Sự “nổi loạn” đáng được đón nhận!
(Dân trí) - “Không thể hiểu nổi ngôn ngữ của giới trẻ 8X, 9X ngày nay, đi ăn chơi cùng nhau, đến khi cần thanh toán thì chúng gọi “Campuchia”, sử dụng thì toàn câu dạng bị động. Không chừng 10 năm nữa, ngôn ngữ tỏ tình sẽ thành... <i>Anh yêu bởi em!</i>”.
Phân tích về ngôn ngữ thời nay, PGS Hà Quang Năng, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã dí dỏm đưa ra dẫn chứng như vậy. Cũng theo PGS Hà Quang Năng, không chỉ giới trẻ “loạn ngôn” mà giới truyền thông cũng đang góp phần làm ngôn ngữ Việt Nam… nổi loạn. Nhưng đó là một sự “nổi loạn” cũng dễ thương và đáng được đón nhận.
PGS Hà Quang Năng |
Xin ông có thể dẫn chứng cụ thể về việc giới truyền thông đang khiến ngôn ngữ Việt Nam “loạn”?
Chẳng hạn như với từ gốc Hán-Việt là từ “tặc” và từ “siêu”, đã xuất hiện khoảng 180 từ đi kèm với những từ này trong đời sống ngôn ngữ. Ngoài những từ cũ là nghịch tặc, phản tặc, ác tặc, không tặc, hải tặc… đã xuất hiện một loạt “tặc” mới rất buồn cười như “mông tặc” (những kẻ dùng kim tiêm đi đâm mông phụ nữ như hiện tượng từng xuất hiện ở TPHCM), khoan tặc (quảng cáo khoan cắt bê tông tuỳ tiện làm mất mĩ quan đô thị), thổ tặc, lộ tặc (kẻ ăn chặn người đi đường để kiếm tiền)…
Rồi thì sa tặc, thiếc tặc, khoáng tặc, nghêu tặc, rác tặc, cẩu tặc…!
Rồi siêu thì siêu trọng, siêu trứng, siêu nạc, siêu sạch…
Lạ quá “đào bồi”, “điều nghiên” và “khẳng quyết”!
Quả thật là rất linh hoạt và “sáng tạo”. Ngoài “siêu” và “tặc” thì ngôn ngữ Việt Nam còn đang có thêm những tiết tấu bất ngờ nào nữa không, thưa ông?
Người Việt hiện đã triệt để sử dụng các phương thức cấu tạo từ tiếng Việt để tạo ra những từ vựng mới. Hàng loạt từ ghép đẳng lập (từ ghép hội nghĩa, ghép hợp nghĩa, đẳng nghĩa) đã xuất hiện với nội dung khái quát nhằm diễn đạt các sự vật, hoạt động theo khái niệm mới như bỉ tiện, bi phẫn, chụp giựt…
Đáng chú ý là nhiều từ ghép hợp nghĩa tạo nên những từ rất lạ như: bí nhiệm (bí ẩn và nhiệm mầu), điều nghiên (điều tra và nghiên cứu), giảng huấn (giảng dạy và huấn luyện), khẳng quyết (khẳng định và quả quyết), đào bồi (đào tạo và bồi dưỡng)…!
Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã hàng chục năm nay, cảm nghĩ của ông trước sự ngày một “sáng tạo” của ngôn ngữ Việt?
Theo tôi, trong sự phát triển của xã hội luôn nảy sinh những hiện tượng, đối tượng, khái niệm, quan hệ mới, xảy ra những biến đổi phát triển của những sự kiện, đối tượng khái niệm đã có. Ngôn ngữ đã phát huy tối đa đặc điểm tiết kiệm của mình trong việc gọi tên, biểu thị những khái niệm, những đối tượng tồn tại và phát triển của xã hội.
Tất nhiên, trong sự thay đổi đó có tồn tại những mặt này mặt khác nhưng cùng với sự phát triển của xã hội thì ngôn ngữ cũng biến đổi và phát triển để thực hiện tốt hơn, hoàn thiện hơn vai trò là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người, đồng thời là công cụ tư duy đắc lực của con người.
Xu hướng làm giàu vốn từ vựng của ngôn ngữ
Tức là theo ông nên có một cái nhìn độ lượng và sẵn sàng dung nạp những từ ngữ “lạ” đang xuất hiện ngày càng nhiều như là một sự phát triển tất yếu của xã hội?
Đúng vậy! Sự biến đổi và phát triển nghĩa của các đơn vị từ vựng đã có để tăng cường khả năng biểu thị của chúng; là một xu hướng làm giàu vốn từ vựng của ngôn ngữ. Từ vựng là một bộ phận cần phát triển nhanh nhất để có chức năng là tấm gương phản chiếu một cách trực tiếp đời sống xã hội, sự biến đổi và phát triển của xã hội.
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng, tính năng động, nhậy bén trong tư duy, trong nhận thức của mỗi người đã làm nên những kỳ tích, làm cho đất nước ta thay đổi từng ngày.
Môi trường, hoàn cảnh đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ, đặc biệt là sự xuất hiện của một số lượng lớn các từ ngữ mới nhằm biểu thị những sự vật, hiện tượng mới, những biểu hiện tâm lý, tình cảm, hành động, những nhận thức ngày càng sâu sắc, càng phong phú của con người thời đại mới.
Xã hội phát triển rất nhiều sự vật, hiện tượng mới cần được đặt tên, cần được đưa vào ngôn ngữ. Tại sao chúng ta lại phải từ chối những từ ngữ “sáng tạo” đó?
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Lê Châu thực hiện