Quảng Trị:
Sửa chữa khẩn cấp tràn xả lũ Nam Thạch Hãn
(Dân trí) - Sau nhiều năm vận hành, hệ thống công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn công trình và vùng hạ du.
Hệ thống công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn được xây dựng từ năm 1978, đến năm 1983 đưa vào sử dụng. Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn có nhiệm vụ cấp nước tưới tự chảy cho gần 15.000 ha lúa và hoa màu của 2 huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, còn cung cấp nước dân sinh cho gần 100.000 người.
Qua quá trình vận hành, khai thác tràn xả lũ, mặc dù công trình đã nhiều lần được đầu tư nâng cấp sửa chữa, nhưng phần bê tông sân tiêu năng tràn vẫn bị xói lở, lún sập, hư hỏng nghiêm trọng.
Đáng chú ý, sau những đợt mưa lũ năm 2016, nước qua tràn đã phá vỡ phần kết cấu bê tông sân tiêu năng tràn xả lũ. Nhiều phần bê tông cốt thép sân tiêu năng (phía bờ Nam) bị cuốn trôi, nhiều vị trí khác phần bê tông mặt đã bị phồng rộp và lún sập.
Sau khi xảy ra sự cố, ngành NN&PTNT đã gia cố tạm thời bằng rọ đá, nhưng việc khắc phục vẫn chưa triệt để. Phía dưới nền bê tông xuất hiện nhiều hang rỗng, phần đuôi tràn bị vỡ…
Nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trước mùa mưa lũ, các đơn vị chức năng đang tiến hành sửa chữa khẩn cấp tràn xả lũ Nam Thạch Hãn. Việc sửa chữa được thực hiện từ giữa tháng 6, dự kiến hoàn thành cuối tháng 8/2018.
Đánh giá về hiện trạng công trình, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, hệ thống công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không khắc phục, xử lý kịp thời và triệt để lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình và vùng hạ du.
Ông Hồ Xuân Hòe - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: Hệ thống công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn là công trình đặc biệt quan trọng, việc đầu tư, sửa chữa là hết sức cấp bách, cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng như an toàn tính mạng cho nhân dân vùng hạ du….
Ngoài hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, hồ chứa nước Triệu Thượng 2 (tại địa bàn huyện Triệu Phong) đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện công trình này cũng bị hư hỏng nghiêm trọng phía mái hạ lưu đập chính.
Tháng 12/2016, do mưa lũ nên phía mái hạ lưu đập chính bị trượt có chiều dài gần 70m, sâu 0,6m. Phía đơn vị quản lý đã khắc phục tạm thời bằng cách đóng cọc tre quanh vùng trượt để hạn chế vết trượt mở rộng. Mặc dù vậy, nguy cơ vỡ đập Triệu Thượng 2 là rất cao.
Sau đó, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã có tờ trình gửi UBND tỉnh này đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc sửa chữa, gia cố vẫn chưa hoàn thành.
Hồ chứa nước Triệu Thượng 2 có dung tích thiết kế chứa tối đa 4,3 triệu m3, được xây dựng từ năm 1989 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp. Năm 2013, đập nước này được nâng cấp từ nguồn vốn dự án quản lý thiên tai (WB5).
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 131 hồ chứa nước các loại, phục vụ tưới cho hơn 25.000 ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, trong số hồ chứa kể trên mới chỉ có 2 hồ chứa kiểm định an toàn đập (theo quy định tại điều 17 của Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Chính phủ) là hồ chứa nước thủy lợi – Thủy điện Quảng Trị và hồ chứa Triệu Thượng 2. Với 129 hồ chứa còn lại chưa được kiểm định an toàn đập.
Phần lớn các hồ chứa trên địa bàn đã xây dựng rất lâu, các tiêu chuẩn thiết kế áp dụng chưa phù hợp, tần suất thiết kế phòng lũ và xả lũ còn thấp, thường xảy ra các hiện tượng làm mất an toàn hồ chứa, rất nguy hiểm trong mùa mưa bão.
Trước tình trạng trên, Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT có chính sách an toàn về hồ chứa và kiên cố các hồ chứa nhỏ. Trước mắt, để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ 2018, đề nghị sửa chữa và nâng cấp các công trình hồ, đập tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đ. Đức