Sửa luật Đất đai cần dẹp “loạn” quyền thu hồi đất
(Dân trí)- “Hiện có đến 3 cấp chính quyền có thể thu hồi đất - TƯ, tỉnh, huyện, thậm chí cả cấp xã. Có ý kiến nói việc này loạn như “loạn 12 sứ quân” cũng là có cơ sở” - LS Lê Đức Tiết bình luận trong hội nghị góp ý sửa luật Đất đai ngày 14/3.
Thảo luận về vấn đề xác định cơ quan có trách nhiệm tham gia quá trình quản lý, sử dụng đất, ủy viên Hội đồng tư vấn kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (TƯ MTTQ VN) Phạm Gia Hải đề xuất, cần làm rõ vấn đề đại diện chủ sở hữu nhà nước và thống nhất quản lý đất đai. Cụ thể, đại diện chủ sở hữu phải là cơ quan lập pháp, thống nhất quản lý cơ quan hành pháp, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Bàn về chế độ sở hữu đất đai, ông Hải cũng đặt vấn đề, xác định quyền sử dụng đất là quyền tài sản, sao không thực hiện trưng mua, trưng dụng như quy định của Hiến pháp mà chỉ là thu hồi, bồi thường?
“Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu điều đó hoàn toàn phù hợp với Việt Nam nhưng với những quy định liên quan đến thu hồi, bồi thường trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là không đúng. Như vậy, chả lẽ là “tôi đi mua của tôi”. Tôi là chủ thể mảnh đất đó rồi tôi lại mua của tôi?” – ông Hải lập luận, cho rằng vì thế, đất đai được giao phải thực hiện trưng dụng.
Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Hà Thị Liên chỉ ra, đất đai của Việt Nam khác với lịch sử và lãnh thổ của nhiều nước nên được xác định là sở hữu toàn dân. Mọi người dân có quyền sở hữu và người đại diện chủ sở hữu, theo bà Hà Thị Liên nên là Quốc hội.
Bà Liên cũng dẫn điều 58 dự thảo Hiến pháp đang lấy ý kiến nhân dân có quy định về mục đích thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội nhận nhiều quan điểm không tán thành. Các ý kiến cho rằng trường hợp này phải áp dụng trưng mua. Luật Đất đai vì thế cũng cần đối chiếu, sửa đổi thống nhất cùng với các quy định tại Hiến pháp.
Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Trần Ngọc Hiên cũng lập luận, quan điểm vấn đề sở hữu phải đi vào quy luật thị trường. Sở hữu chỉ có giá trị khi đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của lực lượng sản xuất, chứ không phải là sở hữu trong văn bản cho dân chủ. Ai làm sinh lợi tốt nhất phải làm rõ quy định trong luật.
Một Phó Chủ nhiệm khác của Hội đồng tư vấn kinh tế, GS Nguyễn Lang cho rằng cần làm rõ người và cơ quan quản lý sử dụng đất. Lâu nay nói đất có đại diện chủ sở hữu là Nhà nước. Đó là cách xác nhận “mơ hồ”, dẫn đến mơ hồ nhận thức của người quản lý.
“Đất đưa vào khai thác cần phải làm rõ vai trò, ai sở hữu, ai là đại diện chủ sở hữu, ai là người quản lý tài sản, ai là người trực tiếp sử dụng tài sản đó” – ông Lang nói.
Luật sư Lê Đức Tiết
Tập trung hơn nữa với nội dung thu hồi đất, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật Lê Đức Tiết bày tỏ lo ngại về quy định có đến 3 cấp chính quyền có thể thực hiện việc thu hồi đất – TƯ, tỉnh, huyện. Nhiều trường hợp, theo ông Tiết, thậm chí cả xã cũng thực hiện việc thu hồi đất. Việc hành chính hóa luật như vậy làm cho việc quản lý trở nên rối rắm.
Ông Tiết chỉ ra nghịch lý quan hệ dân sự lẽ ra phải là quan hệ bình đẳng, tự nguyện thì bị biến thành quan hệ hành chính mang tính chất quan hệ cấp trên - dưới. Lẫn lộn giữa quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.. đã dẫn đến việc làm luật rườm rà. Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật bình luận: “Có ý kiến người
dân nói thu hồi đất các cấp loạn như loạn 12 sứ quân, như thế cũng là có cơ sở. Vụ Tiên Lãng là một bài học cho thấy trên không nói được dưới, dưới bất chấp trên, do việc giao quyền thu hồi đất thực hiện theo mệnh lệnh hành chính”.
GS Trần Ngọc Hiên “gật đầu” với ý kiến này. Ông Hiên đề xuất, luật phải xử lý mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và vai trò của Nhà nước nhằm điều tiết các lợi ích một cách tương đối hợp lý. Vấn đề bồi thường giá đất, hỗ trợ và tái định cư cũng được nhiều ý kiến quan tâm góp ý. Các ý kiến cho rằng, Dự thảo mới chỉ chú ý đến
việc bồi thường giá trị đất và giao đất mới mà chưa thực sự chú ý đến đời sống của người dân sau tái định cư.
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị làm rõ khái niệm bồi thường gồm những gì bởi chỉ đặt vấn đề bồi thường đất ở là chưa đầy đủ, chưa chú ý đến tác động của việc lấy đất sẽ đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Thực tế, khi người dân thay đổi chỗ ở là kéo theo những thay đổi về cuộc sống, nếp sinh hoạt, văn hóa, phong tục, tập quán. Do đó, quy định về bồi thường cần chú ý hơn đến những khía cạnh này. Vấn đề cơ bản cần giải quyết là công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế thu hồi đất phải có chính sách đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.
Liên quan đến giá đất, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng gợi ý quy định để người dân có thể trực tiếp góp ý với các cơ quan chức năng hoặc gián tiếp thông qua hội nghị cử tri, có cơ chế, chính sách để MTTQ tham gia giám sát, coi đây là quyền, trách nhiệm của mình. Cùng với đó là cần quy định rõ người dân có quyền biết các kế hoạch sử dụng đất đai của các cơ quan hành chính cũng như giá đất, việc sử dụng đất…
P.Thảo