1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sửa chữa con đường “mắc bệnh trầm kha”

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tổ chức thẩm định hồ sơ, phê duyệt đầu tư dự án sửa chữa khắc phục các hư hỏng tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Sửa chữa con đường “mắc bệnh trầm kha”  - 1

Đường lún nên liên tục bị ngập do mưa và triều cường, do vậy mặt đường càng dễ hỏng

 

Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh (ban đầu có tên là đường Lê Thánh Tôn nối dài) có tổng chiều dài là 3,7km, trên đường có 3 cây cầu là cầu vượt Sài Gòn, cầu Thị Nghè 2, cầu Văn Thánh 2. Tổng vốn xây dựng là 419 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 142 tỷ đồng. Dự án được tiến hành xây dựng từ năm 1997, đến tháng 2/2002 thì đưa vào khai thác. 

 

Ngay sau đó chừng 2 tháng, những căn bệnh đầu tiên của đường Nguyễn Hữu Cảnh như lún, võng mặt đường, lún và nứt chân hầm chui Văn Thánh (hạng mục phát sinh nằm dưới chân cầu Văn Thánh 2)… đã xuất hiện.

 

Căn bệnh lún, nứt, ngập, bong tróc mặt đường liên tục tiếp diễn từ ngày nó được đưa vào sử dụng cho đến nay. Thành phố cũng đã chi hàng tỷ đồng để sửa chữa nhưng vẫn chưa chữa được hết bệnh của con đường mắc bệnh trầm kha này, đặc biệt là sự cố tại hầm chui Văn Thánh.

 

Mãi đến cuối năm 2007, TP mới quyết định “chi lớn” một lần đến 141 tỷ đồng để sửa chữa dứt điểm sự cố tại hầm chui Văn Thánh. Đến nay nó đã hoàn tất và đưa vào sử dụng được nửa năm và chưa xảy ra sự cố gì mới.

 

Tuy nhiên, phần đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ hầm chui Văn Thánh cho đến cầu vượt Sài Gòn) lại bị hư hỏng nặng do ngập úng và xe tải trọng lớn lưu thông quá nhiều. Đặc biệt là thời gian gần đây, việc triển khai xây dựng các tuyến đường dẫn lên cầu Thủ Thiêm càng làm mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh hư hỏng nặng. Cầu vượt Sài Gòn cũng có nhiều vết nứt ở các mố đường dẫn.

 

Phương án sửa chữa tổng thể con đường này cũng đã được bàn cãi nhiều trong những tháng đầu năm 2009. Giá thành sửa chữa cũng dao động rất lớn: từ 250 đến 550 tỷ đồng. 

 

Với quyết định này của UBND TP, Sở GTVT TPHCM sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt phương án sửa chữa, tức là quyết định sẽ chi bao nhiêu cho dự án sửa chữa này.

 

Hiện dự án sửa chữa con đường “mắc bệnh trầm kha” này đang chờ bố trí kế hoạch vốn đầu tư.

 

Tùng Nguyên