Thừa Thiên - Huế:
“Sự việc của “Lượm” rất nhạy cảm và lạ kỳ”
(Dân trí) - "Tôi chưa hề gặp ai như Dương từ trước đến nay. Phải nói đây là một trường hợp đặc biệt thông minh... Tuy nhiên, câu chuyện này rất nhạy cảm, lạ kỳ, chưa từng xảy ra ở Việt Nam.", Luật sư Lê Thị Trà My nói.
Nếu thời điểm của cô khi quay trên đài truyền hình sau thời điểm của chính phủ ban hành Nghị định thì sẽ bị xử lý tùy theo mức vi phạm nhưng phải xét tới mức độ gây hậu quả cho xã hội của đối tượng.
Qua bài viết, chị có thể thấy được mục đích của cô Dương đối với chương trình này là gì?
Có 2 trường hợp: Dương có mục đích để lừa chương trình nhằm vụ lợi cho bản thân hay Dương bị chứng tâm thần hoang tưởng. Nếu lừa đài và báo thì, yếu tố quyết định là phải chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản của Dương. Nếu không chứng minh được thì Dương vẫn vô tội.
Còn nếu Dương bị tâm thần thì phải có các bệnh viện xác nhận kết quả cô bị bệnh hoặc cơ quan điều tra yêu cầu Trung tâm giám định pháp y tỉnh khám bệnh Dương. Nhưng để làm được điều này thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra; trong quá trình điều tra mới có việc giám định pháp y được. Tuy nhiên để ra quyết định khởi tố thì phải chứng minh được mục đích phạm tội của Dương nhưng điều này đến nay vẫn rất mập mờ và không có chứng cứ.
Ngoài ra, theo tôi nghĩ, cô Dương có thể có nhiều sự ngây ngô. Nếu muốn lừa ai đó thì làm sao đừng để bị phanh phui, trong khi đó cô dám chấp nhận lên quay ở đài truyền hình thì cả nước ai cũng xem, không sớm thì muộn, địa phương bạn bè cô sẽ biết. Tuy nhiên cô cứ lên quay, điều đó cho thấy cô không hiểu rõ ràng lắm về những hậu quả của mình và không thể lừa mọi người được.
Đài hay báo có thể yêu cầu cơ quan hình sự vào cuộc tuy nhiên phải chứng minh được mục đích của cô này thì mới làm việc được. Tuy nhiên trong việc này, nếu Dương đã sai (có mục đích rõ ràng) thì chính đài và báo cũng sai theo vì đã không thẩm định thông tin rõ ràng và quay phim một nhân vật không có thật.
Bà chỉ nghe theo Dương nói để đóng theo kịch bản xuất phát từ tình cảm thương cháu. Nếu bà Huê có “dính” vào lợi nhuận chia chác tiền bạc từ các nhà hảo tâm đưa về Dương thì mới là đồng phạm.
Bà Huê đã nói cho chúng tôi biết phong thanh là “Dương nói bà giúp đóng phim vì đang có chương trình truyền hình về làm phóng sự về Lượm, mà con Dương đang bị đau tim, biết đâu sau khi lên hình sẽ được người giúp đỡ”, xin chị cho biết: có thể mục đích về việc đóng phim của Dương là để lợi dụng lòng tốt của người khác hay không?
Đây là điểm mấu chốt. Nếu Dương có việc này thì có thể sẽ chứng minh được mục đích của Dương và sẽ cấu thành tội của Dương. Tuy nhiên phải chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Khi Dương viết bài lấy tên Lượm để dự thi thì xuất phát từ một sự cảm thông về số phận bi đát của người bạn Lượm cô từng gặp để giúp đỡ chị tìm ra cha mẹ và người yêu bên Mỹ. Lúc này có thể cô không có mục đích lừa gạt mà chỉ là muốn giúp đỡ người khác.
Giai đoạn 2: Khi chương trình nhân ái của 1 đài truyền hình đến đặt vấn đề quay phim thì Dương thoáng hiểu ra có thể sẽ dùng nhân vật Lượm để mình hóa thân vào. Từ đó, có thể có nhiều người thương xót và giúp cho Lượm cũng chính là giúp cho mình với con. Nếu cô làm vậy thì cô sai. Tuy nhiên trong lúc nghèo khổ đang mắc nợ hàng chục triệu từ ca mổ tim cho con, Dương có thể sẽ hành động theo bản năng người mẹ là lo cho con chứ không vì mình.
Luật sư Lê Thị Trà My, Giám đốc Công ty luật Hợp danh Thiên Hà (TT-Huế) trao đổi nhiều vấn đề thú vị xung quanh câu chuyện chưa từng xảy ra
Việc Dương đến nay vẫn giữ số tiền của các nhà hảo tâm cho (10 triệu) có hợp pháp hay không?
Số tiền này là do những người tốt muốn giúp cô mà tự chuyển về hay tự đưa thẳng cho cô. Nếu Dương chiếm đoạt tiền là khác nhưng đây cô chỉ nhận mà không xin hay không dọa nạt, lừa đảo thì số tiền trên vẫn hợp pháp.
Vấn đề là sẽ có nhiều người có thể đòi lại tiền đã cho cô. Dương có thể trả lại hay không là tùy quyền cô quyết định chứ không phải “không trả là sai”. Tôi đọc báo Dân trí thấy cô hứa sẽ trả lại tiền hết cho tất cả mọi người nếu họ yêu cầu. Như vậy đã thấy tâm ý của cô rất tốt.
Chính bản thân Dương không hiểu tại sao lại hành động như vậy như theo phỏng vấn của anh. Ở đây, Dương là người có tài khi viết câu chuyện người khác rất có hồn dù chưa qua trường lớp đào tạo nào về viết văn. Khi đã có cảm xúc chính là cô đang có sự đồng cảm với người khác. Đến lúc quay phim, cô diễn xuất lại những tình tiết và khóc mỗi khi câu chuyện ở lúc cao trào. Chính có cảm xúc cô mới làm được như vậy. Tóm lại, tôi thấy Dương viết văn hay và có khiếu diễn xuất trên những sự rung động về tình cảm trong chính cô ấy.
Từ trước đến nay trong quãng đời hành nghề của chị đã gặp phải trường hợp như Dương chưa?
Tôi chưa hề gặp ai như Dương từ trước đến nay. Phải nói đây là một trường hợp đặc biệt thông minh, nhưng ngây ngô đầy cảm xúc. Tuy nhiên, câu chuyện này rất nhạy cảm, lạ kỳ chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Có thể đằng sau còn nhiều sự phức tạp nữa liên quan đến các bên.
Dương cho hay đã nhiều lần sau khi cô bị phát hiện ra là không phải nhân vật như trong truyền hình, 2 báo và đài đã gây áp lực gọi điện thoại cô nói phải tới công an đầu thú và nộp hết số tiền cô giữ từ chương trình. Như vậy đúng hay sai?
Không thể nói Dương phải làm như vậy được vì đó là thẩm quyền của cơ quan chức năng. Nếu Dương đến tự thú trước công an, không khác gì Dương tự nhận mình là có tội trước Pháp luật - trong khi đó hiện vẫn không thể biết được cô có mục đích làm sai trái hay không.
Đài và báo có thể gửi đơn tố cáo Dương đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên nếu đã gửi đơn thì trong đơn phải nêu ra rõ dấu hiệu hay mục đích lừa gạt của Dương.
Hay nhất hiện tại là Dương phải lên sóng truyền hình để xin lỗi bạn đọc cả nước chứ không thể gửi email đến báo, đài là xong vì trước đây cô đã nói sai sự thật trước cả nước ở truyền hình.
Tiếp đến báo, đài phải xin lỗi toàn bộ mọi người vì đã tác nghiệp sai. Đặc biệt, cả 2 bên phải xin lỗi đến những nhà hảo tâm đã quan tâm, ủng hộ cho chương trình, cho Dương. Chính lời xin lỗi sẽ là cách xoa dịu hay nhất dù vẫn còn nhiều việc phải làm rõ đối với 2 bên.
Xin cảm ơn chị !
Đại Dương (thực hiện)