1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sửa 19 nghị định yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung 19 nghị định liên quan đến việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Đây là việc rất cấp bách khi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sắp không còn giá trị sử dụng.

Sửa 19 nghị định yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú - 1

Từ 1/1/2023 Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ không còn giá trị sử dụng (Ảnh: Nguyễn Dương).

Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ có hiệu lực sử dụng tới hết ngày 31/12/2022

Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Công an cho biết, khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú quy định: "Kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2021), Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú".

Như vậy, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ có hiệu lực sử dụng tới hết ngày 31/12 tới. Người dân sẽ chỉ còn giữ lại các giấy tờ này làm kỷ niệm.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 19 nghị định liên quan đến xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính và gửi xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và công an các đơn vị, địa phương.

"Việc yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ như Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc yêu cầu trong hồ sơ phải chứng thực các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú theo quy định của 19 nghị định nêu trên, trong khi thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gây lãng phí, phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính", Bộ Công an nhấn mạnh.

5 cách thức được ưu tiên để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú

Để tạo thuận lợi cho người dân và phát huy giá trị của các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo nghị định đã bổ sung quy định về nguyên tắc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

"Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục, cung cấp dịch vụ; không được yêu cầu công dân phải nộp, xuất trình giấy tờ để chứng minh thông tin về cư trú", dự thảo do Bộ Công an xây dựng nêu rõ.

Bộ Công an cũng đề xuất cách thức được ưu tiên để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cụ thể như sau:

-Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ Căn cước công dân có gắn chíp; sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân;

-Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch công để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự;

-Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự;

-Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú;

-Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sửa 19 nghị định yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú - 2

Sử dụng Căn cước công dân gắn chíp là một trong 5 cách thức được ưu tiên để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú (Ảnh: Mạnh Quân).

Dự thảo nghị định nêu rõ: Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công chỉ được phép yêu cầu công dân nộp, xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú khi không khai thác được thông tin về cư trú hoặc thông tin đó chưa được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Công an cho biết đã xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Trong đó có việc đầu tư trang thiết bị cho lực lượng Công an nhân dân tại 4 cấp hành chính (trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) để thực hiện việc quản lý dân cư.

"Việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân sẽ tận dụng hạ tầng hiện có của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo đảm kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh... Do vậy, việc chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực tài chính, kỹ thuật, nhân lực phục vụ việc triển khai thực hiện Nghị định là khả thi", Bộ Công an tin tưởng.