1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Festival Huế 2010:

Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc

(Dân trí) - Chiều tối nay 8/4, lễ tế Xã Tắc mở màn cho Festival Huế 2010 đã diễn ra long trọng tại đàn Xã Tắc (TP Huế), tái hiện lại khung cảnh vương triều xưa thành kính cầu tế thần đất, thần lúa cho đất nước được mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi.

Tại đàn thờ thần lúa, thần đất, lễ tế Xã Tắc đã diễn ra trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức truyền thống như: lễ rửa tay tẩy trần, lễ dâng hương, lễ rước thần đến tham dự, lễ dâng ngọc trắng, lễ đốt chúc văn-ngọc lụa-bài vị, lễ hạ cỗ và lễ đưa tiễn thần.

Hơn 700 người diễn viên đã hóa trang thành vua, quan, binh lính thời Nguyễn. Đặc biệt năm nay, nghi lễ có sự tham gia của 100 bô lão đến từ các địa phương Thừa Thiên Huế đại diện cho trăm họ Việt Nam đã góp đất xây nên đàn tế cách đây hơn 2 thế kỷ.

Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao. Hầu như tất cả các vị vua Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này. Lễ tế được chuẩn bị đầy đủ trước ngày tế 1 ngày, ngoài hoa quả ra, quan trọng nhất là tam sanh gồm 1 dê, 1 bò và 1 heo. Được phục dựng lại từ năm 2008, tế Xã Tắc hiện nay đang được xã hội hoá tối đa để thực sự trở thành một lễ hội cộng đồng.

Lễ tế Xã Tắc là lễ tế thần đất và thần lúa - là một trong những lễ hội cung đình truyền thống tiêu biểu, mang đậm tính nhân văn đặc trưng cho nền văn hóa nông nghiệp lúa nước dân tộc Việt Nam. Các vương triều độc lập từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn đều lập đàn Xã Tắc và tổ chức lễ tế Xã Tắc hàng năm (vào tháng 2 âm lịch) để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mong cho đất nước bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm.

Tuy nhiên, qua những biến động của lịch sử, hiện nay chỉ duy nhất tại cố đô Huế còn bảo tồn được đàn Xã Tắc cùng những tư liệu liên quan đến lễ tế Xã Tắc.

Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống.

Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, khi khởi công, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc.

Dưới đây là những hình ảnh về lễ tế Xã Tắc năm 2010, diễn ra tại Huế tối 8/4 (ngày 24/2 âm lịch) vừa được PV Dân trí ghi lại.
 
Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc  - 1
Đoàn Ngự đạo xuất cung từ Đại Nội đi đến đàn Xã Tắc
 
Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc  - 2
Tại các góc đường, bô lão kính cẩn đứng nghinh đón vua
 
Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc  - 3

Đàn Xã Tắc cổ kính có tuổi đời đã hơn 200 năm, là đàn cuối cùng của Việt Nam còn lại trên đất Huế
 
Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc  - 4

Đàn được phục dựng lại rất lộng lẫy trong đêm tế 24 tháng 02 năm Canh Dần
 
Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc  - 5
Vua cùng các quan làm lễ trước đàn
 
Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc  - 6
Vua quỳ gối kính cẩn trước thần đất, thần lúa
 
Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc  - 7
Vua quỳ gối kính cẩn trước thần đất, thần lúa 
Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc  - 8
Lễ tế Xã Tắc đã được phục dựng lại đúng như xưa
 
Tái hiện lễ tế thần đất, thần lúa trên đàn Xã Tắc  - 9
Đội nữ quân múa bát dật.
Đại Dương