1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Sự phục vụ tận tuỵ của “đầy tớ ” vẫn còn… rất xa!”

(Dân trí) - Sự chậm trễ, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn là những tồn tại. Nói theo đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai), sự phục vụ tận tuỵ từ “đầy tớ ” của nhân dân còn là vấn đề… rất xa.

Thảo luận về cải cách thủ tục hành chính sáng nay (9/11), đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng, việc Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có nhiều cải cách nhất, đồng thời thăng tiến 10 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh để đứng thứ 78, vị trí cao nhất từ trước đến nay theo đánh giá của Ngân hàng thế giới là đánh giá khách quan nhất về cải cách thủ tục hành chính đã thực hiện những năm qua.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ “người đầy tớ nhân dân”, phục vụ nhân dân, đại biểu Hải thẳng thắn cho rằng, cải cách thủ tục hành chính… chưa đạt. “Người dân vẫn rất sợ mỗi khi đến cơ quan Nhà nước làm sổ đỏ, giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh”, bà Hải đánh giá.

Mỗi lần đi làm các giấy tờ, người dân thường phải trải qua rất nhiều lần “chờ”: chờ giấy hẹn, chờ nộp tiền, chờ kết quả… Thêm nữa, theo bà Hải, với người dân, việc bôi trơn, lót tay ai cũng phải biết, phải làm…

Chưa hết, nhiều thủ tục được niêm yết công khai, nhưng nhiều người dân dù là trí thức, cán bộ, công chức cũng không dễ dàng nắm được, khiến nhiều người có tâm lý sẵn sàng chi tiền để tránh phiền phức. Cùng với đó, xuất hiện nhiều loại “cò” mà người dân rất dễ “tiền mất, tật mang”.

“Sự phục vụ tận tuỵ từ đầy tớ của nhân dân vẫn còn là vấn đề rất dài và rất xa”, bà Hải kết lại.
 
“Sự phục vụ tận tuỵ của “đầy tớ ” vẫn còn… rất xa!” - 1
Vẫn còn nhiều tồn tại trong thủ tục hành chính chưa được khắc phục là vấn đề nhiều đại biểu nêu lên (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng, đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa xóa bỏ được các thủ tục cơ bản mang tính quan liêu, rườm rà. “Đơn xin thì tôi cho, mà tôi cho lúc nào là quyền của tôi”, ông Hồng đúc rút từ thực tiễn chính ông đã trải qua.

Cũng theo ông Hồng, có những lần ông đi giải quyết công việc, dù đã “quen” cấp trên, dù đã có sự "áp tải" của một nhà báo “có tiếng”, nhưng cán bộ giải quyết vẫn thủng thẳng, công việc vẫn hết sức ì ạch.

Từ thực tiễn, đại biểu này cũng đúc rút rằng, lãnh đạo các địa phương giải quyết công việc có thể rất nhanh, thậm chí chỉ trong 5 phút, nhưng xuống tới cấp dưới lại… ách tắc. “Các đồng chí bên dưới rất ngọt ngào bảo rằng, mai em làm xong, nhưng thực tế lại rất lâu, thành ra trên thông mà dưới không xuôi”, ông Hồng nói.
 

C

"Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến; tình trạng để doanh nghiệp, công dân phải đi lại nhiều lần chưa được khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao." - Báo cáo giám sát của UB Thường vụ Quốc hội.

ũng theo ông Hồng, hiện còn tình trạng sau một cửa còn nhiều cửa khác. Chưa hết, vẫn còn tình trạng khi có phong  bì, người làm thủ tục đến tận nơi, còn khi không phong bì, không “làm luật”, người dân phải xếp hàng rất lâu và bị đưa ra nhiều quy định cản trở.

Cho rằng, 10 năm cải cách thủ tục hành chính chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng đại biểu Lý Kiều Vân (Quảng Trị) cũng liệt kê ra hàng loạt các bất cập vẫn đang tồn tại về thủ tục hành chính như phức tạp, chồng chéo, đẩy khó về người dân, giữ phần dễ cho cơ quan nhà nước. Chưa hết, một cửa nhưng nhiều khoá, nhiều ngách, giảm thủ tục này, lại đẻ thêm thủ tục kia rồi sách nhiễu, tham nhũng…

“Cán bộ, công chức vẫn có thể thu lợi từ cải cách hành chính. Cùng đó, có những người dân nhận thức tiêu cực, sẵn sàng hối lộ khi thực hiện các quan hệ hành chính”, đại biểu Trần Thị Lộc (Bắc Cạn) nối tiếp sau đó.

Trước những vấn đề hiện tại, đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) cho rằng, cần phải chuyển nền hành chính sang hướng “hầu dân” là chính. Bà Hằng đưa ra một dẫn chứng cụ thể tại Singapore, người dân khi chuyển nhà chỉ cần thông báo với chính quyền và chính quyền sẽ lo hết từ điện thoại, internet…, còn người dân chỉ việc đến ở.

Đại biểu này đề xuất, cán bộ làm trong lĩnh vực hành chính phải được đào tạo về hành chính. Người lãnh đạo các đơn vị phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra để phát hiện tiêu cực. Thậm chí, trường hợp cán bộ bên dưới không làm, làm chậm trễ cũng phải xử lý.

“Vấn đề không phải là bao nhiêu thủ tục được cắt giảm mà quan trọng là kết quả, sự thuận tiện với người dân”, bà Hằng nhìn nhìn nhận.

Xử lý triệt để hành vi đưa hối lộ, hạn chế giao dịch hành chính qua khâu trung gian, tăng cường hoạt động của các cơ quan giám sát trong việc giải quyết các kiến nghị của nhân dân là đề xuất của đại biểu Trần Thị Lộc.
 
Trong phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nếu ta phát hiện được cán bộ nhũng nhiễu, gây khó cho người dân và doanh nghiệp chúng ta kịp thời thay thế ngay, tôi nghĩ sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp”.
 
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ đã nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như nguyên nhân và đang nỗ lực để triển khai các giải pháp. Trong đó, ưu tiên hoàn thành trong quý IV/2010 và 6 tháng đầu năm 2011 phương án đơn giản hoá gần 5000 thủ tục hành chính.

Cấn Cường