Tái chế vỏ dừa, cô gái nhận đơn đặt hàng "không xuể"

(Dân trí) - Sau khi học thạc sĩ ở nước ngoài, cô gái về nước và biến vỏ dừa vốn bị coi là chất thải thành sản phẩm hữu ích.

Maria Kuriakose từng học kinh tế tại Mumbai (Ấn Độ). Sau đó, cô sang Tây Ban Nha học thạc sĩ. Sau vài năm làm việc ở công ty đa quốc gia, cô nhận ra đã đến lúc làm điều gì đó có tầm ảnh hưởng hơn.

Năm 2020, cô trở về Ấn Độ và thành lập thương hiệu Thenga. Hằng ngày, Maria Kuriakose duy trì lối sống bền vững, tránh tạo ra rác thải nhựa.

Tại Kerala, Ấn Độ, dừa là cây trồng chính của bang. Đây cũng là một trong những địa phương sản xuất dừa lớn ở đất nước hơn 1 tỷ dân. Từ quan sát của cá nhân, Maria Kuriakose nhận thấy dầu dừa là sản phẩm chính nhưng mọi người không thực sự sử dụng bất kỳ phần nào khác của quả dừa. Trong khi ở các nước Đông Nam Á, mọi bộ phận của trái dừa đều được tận dụng từ vỏ dừa, nước bên trong và phần mu dừa. Cho nên, cô gái trẻ nghĩ cách để có thể gia tăng giá trị cho vỏ dừa vốn bị xem là phế thải.

Tái chế vỏ dừa, cô gái nhận đơn đặt hàng không xuể - 1
Maria Kuriakose với sản phẩm bát gáo dừa được nhiều khách đặt mua.

Ban đầu, cô gái này cân nhắc việc dùng nước dừa để sản xuất nhưng ý tưởng này cần một nhà máy sản xuất quy mô lớn. Sau đó, Maria Kuriakose nhận thấy vỏ dừa bị đốt như một thứ phế thải. Mặc dù, một phần nhỏ được chuyển thành than hoạt tính nhưng đa số vỏ dừa bị lãng phí.

Năm 2019, khi còn làm việc ở Mumbai, cô đã thử nghiệm dự án của mình. Chưa đầy 1 năm sau, cô quyết định trở về sống ở Kerala để theo đuổi dự án. "Ở Kerala chúng tôi có truyền thống tái chế vỏ dừa làm bộ đồ ăn, nhưng nó đã bị mai một. Tôi nghĩ có thể hồi sinh sản phẩm truyền thống và tạo cho nó phong cách mới" Maria Kuriakose chia sẻ.

Với sự giúp đỡ của người cha, Kuriakose đã tạo ra một vài chiếc bát gáo dừa làm từ vỏ dừa rồi gửi tới nhiều nơi. Cô đã nhận được đơn hàng đầu tiên, đặt làm 100 chiếc bát làm từ vỏ dừa.

Tái chế vỏ dừa, cô gái nhận đơn đặt hàng không xuể - 2
Các nghệ nhân đã cùng với cô gái trẻ tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách.

Tuy vậy khi nhận được nhiều đơn đặt hàng, cô gái trẻ phải cố gắng tìm vỏ dừa phù hợp. Mặc dù bố mẹ đã giúp đỡ nhưng Maria Kuriakose muốn dành thời gian để marketing sản phẩm và đổi mới. Cho nên, cô gái trẻ đã liên hệ với một số nghệ nhân - những người làm môi từ vỏ dừa. Sau khi biết về sản phẩm của cô gái trẻ này, 10 nghệ nhân đồng ý tham gia làm.

Với sự giúp đỡ của các nghệ nhân, Maria Kuriakose có thể nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Đến cuối năm 2020, có 4 loại bát gáo dừa được sản xuất ra gồm loại nhỏ nhất 150ml giá 250 Rupee (77.000 đồng), loại lớn nhất 900ml có giá 950 Rupee (290.000 đồng). Ngoài ra, còn có các sản phẩm như tách uống trà, chậu trồng cây làm từ vỏ dừa.

Ngoài ra, Maria Kuriakose còn bán hàng qua các trang thương mại điện tử như Amazon giúp mở rộng lượng khách. Để đảm bảo có được sản phẩm tự nhiên bền vững, trong quá trình làm ra bát gáo dừa, Maria Kuriakose không dùng bất cứ chất nhân tạo này. "Chúng tôi đào tạo các nghệ nhân giữ sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, vì vậy họ dùng dầu dừa để đánh bóng thay vì dầu bóng", cô chia sẻ.

Quang Anh

Theo Edexlive/BetterIndia