1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sửa đổi Nghị định 67 phù hợp thực tiễn

(Dân trí) - “Thực hiện Nghị định 67 là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì thế, Tổng cục sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi trong thời gian gần nhất để phù hợp hơn với thực tiễn”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vào ngày 23/9 tại Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, địa phương đã phê duyệt 79 hồ sơ cần vay vốn tín dụng đóng tàu mới. Trong đó có 39 chiếc được phê duyệt mới, có 15 tàu chưa triển khai, 25 tàu không tham gia, 16 tàu được các ngân hàng ký hợp đồng tín dụng.

Hiện tại có 3 tàu vỏ gỗ đã hoàn thành và đi vào khai thác, 2 tàu đã hạ thủy và 11 tàu đang thi công. Số tiền cam kết cho vay gần 99 tỷ đồng, 12/16 tàu đã giải ngân với số tiền hơn 40,5 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã triển khai cho vay vốn lưu động được gần 9,5 tỷ đồng.

Đối với chính sách bảo hiểm, đã triển khai đóng bảo hiểm với 34,6 tỷ đồng; trong đó bảo hiểm tàu đã đóng 30,7 tỷ đồng, bảo hiểm thuyền viên gần 4 tỷ đồng (tương đương 12.972 ngư dân). Qua đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chi trả cho đơn vị bán bảo hiểm hơn 19 tỷ đồng.

Tàu vỏ thép đầu tiên được tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67 sau thời gian thay đổi thiết kế và điều chỉnh hồ sơ nhiều lần
Tàu vỏ thép đầu tiên được tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67 sau thời gian thay đổi thiết kế và điều chỉnh hồ sơ nhiều lần

Trước đó, vào ngày 8/9/2015, Dân trí phản ánh bài “Ngư dân nản lòng chờ vốn vay ưu đãi đóng tàu vươn khơi”, đề cập đến việc ngư dân khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ phía ngân hàng, thiết kế tàu không phù hợp từng ngành nghề, trăn trở giữa máy mới và máy cũ.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Tổng cục Thủy sản kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định 67 phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục, chỉ đạo các ngân hàng tích cực và tạo thuận lợi cho ngư dân tiếp cận vốn vay, việc hoàn thuế GTGT và hỗ trợ 1 lần sau đầu tư theo Nghị quyết 40 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tiếp nhận các kiến nghị trên, ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh: “Thực hiện Nghị định 67 là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì thế, Tổng cục sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi trong thời gian gần nhất để phù hợp hơn với thực tiễn. Thời gian trả nợ của ngư dân sẽ được tăng lên 16 năm đối với tàu vỏ thép thay vì 11 năm. Đề nghị địa phương cần thực hiện đồng bộ 5 nhóm chính sách và hỗ trợ ngư dân có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi”.

Hồng Long

 

Sửa đổi Nghị định 67 phù hợp thực tiễn - 2

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm