1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tái định cư trên… bãi bom mìn!

Thực hiện tái định cư cho dân vùng lũ, chính quyền ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã đưa gần 50 hộ dân vào tái định cư ngay trên bãi bom mìn.

Dự án tái định cư (TĐC) di dân vùng lũ Hải Lăng có kế hoạch thực hiện cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, mãi đến sau cơn bão số 4 vào cuối tháng 9/2007 vừa qua, dự án mới bắt đầu chuyển động. Theo lãnh đạo UBND huyện Hải Lăng, để thực hiện dự án TĐC di dân vùng lũ của huyện phải đầu tư trên 50 tỉ đồng. Theo đó, 300 hộ dân của 13 xã vùng thấp lũ sẽ được TĐC trên diện tích 320ha ở vùng gò đồi phía nam xã Hải Lâm.

 

Vùng đất dữ

 

Kế hoạch là vậy, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên hiện tại huyện chỉ giải quyết đợt 1 TĐC cho 47 hộ dân. Ngoài việc san ủi mở mới hai tuyến đường đất dài chừng 1km, mỗi gia đình khi lên TĐC được chính quyền hỗ trợ 4,5 triệu đồng/hộ để làm nhà ở.

 

Khi các hộ dân lũ lượt kéo nhau lên nhận đất làm nhà thì mới tá hỏa. Toàn bộ khu TĐC di dân vùng lũ này chỉ là một bãi đất hoang với dày đặc gốc cây, sỏi đá và bom đạn. Là người từng lên đây khai hoang lập nghiệp từ những năm 2000 nên chị Trần Thị Thê quá rành về vùng đất mới này. “Năm nào ở đây cũng có người chết do rà tìm phế liệu chiến tranh. Năm ngoái tui nghe ầm một cái, chạy vội ra phía rừng thì thấy hai đứa là Nhẫm, Tý quê ở Hải Thọ và Hải Lâm bê bết máu. Thấy tui, chúng chỉ ngắc ngoải được hai tiếng “chị ơi” rồi tắt thở!” - chị Thê kể.

 

Là vùng đất dữ trong chiến tranh nên trong lòng đất Hải Lăng này hiện vẫn còn chứa rất nhiều bom, mìn chưa được tháo, phá. “Cứ sau mỗi trận mưa lớn, bom mìn ở đây lại nổi lên dày đặc. Nhiều nhất là đạn M79, bom bi, đạn pháo 105, B41… Có lần tui đếm thử ở một đoạn khe dài chưa đầy trăm mét nhưng có tới gần 100 quả đạn M79 và bom bi” - anh Vũ Khắc Trung, một nông dân có trang trại ngay trong khu vực TĐC, cho biết.

 

Để chứng minh lời mình nói, anh Trung dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu đất và chỉ những đầu đạn đang nổi trên mặt đất, hoặc có trái vùi lấp dưới lớp cát mỏng chỉ chừng vài centimet: “Cứ cuốc xuống đất là thấy bom mìn. Có đến hàng nghìn quả đạn M79 như thế này trong khu TĐC phía nam xã Hải Lâm”.

 

Vẫn phải tái định cư

 

Sẽ xử lý nghiêm người thiếu trách nhiệm

 

Ông Nguyễn Đức Cường, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: lãnh đạo tỉnh đã giao trách nhiệm cho UBND huyện Hải Lăng triển khai thực hiện trên cơ sở đảm bảo mọi điều kiện cơ sở hạ tầng trước lúc di dân vùng lũ lên khu TĐC này.

 

Trả lời câu hỏi về thực trạng khu TĐC hiện có nhiều bom mìn gây nguy hiểm cho dân, ông Cường cho hay sẽ khẩn trương kiểm tra và xử lý nghiêm việc làm thiếu trách nhiệm của lãnh đạo huyện Hải Lăng.

Dưới trời mưa như trút nước, anh Trần Hạt, thôn Trường Phước, xã Hải Lâm (Hải Lăng), cặm cụi đào bới trên mấy mét đất ở khu TĐC kể trên. Thỉnh thoảng nhát cuốc vừa phập vào đất phát ra âm thanh rất đanh. Anh Hạt nhặt lên một đầu đạn, bỏ sang một bên và tiếp tục... cuốc.

 

Từ xa chị Thủy, vợ anh Hạt, nhấp nhổm nhìn về phía chồng. “Bom mìn dày đặc, cứ vài ba nhát cuốc là nghe... cạch. Mỗi hộ dân thuộc diện di dời được cấp 35m2 đất ở, chỉ chừng đó đã có tới vài ba thúng bom mìn. Nhưng không cuốc đất vỡ hoang thì không được. Đã qua hơn 20 năm rồi, hễ nghe mưa to là cả làng tui chạy lũ. Cán bộ chỉ thì mình ở chứ biết làm răng” - chị Thủy cho biết.

 

Năm 1983, lũ lớn đã nhấn chìm toàn bộ nhà cửa của người dân thôn Trường Phước. 21 con người già yếu và trẻ nhỏ bỗng chốc bị dòng nước cuốn trôi, đến mấy ngày sau mới tìm được thi thể. Sau tai họa ấy người dân cầu cứu, các cấp chính quyền đã quyết định di giãn dân lên vùng cao nằm về phía nam của xã. Cũng như anh Hạt, những ai đến định cư ở đó đều phải tự đào bới, nhặt lấy bom đạn... dù biết rằng điều đó vô cùng nguy hiểm.

 

Mặc dù trước đó chính phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Cường, đã chỉ đạo: phải hoàn tất việc rà phá bom mìn trước khi đưa dân lên định cư. Thế nhưng không hiểu sao phía chính quyền huyện Hải Lăng lại vẫn vô tư đưa dân lên TĐC ngay trên bãi bom mìn. Mặt khác cạnh khu TĐC này, Tổ chức Rà phá bom mìn quốc tế - Renew đã cắm một tấm bảng cảnh báo với dòng chữ màu đỏ rất to: “Không canh tác tại khu vực nhiễm bom mìn”.

 

Theo Ngọc Uyên

Tuổi Trẻ