1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Con đường mắc “bệnh” trầm kha

(Dân trí) - Khi mới được đưa vào sử dụng, đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) đã sinh lắm “bệnh”, nay càng trầm trọng hơn. Trong khi vốn xây lắp chỉ là 142 tỷ đồng nhưng để chữa dứt “bệnh” cho nó thì TP phải bỏ ra từ 391 đến 691 tỷ đồng.

Con đường mắc “bệnh” trầm kha - 1
Nhiều điểm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh lún đến gần 1m so với thiết kế gây nên cảnh ngập nước lênh láng ngay cả trong những ngày trời không mưa. 

 

Diễn tiến “bệnh trạng” ngày càng phức tạp

 

Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh (ban đầu có tên là đường Lê Thánh Tôn nối dài) có tổng chiều dài là 3,7km, trên đường có 3 cây cầu là cầu vượt Sài Gòn, cầu Thị Nghè 2, cầu Văn Thánh 2. Tổng vốn xây dựng là 419 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 142 tỷ đồng; phần còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng và các khoản khác.

 

Dự án được tiến hành xây dựng từ năm 1997, đến tháng 2/2002 thì đưa vào khai thác. Chỉ trong vòng 2 tháng, “bệnh” đầu tiên đã xuất hiện tại hầm chui Văn Thánh (bị lún 1,1m). 

 

Hầm chui Văn Thánh là một hạng mục phụ phát sinh khi đang thi công cầu Văn Thánh 2 (thi công từ tháng 1/2000 và hoàn thành vào tháng 12/2001). Nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân sống hai bên đường khá cao nên UBND TPHCM đã quyết định bổ sung thêm hạng mục hầm chui sau mố cầu Văn Thánh 2 với thời gian thi công là 5 tháng (từ tháng 8/2001 đến tháng 1/2002). 

 

Vì yêu cầu thông xe gấp trong quý 1/2002 nên các đường dẫn lên mố cầu Văn Thánh 2 và hầm chui Văn Thánh đã được thi công trong thời gian ngắn, bỏ qua giai đoạn gia tải, chờ lún. Vì vậy, ngay sau khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện hư hỏng tại hầm chui.

 

Chưa hết, liên tiếp sau đó con đường Nguyễn Hữu Cảnh lại phát sinh hiện tượng lún nặng (nhất là phần đường thuộc địa phận quận Bình Thạnh), hư hỏng tại các đoạn đường dẫn lên cầu Văn Thánh 2 và cầu vượt Sài Gòn. 

 

Theo xác định của Viện Khoa học công nghệ xây dựng thì toàn tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đã bị lún từ 0,05-1m so với cao độ thiết kế ban đầu, và hiện tại vẫn còn tiếp tục lún. Từ đó, các tuyến cống thoát nước ở hai bên đường cũng bị hư hỏng theo, dẫn đến khả năng thoát nước kém. 

 

Hiện nay, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh nhiều đoạn bị lún thấp hơn mực triều cường. Cộng với hệ thống cống hư hỏng nên tại con đường mới toanh này suốt nhiều năm qua, mỗi tháng 2 lần đều bị ngập từ 10 – 50cm do triều cường đạt đỉnh, những ngày mưa thì con đường biến thành sông.

 

Chữa “bệnh” còn phức tạp hơn

 

Ngay sau khi hầm chui Văn Thánh xảy ra sự cố (tháng 4/2002), UBND TP đã chấp nhận bỏ tiền ra sửa chữa. Tuy nhiên, phương án được chọn là ép cọc gia cố móng và sửa chữa hầm chui mà không xử lý nền đường 2 bên hầm. Do đó, sau 3 năm yên bình thì nền đường hai bên hầm chui bắt đầu lún nghiêm trọng.

 

Trong thời gian từ năm 2004 – 2006, cầu Văn Thánh 2 cũng nhiều lần bị hư hỏng cục bộ. đến năm 2007 thì một nhịp của đường dẫn lên cầu vượt Sài Gòn cũng xuất hiện vết nứt trên thân.

 

Lúc này, hiện tượng lún mặt đường trên diện rộng cũng đã đến mức báo động. Bộ GTVT phải vào cuộc, phối hợp cùng UBND TPHCM và Sở GTVT TPHCM tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo tìm giải pháp “chữa bệnh” cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuy nhiên, mãi đến cuối năm 2007, TP mới quyết định chi ra 141 tỷ đồng để sửa cầu và hầm chui Văn Thánh.

 

Nhưng đó chỉ là hạng mục cầu Văn Thánh, còn cầu vượt Sài Gòn, gần 1km mặt đường lún nặng... vẫn chưa được khắc phục. Do đó, đầu tháng 3/2009, UBND TP chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Xây dựng số 1 thực hiện trọn gói dự án sửa chữa khắc phục các điểm hư hỏng còn lại trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

 

Tuy nhiên, phương án sửa chữa con đường này tiếp tục gây tranh cãi. Bởi phía tư vấn do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TPHCM) thuê là Công ty Kỹ thuật giao thông vận tải miền Trung đề xuất đến 5 phương án sửa chữa với kinh phí thấp nhất là 250 tỷ đồng và cao nhất là 550 tỷ đồng.

 

Như vậy, tính tổng chi phí sửa chữa cả cầu và đường Nguyễn Hữu Cảnh lên đến 391 – 691 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần chi phí xây lắp cả con đường ban đầu là 142 tỷ đồng.

 

Tất nhiên là chi phí càng cao thì độ bảo đảm con đường không bị lún nữa càng cao và hư hỏng ở các cây cầu trên đường sẽ được khắc phục càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề các trí thức và nhân dân TPHCM quan tâm là tiền sửa chữa lấy ở đâu?

 

141 tỷ sửa hầm và cầu Văn Thánh do ngân sách TP (đó là tiền thuế của dân) ứng. Theo một quan chức Sở GTVT thì ngân sách sửa đường lần này cũng do ngân sách TP ứng. TP giải thích là chỉ ứng, sau này sẽ đòi lại từ các đơn vị sai phạm tạo nên con đường lắm bệnh, nhiều tật này.

 

Tuy nhiên, khoản 141 tỷ sửa chữa hầm chui và cầu Văn Thánh vẫn chưa thấy đòi được. Trong khi đó, Thanh tra TP đã có kết luận sai phạm tại công trình này, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đã nghiên cứu và xác định được trách nhiệm của từng đơn vị liên quan như chủ đầu tư, tư vấn, thi công...

 

Vậy việc chi mạnh từ 250 đến 550 tỷ đồng để sửa chữa triệt để con đường từ ngân sách TP có quá tay chăng? Số tiền này bao giờ đòi lại được cho dân?

 

Tùng Nguyên