(Dân trí) - Người dân quanh chợ Cầu Gáo Lớn (Châu Thành, An Giang) đã quen với hình ảnh chị Minh "gù", nhỏ thó như đứa bé lớp một, ngồi vắt vẻo đằng sau chiếc xe máy cà tàng do chồng mình chở ra chợ.
Người dân quanh chợ Cầu Gáo Lớn (Ấp Hòa Phú 2 - Châu Thành - An Giang) đã quen với hình ảnh chị Minh "gù", người phụ nữ tí hon, nhỏ thó như đứa bé lớp một, ngồi vắt vẻo đằng sau chiếc xe máy cà tàng do chồng mình chở ra để bắt đầu buổi chợ. Xuống xe, người đàn ông cao 1m65 - trông như lênh khênh hơn khi đứng bên cạnh cô vợ cao mét mốt - bắt đầu hối hả giúp chị bày hàng.
Anh Lâm Văn Ngơi (SN 1975 - quê Kiên Giang) thường chỉ cặm cụi làm, trong khi chị Dương Thị Minh (SN 1982 - quê An Giang) lanh lảnh "tám" với bạn hàng, hoặc rổn rảng dặn dò chồng việc này, việc nọ. Dọn hàng xong, anh quày quả về nhà cơm nước, đợi trưa tan chợ rồi rước vợ về.
Khác với nhiều đàn ông trong xóm, anh không bao giờ đi ăn sáng, uống cà phê một mình hay nhậu nhẹt mà chỉ nấu ăn tại nhà. Nếu đi ăn uống ở đâu, thì nhất định anh phải đi cùng vợ. Bị ai khích bác, anh im lặng hoặc bỏ đi như thể muốn tuyên bố "chuyện của tui, mình tui hiểu là đủ".
Nhưng tất nhiên, còn có chị Minh "gù" hiểu tính chồng. Anh chỉ đơn giản đang thực hiện lời hứa của mình khi ngỏ lời yêu và cưới chị 11 năm trước: "Anh muốn yêu thương, lo lắng cho em suốt đời. Ai cười ai chê anh không ngại, miễn anh được chăm sóc cho em là đủ".
Chị Minh cho biết, sinh ra khỏe mạnh nhưng một tai nạn đứt mất 2 đốt ngón trỏ bàn tay trái khi 11 tháng tuổi làm chị bị nhiễm trùng, thành ra bị tật, gù lưng, cân nặng chưa lúc nào vượt quá 25 kg.
Lúc nhỏ, chị ốm yếu liên miên, chẳng ai nghĩ người phụ nữ sẽ làm được gì, kể cả việc đơn giản nhất.
"Tui đòi đi học chữ, tui xin đi học nghề may, muốn yêu đương, lấy chồng, muốn sinh con… Việc gì trong đời tui cũng bị những người xung quanh cấm cản chỉ vì tui bị "tật". Ai đó nói vì thương, vì lo cho tui, nhưng tui nhất quyết phải sống tự lập. Tui đi mót lúa kiếm tiền học nghề rồi mở tiệm may. Bị người yêu đầu và gia đình anh ta từ chối phũ phàng vì sự tàn tật của mình, tui chia tay luôn, càng muốn chứng minh mình có tật nhưng không phải đồ phế bỏ. Gặp được anh Ngơi, tui biết là mình đã tìm được đúng người, đi đúng đường", chị Minh tâm sự.
Nghe vợ kể chuyện xưa, anh Lâm Văn Ngơi cúi mặt, bẽn lẽn cười. Anh nhớ lần đầu tiên họ gặp nhau trong tiệm may bé tí tẹo của chị: Một người con gái nhỏ xíu như đứa trẻ chỉ cao đến hông anh, mắt chị sáng như sao, giọng nói ríu rít như chim sáo. Khác hẳn với anh, cục mịch kiệm lời, khi mặt đối mặt thì chỉ biết ngượng ngùng. Họ "cộc lệch" từ vẻ ngoài, khác biệt về cá tính, nhưng lại hút nhau một cách kỳ lạ.
"Ảnh hỏi tui ở một mình, lỡ đêm hôm bệnh thì ai lo, tui bảo có chuyện thì mẹ tui nuôi, chứ anh chị em ai cũng đi làm hết. Ảnh ở chơi hai ngày, lúc về nói sẽ kêu mẹ lên nói chuyện để xin cưới. Biết hoàn cảnh của tui, mẹ và gia đình anh thương, ủng hộ. Ngược lại phía gia đình tui không ai tin ảnh thật lòng, sợ tui lấy chồng về sẽ khổ", chị Minh kể.
Cái tin cô Minh "gù" có người đàn ông lành lặn cao lớn, chưa vợ con xin hỏi cưới khiến ấp nhỏ xôn xao. Chị Minh ngoài mặt tỉnh bơ, mà trong lòng ngổn ngang trăm mối, nhất là khi mẹ và anh chị em trong nhà quyết liệt phản đối, nghi ngờ anh. Giữa những dằn vặt, nhớ lại ánh mắt da diết của người mình thương, chị quyết định táo bạo: Chuyển về nhà anh sống chung, từ từ thuyết phục gia đình.
Điều bất ngờ là chỉ sau 2 tháng sống với nhau, chị Minh đã phát hiện mình có thai. Chị hạnh phúc vì hóa ra mình cũng có thể mang thai được! Sau vui là lo, mẹ chồng và chồng đều sợ chị không mang nổi cái bầu, khuyên bỏ, nhưng chị kiên quyết giữ lại. 9 tháng 10 ngày mang thai cực khổ, lúc chị sinh con cũng thập tử nhất sinh do viêm phổi nặng và nguy cơ vỡ tử cung cao, phải đẻ mổ khẩn cấp. Anh Ngơi lo thắt ruột, luôn túc trực kề bên. Như một phép màu, chị được mẹ tròn con vuông. Tỉnh dậy sau cơn hôn mê, chạm tay vào bàn tay bé xíu của cô con gái mới đẻ, chị mới biết mình còn sống, lòng rưng rưng niềm hạnh phúc làm mẹ.
Từ đó, hai vợ chồng anh chị cũng thuyết phục được gia đình bên ngoại. Chị chuyển hẳn về sống gần mẹ đẻ vì tiện hơn với điều kiện của mình, anh cũng thuận ý.
"Cuộc sống hai vợ chồng những ngày đầu vô cùng cực khổ. Khi con nhỏ hai, ba tháng, tui đã ngồi dậy ráng may cật lực. Chồng tui bỏ nghề đi biển cũ để về gần vợ, gồng mình làm thuê làm mướn đủ nghề từ cõng gạch, đánh cá từ 3 giờ sáng mỗi ngày. Tụi tui tích cóp từng đồng để có tiền nuôi con, chăm lo cho tương lai", chị Minh bùi ngùi kể lại.
Cách đây 3 năm, nghề may gặp khó, chị bàn với anh đi nhập cá khô ở quê (Kiên Giang) về bán, gánh hàng khô từ đó ra đời. Nhờ chịu khó chọn những mặt hàng ngon, lạ, nên anh chị rất đắt hàng, cuộc sống cũng ổn định hơn. Đến nay, anh chị đã tích được tiền mua miếng đất, cất căn nhà gạch nhỏ, so với nếp nhà lá ngày xưa, như vậy là quá khang trang. Con gái anh chị cũng được ba mẹ động viên và tạo mọi điều kiện để học.
Chị Minh luôn cố gắng và nỗ lực để con được học hành đến nơi đến chốn.
"Ngày xưa, tui khóc đòi dữ dằn mới được mẹ cho đi học, 9 tuổi vào lớp 1 mà học giỏi hơn các bạn. Hết tiểu học buộc phải nghỉ vì trường xa quá, tui không có sức đi bộ, cũng chẳng đi nổi xe đạp… Đến bây giờ tui vẫn tiếc vì không học cao hơn để hiểu biết hơn. Cho nên, dù vất vả mấy tui cũng sẽ cho con tui học hết cỡ", chị Minh khẳng định.
Điều lạ là sau lấy chồng sinh con, sức khỏe của chị Minh ổn định. Hàng ngày, anh Ngơi chăm chút cho chị từng li từng tí. Anh làm mọi việc nhà, rảnh thì đi bắt cá kiếm thêm, hoặc chở vợ con đi chơi. Lỡ vợ cảm nhẹ hay thấy trong người khó chịu, là anh đi mua thuốc, chở chị đi khám bệnh. Vợ thèm món gì dù nửa đêm gà gáy, anh đều sẵn lòng nấu cho vợ ăn, chị kêu đau mỏi chân thì xoa bóp mà không nề hà.
Trên bức tường treo kín những bức ảnh của gia đình, chị Minh hạnh phúc khoe hình con gái nhận giấy khen ở trường. Bé Minh Thư - con gái chị có gương mặt bầu bĩnh, mắt long lanh, lí lắc và hiểu chuyện, cả ngày quấn quýt, líu lo bên người mẹ "tí hon" của mình.
"Chồng tui vẫn ước sẽ tậu được miếng đất mặt đường tiện cho tui bán hàng khỏi vất vả chạy đi chạy lại. Nhưng với tui thì như bây giờ là quá đủ. Tui biết rất nhiều người khuyết tật còn éo le hơn mình mà họ vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không lẽ tui lại không?", chị Minh chia sẻ.
Câu hỏi ấy, chị đã trả lời bằng tất cả khát vọng được sống một cuộc sống bình thường.
"Tui đồng ý lên báo nhưng nhớ viết là tui không cần nhận sự giúp đỡ của ai. Tui chỉ muốn gửi lời tới những người đồng cảnh ngộ, rằng các bạn, dù tàn tật hãy cố gắng sống thật tốt, mạnh dạn thực hiện ước mơ và tìm lấy hạnh phúc cho mình. Đừng nghĩ mình có tật thì an phận, trông chờ vào sự chăm sóc của người khác. Vì chính tôi đã làm được, nên tôi tin rằng các bạn cũng sẽ làm được" - chị Minh "gù" nhắn nhủ.
Nội dung: Quỳnh Anh
Thiết kế: Thủy Tiên