1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sự thật của “sữa tươi nguyên chất”

Sữa nước hiện chiếm tới 74% thị phần của toàn ngành sữa song các doanh nghiệp lại rất ít đầu tư cho "đại sản phẩm" này. Họ nhập khẩu bột sữa gầy về, pha trộn vitamin, đủ loại các chất rồi đóng hộp, quảng cáo trên mây và bán ra thị trường.

Đó là tiết lộ của nhân viên một công ty chuyên về sữa nước tại VN. Ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng cấp đăng ký và chứng nhận (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm), giở cuốn sổ cấp đăng ký và công bố chất lượng sữa từ năm 2004 nói với chúng tôi: “Chúng tôi chỉ cấp đăng ký cho các loại sữa nước ngoài sản xuất tại VN, sữa có bổ sung vitamin, nhưng từ 2004 đến nay chỉ có... hai doanh nghiệp công bố có sản xuất sữa tươi tiệt trùng”. Vậy “sữa tươi tiệt trùng” bán đầy trên thị trường thực chất là gì?

 

Công thức: Mua trên mạng + pha trộn vitamin

 

Người nhân viên nói trên nói: Các doanh nghiệp rất ít đầu tư cho nghiên cứu, tìm công thức sản xuất sữa tối ưu cho người VN, mà chủ yếu tìm mua công thức trên mạng rồi làm theo bằng cách pha chế sữa bột.

 

Khảo sát thị trường sữa nước, chúng tôi thấy rất nhiều loại sữa ghi rõ là sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng nguyên kem... Tuy nhiên, ngay doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu VN là Vinamilk được thanh tra ngày 28/9 vừa qua, một thanh tra Bộ Y tế cho biết có tới bốn loại sữa cần phải... thay nhãn.

 

Vị thanh tra này nói đây là hiện tượng gian lận thương mại, thậm chí là hàng giả bởi nhãn sữa ghi rõ đó là sữa tươi tiệt trùng nguyên chất, sữa tươi tiệt trùng nguyên kem, sữa tươi tiệt trùng, sử dụng hương liệu tự nhiên. Nhưng theo giải trình của tổng giám đốc công ty (thực tế hàm lượng sữa tươi còn có thể thấp hơn), chỉ có trên 80% nguyên liệu là sữa tươi, số còn lại là sữa bột, sử dụng hương liệu tổng hợp. Trong khi tiêu chuẩn VN yêu cầu sữa tươi tiệt trùng phải có 99% nguyên liệu là sữa tươi (!).

 

Theo đánh giá của một chuyên gia Bộ Công nghiệp, hiện tổng lượng sữa tươi nguyên liệu ở VN chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sản xuất sữa nước. “Nhiều trạm thu gom sữa chỉ là danh nghĩa vì có sữa đâu mà gom. Chưa kể giá thu mua sữa tươi của nông dân ở VN vào loại thấp nhất thế giới, chỉ 3.500đ/lít, thấp hơn Thái Lan và Trung Quốc từ 1.100-1.300đ/lít, nhưng giá bán sữa nước lại vào loại cao nhất thế giới” - chuyên gia này nhận xét.

 

Còn ông Nguyễn Văn Dũng lý giải: “Đã từng có chuyện doanh nghiệp đổ đi hàng chục tấn sữa/ngày, lý do là bảo quản sữa, vắt sữa... không đúng qui cách, sữa nhiễm tụ cầu vàng, tiệt trùng và thanh trùng đều không tiêu hủy hết độc tính. Trong khi sản xuất sữa nước từ sữa bột an toàn, rẻ, chất lượng lại ổn định”. Cũng chính vì lý do mua được rẻ, bán được đắt, thị trường tăng trưởng nhanh (khoảng 20%/năm) nên có người đã ví von: sứt đầu mẻ trán nhưng đang có rất nhiều doanh nghiệp sữa xâu xé thị trường VN.

 

Đánh lừa người tiêu dùng

 

Theo tiêu chuẩn VN, tên gọi chính xác nhất cho loại sữa nước sử dụng nguyên liệu sữa bột là sữa hoàn nguyên vì hầu hết sản xuất 100% từ bột sữa gầy. Song các doanh nghiệp luôn mập mờ là sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng có đường, sữa tươi hương dâu... làm người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

 

Trao đổi với chúng tôi, cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Đáng thừa nhận có hiện tượng doanh nghiệp nhập dầu cọ để tạo độ béo trong sữa, thay thế chất béo sữa đã được tách trước đó. Ông Đáng cho rằng dầu cọ không làm thay đổi phẩm chất của sữa, doanh nghiệp thay chỉ vì lý do giá rẻ hơn (!). Song trên thực tế, nhiều chuyên gia cho biết uống nhiều dầu cọ không có lợi cho sức khỏe của trẻ. Chưa kể dầu cọ có thể tạo độ béo giả tạo, song chất lượng thực tế lại không cao.

 

Hiện thị trường sữa, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là rất bát nháo: cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, nhưng vẫn có vô số “event” cho bác sĩ, cho các bà mẹ do hãng sữa tài trợ...

 

Song quản lý như thế nào lại không đơn giản, bởi cùng một sản phẩm có tới... hai bộ quản lý: Bộ Khoa học - công nghệ quản lý chất lượng, Bộ Y tế quản lý vệ sinh và an toàn.

 

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, hiện sữa cũng như các sản phẩm khác đều được lưu hành tự do, vô thời hạn sau khi công bố chất lượng (có thể tại sở y tế hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm). “Rất khó quản lý và phát hiện sai phạm của từng sản phẩm, ngoại trừ có báo chí phát hiện như hiện tượng sữa tươi sản xuất bằng sữa bột hiện nay” - ông Dũng nói.

 

Hiện tại đoàn thanh tra của Bộ Y tế đang tiến hành kiểm tra một doanh nghiệp sản xuất sữa ở Thái Nguyên. Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho hay bất cứ doanh nghiệp nào sản xuất sữa nước đều được kiểm tra nhằm loại bỏ hiện tượng “mập mờ đánh lận con đen”, giả sữa tươi lừa người tiêu dùng khỏi thị trường sữa đang lộn xộn.

 

Theo ông Trung, hiện có khoảng 6-7 doanh nghiệp có sản xuất sữa tươi, nhưng ông cũng thừa nhận việc đảm bảo 99% nguyên liệu là sữa tươi mới được coi là sữa tươi tiệt trùng là điều khó khăn với nhiều doanh nghiệp.

 

Bao bì các loại sữa tươi: Thành phần nhập nhằng

 

Sữa tươi tiệt trùng Dutch Lady, Z'Dozi, sữa tiệt trùng Izzi, Daisy, thêm hàng loạt nhãn hàng sữa tiệt trùng có đường, không đường của Vinamilk, Elovi... có mặt khắp các siêu thị, đại lý bánh kẹo. Tất cả đều là sữa tươi, tiệt trùng và tinh khiết. Nhưng nếu như phần trăm về đường, canxi, chất béo, vitamin... đều được các hãng sữa này cẩn thận ghi rất rõ ràng trên nhãn mác thì tỉ lệ sữa tươi, sữa bột không hề có một thông số nào.

 

Trong tập hợp các loại sữa tươi rất khó thống kê số lượng này, Vinamilk “nổi bật” hơn hẳn với thành phần thật sự khác biệt ở một số nhãn hàng sữa tươi của mình. Trong khi hầu hết các nhãn hàng khác đều chỉ dẫn chung chung theo kiểu thành phần gồm sữa tươi, sữa bột, đường, hương liệu..., thì sữa tươi tiệt trùng Flex của Vinamilk thành phần gồm sữa bò tươi nguyên chất, sữa bột, canxi. “Chơi sang” hơn nữa là sữa tươi tiệt trùng mang tên Vinamilk thành phần chỉ gồm sữa bò tươi và đường tinh khiết, hoàn toàn không thấy bóng dáng cái tên thường trực “sữa bột” như các loại sữa tươi khác trên thị trường!

 

Ngoài ra, cũng có những nhãn sữa “đặt bài ngửa”, bảng chỉ dẫn thành phần sữa tươi tiệt trùng lại không có chút sữa tươi nào. Sữa tươi tiệt trùng qui định tỉ lệ sữa tươi là 99% nhưng trên nhãn sữa tiệt trùng Yummy hương dâu, hương vani của Daisy lại thông tin thành phần rất rõ ràng, gồm “bột sữa, đường, chất béo, chất ổn định và nhũ hóa, hương tự nhiên, taurine, vitamin A và D” - còn sữa tươi lại không hề được “xướng tên”.

 

Theo Lan Anh - Ngọc Hà
Tuổi Trẻ