Sự thật bằng tiến sĩ của Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định?
(Dân trí) - Trong bảng khai lý lịch hồ sơ bổ sung, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn khai trình độ chuyên môn là tiến sỉ quản lý giáo dục nhưng thực chất bằng này chưa được Bộ GD-ĐT công nhận.
Những ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao thông tin ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định "bất minh" trong việc đi học lấy bằng tiến sĩ. Cụ thể, tháng 6/2014, trong bảng khai lý lịch hồ sơ bổ sung ông Lê Kim Toàn khai trình độ chuyên môn là tiến sĩ quản lý giáo dục. Thế nhưng đến tháng 5/2016, trong bảng trình độ học vấn danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, ông Toàn lại ghi là thạc sĩ quản lý giáo dục. Vậy thực hư vụ việc thế nào?
Tự tìm trường đi học
Theo ông Trần Kim Hùng - Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Định cho biết, tháng 9/2011, sau khi học xong thạc sĩ quản lý giáo dục, ông Lê Kim Toàn tìm hiểu trường đại học Bulacan (Philippines) đào tạo tiến sĩ quản lý giáo dục và có chương trình hợp đồng đào tạo với trường ĐH Đại Nam (Hà Nội). Ông Toàn có đơn, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin đi học nghiên cứu sinh. Sau đó, Ban thường vụ ra quyết định đồng ý cho ông Toàn tham gia nghiên cứu sinh chương trình đó tại Philippin với hình thức ngắn ngày.
“Thời điểm đồng chí Toàn được cử đi học lúc đó ông Toàn là Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, đến tháng 6/2013 mới có bằng. Chương trình đào tạo tiến sĩ từ 2-4 năm, nhưng đồng chí Toàn có bằng thạc sĩ nên thời gian được rút ngắn chỉ còn học khoảng 2 năm. Sau khi có bằng, đồng chí Toàn đã photo bằng, công chứng rồi nộp cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy vì nguyên tắc cán bộ được cử đi học có bằng cấp học xong phải về nộp cho cơ quan quản lý cán bộ.
Tháng 6/2014, khi chủ trương Trung ương cho bổ sung 1 Phó Bí thư trẻ thì đồng chí Toàn nằm trong đối tượng bổ sung. Lúc đó, trong bản khai lý lịch hồ sơ bổ sung Phó Bí thư, đồng chí Toàn bổ sung vào là trình độ chuyên môn tiến sĩ quản lý giáo dục. Bản thân đồng chí Toàn cũng khai trong lý lịch, đồng thời bên chúng tôi- nơi quản lý cán bộ, đồng chí Toàn công chứng bằng tiến sĩ rồi nên tất cả hồ sơ từ sau khi đồng chí Toàn nộp và khai. Kế tiếp từ tháng 5-10/2015 làm quy trình cấp ủy vẫn cứ khai đồng chí Toàn có bằng tiến sĩ quản lý giáo dục”, ông Hùng cho hay.
Đề cập đến việc dư luận phản ánh về chương trình học bằng tiến sĩ của ông Lê Kim Toàn chưa được Bộ GD-ĐT công nhận. Ông Hùng cho biết: “Khi chưa đại hội Vụ 2 Ban Tổ chức Trung ương có vào trao đổi với tôi liên quan đến việc học bằng tiến sĩ của đồng chí Toàn. Sau đó, tôi hỏi đồng chí Toàn nên làm văn bản gửi Bộ GD-ĐT hỏi học trường đó có được Bộ công nhận chưa, nếu công nhận thì khai nhưng đến nay, đồng chí Toàn chưa hỏi. Vừa rồi, bầu cử Hội đồng thi đua Quốc hội khóa 14 (ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định) do chưa hỏi, chưa được trả lời công nhận nên đồng chí Toàn rút không khai cái đó nữa. Có lý do đó chứ không phải lúc khai lúc không đâu. Vừa rồi, Vụ 5 Trung ương có về làm việc thì đồng chí Toàn có thừa nhận khuyết điểm, xin nhận khuyết điểm và đang tiếp tục gửi Bộ GD-ĐT xin ý kiến”.
Nếu không được công nhận thì cá nhân phải chịu trách nhiệm
Theo Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Định, tháng 9/2011, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đã có văn bản kết luận thống nhất chủ trương cử ông Lê Kim Toàn- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham dự lớp nghiên cứu sinh về khoa học quản lý giáo dục do trường Đại học Đại Nam (Việt Nam) và Trường ĐH Bulacan State (Philippin) tổ chức. Thời gian học 2 năm (từ tháng 9/2011-9/2013) theo hình thức bán du học và kinh phí thực hiện theo chính sách đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của tỉnh Bình Định.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến dư luận đặt câu hỏi kinh phí để ông Toàn đi học tiến sĩ lấy ở đâu và kinh phí bao nhiêu.
Trả lời về vấn đền này, Trần Kim Hùng nói: “Tỉnh có cử đi học chương trình này và hỗ trợ 386 triệu đồng, gồm chi phí học phí, máy bay đi lại… Đồng chí Toàn giải trình và điều này cũng được Sở tài chính xác nhận. Tuy nhiên, nếu như không đúng thì khi đồng chí Toàn và tỉnh Bình Định có văn bản hỏi cụ thể mà Bộ GD-ĐT bác bỏ thì tất nhiên các cấp thẩm quyền họp xem xét và yêu cầu cá nhân phải chịu. Lúc đó sẽ tính sau. Nếu đúng thì sẽ được hỗ trợ, còn không đúng thì cấp thẩm quyền xem xét, sau trình thường vụ xin chủ trương. Chứ anh em không có việc gian lận, man khai đâu mà có điều do chương trình đó chưa được thẩm định. Đồng chí Toàn học bài bản rồi, có 3 bằng đại học, bằng thạc sĩ quản lý giáo dục chứ đâu phải học lấy bằng cấp để làm lãnh đạo đâu”.
Trao đổi với báo chí qua điện thoại, ông Lê Kim Toàn nói: “Vừa rồi, có đơn trước khi xác nhận tư cách đại biểu quốc hội gửi Hội đồng bầu cử quốc gia và gởi các cơ quan báo chí. Với trách nhiệm thì tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử đại biểu quốc hội và xác nhận tư cách đại biểu quốc hội mà trực tiếp là vụ 5 Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã làm việc xác minh, thu thập hồ sơ đầy đủ. Tôi đã có báo báo cụ thể về nội dung vụ việc và tổ xác minh tiểu ban đã báo cáo hội đồng bầu cử quốc gia”.
Theo một nguồn tin, trong đơn của các cán bộ hưu trí cho rằng, nhiều người thân của ông Lê Kim Toàn được bổ nhiệm lãnh đạo bất thường. Đơn cử, bà Lê Thị Điển (vợ ông Toàn) từ một giáo viên được liên tục bổ nhiệm qua các chức vụ rồi làm phó giám đốc Sở GD&ĐT. Bà Lê Thị Kim Mai (chị ông Toàn) dù không đủ tuổi đảm nhiệm trọn nhiệm kỳ nhưng vẫn làm chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Bà Lê Thị Vinh Hương (em ông Toàn) từ một trưởng phòng của Sở KH&CN lên làm phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH. Em rể ông Toàn là ông Nguyễn Đức Toàn (chồng bà Lê Thị Vinh Hương) từ cán bộ phường lên làm trưởng Phòng TN&MT TP Quy Nhơn.
PV