1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Sửa luật để người bị oan sai được tạm ứng tiền bồi thường

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều qua 23/1, ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - cho biết, Bộ Tư pháp ủng hộ quan điểm bổ sung quy định ứng trước tiền bồi thường oan sai vào Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước đang được sửa đổi, bổ sung.

​Ông Trần Việt Hưng- Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Ảnh: Thế Kha).
​Ông Trần Việt Hưng- Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Ảnh: Thế Kha).

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc bồi thường oan sai cho những người như ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Cục Bồi thường nhà nước đã hỗ trợ gì và có đưa việc tạm ứng tiền bồi thường vào dự thảo Luật Bồi thường nhà nước đang được sửa đổi hay không, ông Trần Việt Hưng khẳng định quá trình xây dựng luật đã đưa ra vấn đề này.

“Cơ bản những vấn đề của Chính phủ trình đã được đồng ý. Hiện nay chúng tôi đang báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp để trao đổi lại với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh dự thảo luật, trong đó có việc tạm ứng. Đây là quy định mà nếu được thông qua sẽ tháo gỡ cho người bị hại thuận lợi hơn, cơ quan nhà nước cũng giảm bớt đi khó khăn vướng mắc trong giải quyết bồi thường. Chúng tôi hi vọng luật mới được xây dựng sẽ có hiệu quả nhất với điều kiện hiện nay, với nền công vụ hiện nay”- ông Hưng nói.

Liên quan đến vụ việc của ông Hàn Đức Long, ông Trần Việt Hưng cho biết trách nhiệm giải quyết đang thuộc về các cơ quan tố tụng liên quan, Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) chỉ phối hợp trong việc bồi thường oan sai. “Vừa rồi luật sư Ngô Ngọc Trai có trao đổi với chúng tôi xung quanh việc hỗ trợ tính toán bồi thường. Cục Bồi thường nhà nước có một trung tâm hỗ trợ về pháp lý, sẵn sàng tư vấn cho ông Long thực hiện việc đòi quyền lợi của mình”- ông Hưng thông tin.

Đối với vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén, sau khi họp báo công bố số tiền bồi thường trên 10 tỷ đồng, TAND tỉnh Bình Thuận phải chuyển toàn bộ hồ sơ, chứng từ liên quan tới TAND Tối cao và Bộ Tài chính. Sau khi nghiên cứu, nếu thấy đầy đủ cơ sở thì Bộ Tài chính sẽ cấp tiền để chi trả cho ông Nén và gia đình.

Trong khi đó, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho rằng những quy định trên nếu được Quốc hội thông qua, đi vào cuộc sống sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của người dân.

Đến nay, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được bồi thường oan sai trên 7,2 tỷ đồng cho 10 năm ngồi tù oan, ông Huỳnh Văn Nén được TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận bồi thường trên 10 tỷ đồng cho 17 năm ngồi tù oan và sắp tới TAND Cấp cao sẽ phải thoả thuận bồi thường cho ông Hàn Đức Long.

Thế Kha