Sụt lún bất thường bên dòng sông Mã vì nạn “cát tặc”
(Dân trí) - Khi thượng nguồn đang bị “bức tử” bởi hoạt động xả thải thì xuôi dòng sông Mã về địa phận xã Yên Thọ (huyện Yên Định, Thanh Hóa), hàng chục hộ dân sinh sống ven sông đang phải đối mặt với hiện tượng sụt lún bất thường. Nguyên nhân được kết luận một phần do tình trạng khai thác cát gây nên.
Những “hố bom” bất thường
Từ bao đời nay, gia đình lão nông Trịnh Đình Thuận (thôn 10, xã Yên Thọ) gồm 3 anh em trai, sống chung trên cùng một thửa đất, với mấy sào hoa màu ven bãi. Cuộc sống nghề nông vốn chẳng khấm khá gì nhưng nhờ con nước, con cá trên sông; nhờ chút bãi bồi trồng cây ngô, cấy chuối mà cuộc sống có đủ lương thực, hoa màu nuôi để con cái có cái ăn, cái mặc.
Ông dẫn chúng tôi lại gần mé sông, chỉ vào rặng tre đang lổn nhổn, chỏng chơ nghiêng ngả và nói: “Chỉ qua năm thôi, những rặng tre này cũng lũ lượt biến mất. Đã bao rặng tre như thế nối đuôi nhau ra đi, may mà dân ta còn biết trồng tre để mà giữ lấy đất chứ không có chúng chắc đến làng cũng chẳng còn”.
Nỗi lo mất đất hàng năm vẫn chưa có biện pháp khắc phục thì thời gian qua (khoảng tháng 4/2015 trở lại đây), các hộ dân thôn 10 lại càng hoang mang hơn khi xuất hiện nhiều điểm sụt lún như những “hố bom”.
Trước mắt chúng tôi từng vị trí sụt lún như những “hố bom” thời chiến tranh còn sót lại. Hố to đường kính lên tới vài mét, hố nhỏ thì xoáy sâu nhìn không thấy đáy. Số lượng các điểm sụt lún lên tới vài chục điểm khác nhau. Chưa kể, hiện tượng bất thường trên còn diễn ra phổ biến tại một số thôn dọc triền sông Mã như thôn 6, 9, 12, có tới cả trăm điểm sụt lún lớn nhỏ.
Tại gia đình bà Trương Thị Bảo, căn nhà xuất hiện 4 hố sụt lún, trong đó có 2 điểm sụt lún lớn được nối với nhau bởi một khe nứt rộng có chiều dài 3 - 4m; một hố khác có đường kính 70cm, chiều sâu khoảng 1m... Đáng lo hơn khi hiện tượng sụt lún đã xuất hiện tại vị trí nhà bếp tiếp giáp với nhà ở, toàn bộ gạch nền bị sụt xuống, vỡ nham nhở, chưa kể một số công trình phụ cũng xuất hiện hàng loạt các vết nứt nẻ.
“Từ xưa đến giờ, chúng tôi sinh sống dọc bờ sông Mã nhưng chưa bao giờ xảy ra hiện tượng sụt lún, tạo thành nhiều các hang hốc như thời gian qua. Hiện tượng trên đang trực tiếp đe dọa sự an nguy của xóm làng” - bà Bảo lo lắng.
“Cát tặc” lộng hành
Theo người dân nơi đây, sở dĩ nói nguyên nhân là do khai thác cát bởi lẽ, cùng thời điểm xuất hiện các hiện tượng trên là Công ty Nhất Linh và Hợp tác xã Thành Công được cấp phép hoạt động mỏ. Họ hoạt động suốt ngày đêm, nhất vào thời điểm nước lớn, các đơn vị khai thác cát cho tàu thuyền vào sát với mép bờ, chọc vòi, moi hút cả trăm khối cát mỗi ngày.
Dân kêu mãi, đơn thư phản ánh nhiều, ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri... cuối cùng cũng đã thấu. Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của 2 mỏ cát trên. Sau đó, nguyên nhân được kết luận: Hiện tượng sụt lún tại thôn 6, 9, 10, 12 xã Yên Thọ, (huyện Yên Định) là do nhiều nguyên nhân: Hoạt động kiến tạo địa chất, khí hậu, hoạt động khai thác cát, hoạt động khai thác nước ngầm, thay đổi dòng chảy của sông... Tuy nhiên, liệu người dân được đền bù hay be bờ sông, đó vẫn là điều chờ đợi mỏi mòn của họ.
Thêm vào đó, từ khi có lệnh cấm tạm dừng các mỏ cát thì bỗng xuất hiện nạn “cát tặc” thường xuyên. “Cứ thấy dân cầm điện thoại, hoặc lực lượng an ninh xã xuất hiện là chúng tẩu trốn rất nhanh. Chính quyền cũng đã cắt cử lực lượng để kiểm soát, nhưng chỉ được một thời gian, lí do là không có kinh phí để kéo dài mãi. Thời gian hoạt động của cát tặc chủ yếu vào đêm, rạng sáng, “lúc mà bà con đã lên giường, lực lượng chức năng đi ngủ...” - một người dân cho biết.
Ngoài “cát tặc”, tại thôn 9 - nơi bãi tập kết, đồng thời là mỏ cát của Công ty Nhất Linh, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Máy vẫn hút dưới dòng lên, nhiều xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau ra vào.
Theo ông Hà Duyên Lục - Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Định thì thời gian gần đây lực lượng chức năng huyện Yên Định và huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp bắt giữ hàng chục vụ “cát tặc” thu nộp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Tại xã Yên Thọ thì lực lượng chức năng chưa bắt được vụ nào.
Ông Lục cũng cho biết: “Cũng cần phải nghĩ cho doanh nghiệp. Họ đầu tư cả “đống” tiền để mua thuyền hút cát; khó khăn lắm mới được cấp phép... Bây giờ cứ cấm họ hoạt động, tàu thuyền bỏ không thì cũng khó cho doanh nghiệp!”. Còn việc Công ty Nhất Linh bơm hút cát, được ông Lục “chẩn đoán” đó là do đơn vị mua cát nơi khác về hút lên tập kết!...
Bình Minh