưởng cũ kỹ, già nua bỗng đông đúc nhộn nhịp trở lại khiến nhiều người lo ngại. Nhất là sau vụ việc xảy ra trưa ngày 21/9, một đôi nam nữ khi dựa vào bờ tường yếu để chụp ảnh đã khiến nó đổ sập, ngã xuống chiếu nghỉ tầng ba.
Tuy nhiên trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Bảo Thạch - Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - lại nói: "Mấy đứa nó vào đó chơi mà bị ngã nếu không đến công an, UBND phường trình báo thi coi như tai nạn xe máy đầu đường xó chợ. Nó ngã như vậy không thể vào đây mà hỏi công an phường có biết không, chủ tịch phường có biết không… Dăm ba cái đó hay kể cả nhảy cầu cũng là chuyện bình thường!”.
Ông Thạch đánh giá: “Đám trẻ ranh vào đây chụp ảnh rất lơ ngơ và hiếu kỳ. Chỗ nào cũng vào chụp ảnh thì việc lộn cổ từ tầng 4 chứ kể cả tầng 14 cũng là việc của chúng”.
Ông Thạch cho biết, ông cũng đã chỉ đạo cán bộ xuống nhắc nhở đơn vị kinh doanh phải kinh doanh đúng quy định và đảm bảo yêu cầu, chỗ nào không đảm bảo an toàn thì phải tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Thạch cho hay đây chỉ là trao đổi chứ không có “công văn, công hàm”.
“An toàn, tôi nói thật nhé, một cái cây trẻ con nó thích thì nó trèo lên, nhỡ may nó rơi xuống ai mà đi bảo cái cây này nguy hiểm các cháu đừng trèo. Kể cả khúc sông này (phường Bạch Đằng gần sông Hồng - PV) chết lăn quay ở đó là chuyện bình thường. Bọn trẻ tắm không phải chết do sông sâu, không phải chết vì không biết bơi mà vì đá bóng xong người đầy mồ hôi xuống tắm nên chết vì cảm”, ông Thành dẫn chứng thêm.
Để biết khu nhà có nguy hiểm hay không, theo ông Thạch, thì phải bên thẩm định chất lượng xây dựng thành phố vào kiểm tra. Ông Thạch cho hay, ông không đủ tư cách để đánh giá khu nhà có đảm bảo an toàn khi sử dụng hay không.
Về mặt kinh doanh của khu nhà theo ông Thạch thẩm quyền cấp phép thuộc về phía quận Hai Bà Trưng. Để đảm bảo an ninh trật tự ông Thạch cũng giao cho công an phường thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình.
Kết thúc buổi trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Bảo Thạch nói: “Chúng ta mà cứ bức xúc với dăm ba đứa trẻ con hiếu kỳ thì có mà hết cuộc đời!”.
Quang Phong