Sức sống trên “Làng thanh niên Sông Chàng”
(Dân trí) - Về làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng sau 3 năm thành lập và phát triển, những cánh đồng mía, những ngôi nhà ngói mới mọc lên san sát, đường điện, hệ thống nước nối đến tận từng gia đình. Nơi đây đang tràn ngập sức sống mới.
LTNLNSC thành lập năm 2008, đã tập hợp hàng trăm thanh niên thuộc diện hộ nghèo. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả họ đều chung một niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai trên mảnh đất vốn cằn cỗi này.
Đặt chân đến trung tâm hội trường của Làng, chúng tôi may mắn gặp và được anh Nguyễn Khắc Hùng, quê ở xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hóa dẫn đi thăm làng và gặp gỡ các gia đình. Vừa đi, anh Hùng vừa nhớ lại: "Sống mấy năm trong quân ngũ, tôi về quê lập gia đình, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, đất đai ít nên vợ chồng quanh năm thất nghiệp. Sau khi nghe có chương trình về “Làng thanh niên lập nghệp Sông Chàng”, tôi tình nguyện hộp đơn xin đi xây dựng kinh tế mới".
Chị Lan chia sẻ: “Công việc của gia đình bận bịu cả ngày nên tôi chỉ mong có một cái chợ gần gần một chút để tiện cho việc đi chợ, sinh hoạt thôi. Lâu nay chúng tôi đều mua hàng của các lái buôn chở đến nên giá thành cũng có phần cao hơn”.
Trong 3 năm qua, LTNLNSC đã đưa được 73 hộ dân/150 hộ vào Làng sinh sống. Ngoài việc cấp cho mỗi hộ 400m2 đất ở và khoảng 4 ha đất sản xuất, Ban quản lý Làng còn xây dựng hệ thống điện lưới xuống tận từng gia đình, khoan giếng và xây bể nước sinh hoạt cho các gia đình.
Với mục đích xây dựng một mô hình phát triển kinh tế, lấy Nông - Lâm nghiệp làm chủ đạo, đồng thời tạo điều kiện bước đầu cho người dân sản xuất, Ban quản lý Làng phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cung cấp giống và phân bón cho các hộ tiến hành trồng mía, có hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho mỗi gia đình để bảo đảm cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Mạc Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Phó ban quản lý LTNLNSC chia sẻ: “Dự án mới triển khai được 3 năm (2008 - 2011) trên diện tích 600 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là thu hút khoảng 150 hộ gia đình trẻ, giải quyết việc làm cho 300 lao động trẻ, khai hoang hơn 500 ha đất trồng cao su, hoa màu và trồng rừng. Làng có hệ thống đường giao thông 5 km, 150 giếng khoan, bể lọc, nhà ở tập thể, nhà văn hóa, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế... và thiết bị phục vụ sản xuất, đầu tư hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển chọn thanh niên lên lập nghiệp, đồng thời giao đất canh tác cho các hộ gia đình đợt 2 và hoàn thành tuyến đường giao thông để người dân thuận tiện trong việc đi lại”.
Vùng đất Sông Chàng hoang vắng ngày nào, nay đang hình thành một ngôi làng mới, các gia đình trẻ đã hối hả trồng vụ mía đầu tiên trên những đồi đất hoang. Những quả đồi lau sậy đang dần được thay thế bởi những cánh đồng hoa màu, cao su, tràm.... Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt những người dân khi tiễn chúng tôi như muốn nhắn nhủ một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng, tin vào sự khởi sắc của một vùng đất hoang.
Lan Anh - Cao Tuân - Duy Tuyên