1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hòa Bình:

Sụt lún bất thường sát chân cột điện 500kV nghi do dư chấn địa chất

(Dân trí) - Hiện tượng sụt lún trên đất lâm nghiệp gần khu vực cột điện 500kV, xảy ra ở xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) hơn chục ngày qua. Chính quyền địa phương nghi hiện tượng này do dư chấn địa chất gây ra.

Theo báo cáo của UBND xã Yên Bồng, ngày 24/10, chính quyền xã nhận được trình báo của thôn Hồng Phong 3 về việc tại khu đồi mỏ than cũ xuất hiện vết nứt có chiều dải khoảng 80m, rộng 0,7, sâu 1,2m tại đồi đất lâm nghiệp, sát chân cột điện 500kV.

Sụt lún bất thường sát chân cột điện 500kV nghi do dư chấn địa chất - 1

Quả đồi nơi xảy ra hiện tượng sụt lún bất thường.

Kiểm tra tại nơi xảy sụt lún, UBND xã Yên Bồng xác định, khu vực này là đất lâm nghiệp, địa phương giao cho gia đình ông Nguyễn Văn Quý sử dụng, với diện tích hơn 1ha. Gia đình ông Quý vừa được cấp phép san lấp đất cách đây khoảng 1 tháng. 

Ngay sau đó, UBND xã Yên Bồng đã có văn bản về việc tạm dừng khai thác đất san lấp của hộ gia đình ông Quý (thôn Hồng Phong 3) để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống tại khu vực chân đồi (có khoảng 10 hộ dân sinh sống) và hành lang lưới điện 500kV. 

Ông Trần Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Yên Bồng cho biết, hiện tượng sụt lún xảy ra trên địa bàn khoảng chục ngày nay. Qua kiểm tra thực tế và người dân cho biết thì không riêng quả đồi này mà một số quả đồi xung quanh, trong vòng 2 năm nay cũng xuất hiện tình trạng sụt lún như thế.

Sụt lún bất thường sát chân cột điện 500kV nghi do dư chấn địa chất - 2
Sụt lún bất thường sát chân cột điện 500kV nghi do dư chấn địa chất - 3

Hiện tượng sụt lún xảy ra ngay sát chân cột điện cao thế 500kV.

“Trước mắt địa phương cho rằng hiện tượng sụt lún này là do dư chấn địa chất gây ra. Ngành điện sẽ có báo cáo kiểm tra nguyên nhân do khai thác đất gây ra hay do dư chấn địa chất”, Chủ tịch UBND xã Yên Bồng cho biết thêm. 

Ghi nhận của PV Dân trí tại nơi xảy ra sụt lún, khu vực mỏ than cũ của thôn Hồng Phong 3, một diện tích đất rộng lớn bị xúc lấy đất trơ ra đồi núi trọc, nhiều hố sâu đọng nước rất nguy hiểm. Đất bị xúc nham nhở ngổn ngang và chỉ cách trụ điện đường dây cao thế 500kV khoảng 100m. 

Trên đỉnh đồi theo hướng khai thác đất của những hộ dân, khoảng 10m xuất hiện vết nứt kéo dài vắt lên trên phía đỉnh đồi và sang phía bên kia nơi có trụ diện 500kV. Vết nứt kéo dài khoảng 100m và chia ra nhiều hướng sụt lún khác nhau.

Sụt lún bất thường sát chân cột điện 500kV nghi do dư chấn địa chất - 4

Trên đỉnh đồi nhiều vết nứt do sụt lún rộng, sâu lên đến cả mét.

Nhiều vệt sụt lún lớn nhất tạo thành khe sâu khoảng 1m và tách rời hai phần quả đồi với khoảng cách 0,5 - 0,7m. Lên đến gần 3 trụ điện có thêm vết nứt chắn ngang chạy qua phần đất dưới chân trụ. Vết nứt này nhỏ hơn nhưng cũng tạo thành khe sụt lún có chỗ đến 0,5m, một phần móng đá của trụ điện đã nứt gãy. 

Ông Đỗ Đình Dũng, Phó Giám đốc Truyền tải điện Ninh Bình (đơn vị quản lý đường dây 500kV trên) cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin và cho cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác quan trắc, đánh cốt xung quanh chân đế trụ điện, xem mức độ có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trụ điện hay không để có những phương pháp xử lý triệt để. 

“Hiện tại chưa thấy ảnh hưởng đến trụ điện. Vết lún đó chỉ là ở phần đất bên ngoài chân đế, không ảnh hưởng trực tiếp đến trụ điện, hiện chúng tôi đang theo dõi”, ông Dũng khẳng định.

Sụt lún bất thường sát chân cột điện 500kV nghi do dư chấn địa chất - 5

Chính quyền địa phương nhận định, hiện tượng sụt lún có thể do dư chấn địa chất.

Minh Nguyễn - Thái Bá