“Sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa sẽ có tương lai tốt đẹp”
(Dân trí) - Chiều 19/1, UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) tổ chức tổng kết công tác năm 2014 và gặp gỡ nhân chứng Hoàng Sa.
Theo ông Võ Công Chánh - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa - trong năm 2014, hoạt động của UBND huyện Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh tình hình tranh chấp trên biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Đây là năm tròn 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái pháp hoàn toàn đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (19/1/1974 - 19/1/2014).
Các nhân chứng Hoàng Sa cùng nhau ôn lại những ngày tháng sinh sống và làm việc ở Hoàng Sa
Tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 và tàu bảo vệ hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa – thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Với những hành động ngang ngược như cản phá hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của lực lượng chấp pháp Việt Nam, đâm chìm và gây thiệt hại về người và tài sản đối với ngư dân Việt Nam hoạt động bình thường truyền vùng biển Hoàng Sa, phía Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong Chính phủ, nhân dân Việt Nam cũng như dư luận quốc tế. Sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981 về nước, Trung Quốc tiếp tục có một số hành động xâm lược chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những sự kiện và diễn biến phức tạp này đã khiến dư luận trong và ngoài nước hướng sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như hoạt động của UBND huyện Hoàng Sa.
Đối với huyện đảo Hoàng Sa, ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong vùng biển Hoàng Sa, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã phát biểu với báo chí phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng như tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa và phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Quang cảnh buổi lễ
Trước việc tàu bảo vệ Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã phát biểu với báo chí phản đối mạnh mẽ hành vi phi nhân đạo của phía Trung Quốc, đồng thời thăm hỏi, khảo sát tình hình thiệt hại của tàu cá. UBND huyện Hoàng Sa cũng đã tập hợp hình ảnh, video liên quan đến vụ việc, in, sang gửi các cơ quan có liên quan và gửi Bảo tàng Đà Nẵng in trưng bày, chiếu phục vụ khách tham quan, tham mưu đề xuất lãnh đạo thành phố trưng dụng vỏ tàu cá ĐNa 90152 làm hiện vật trưng bày, phục vụ công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nhân sự kiện 40 năm ngày Trung Quốc dung vũ lực chiếm trái phép Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (19/1/1974 – 19/1/2014), huyện Hoàng Sa đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chuỗi hoạt động Hướng về Hoàng Sa.
Cũng theo ông Chánh, trong năm 2015, UBND huyện Hoàng Sa sẽ tổ chức khởi công công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa vào ngày 30/4. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn chỉnh, nghiệm vụ và đưa vào sử dụng chương trình giảng dạy lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tiếp tục sưu tầm, phát hành các tài liệu tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ông Võ Công Chánh - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa thăm hỏi các nhân chứng Hoàng Sa
Tại buổi tổng kết, UBND huyện Hoàng Sa cũng đã mời gặp mặt những nhân chứng đã sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa.
Ông Nguyễn văn Cúc – một trong những nhân chứng - cho biết: “Cách đây 41 năm, lúc đó tôi mới hơn 20 tuổi đã bị Trung Quốc bắt đưa về Trung Quốc khi tôi đang sống trên Hoàng Sa. Sau đó Trung Quốc trả ông lại về Việt Nam. Đảo Hoàng Sa chính là của chúng ta. Nhân dân chúng ta phải mãi nhớ rằng Hoàng Sa là của chúng ta”.
Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng chia sẻ, trong năm 2014, Hội đã phát động cuộc thi viết thư về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu. Cuộc thi đã đem lại thành công ngoài mong đợi của Ban tổ chức. Số lượng 87.801 bài dự thi nên phải chuyển xuống cơ sở để chấm vòng loại. Bức thư đạt giải nhất viết hết sức cảm xúc. Điểm độc đáo của bức thư là viết thư cho người bạn của em ở tỉnh/thành khác hoặc nước ngoài, thể hiện tình cảm của mình đối với huyện Hoàng Sa thì em này viết ngược lại. Em đã hóa thân thành một bạn trai, một người con của Đà Nẵng đang học bên Pháp viết thư về cho bạn ở Đà Nẵng để nói lên tình cảm của mình đối với Hoàng Sa.
“Với những gì cho thấy từ cuộc thi, tôi tin sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền đảo Hoàng Sa của chúng ta chắn chắc sẽ có tương lai hết sức tốt đẹp”, ông Tiếng nói.
Ông Đặng Công Ngữ - nguyên Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa - cho rằng: "Chúng ta không bàn nhiều, nói nhiều về các bằng chứng lịch sử mà chúng ta phải làm thế nào để bằng chứng lịch sử trở thành sự thật. Năm 2015, mong các cơ quan, tổ chức tiếp tục đồng hành với Hoàng Sa cùng chung tay để đấu tranh đòi Hoàng Sa".
Khánh Hồng