“Sự hy sinh của con khiến người cha như tôi luôn tự hào”
(Dân trí) - Trong nỗi đau tột cùng khi mất con, người cha ấy vẫn luôn tâm niệm một điều rằng ông luôn tự hào về con trai mình. Cho đến tận lúc này, ông khẳng định mình không ân hận vì đã ủng hộ con theo đuổi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Dưới cái nắng chói chang của tháng bảy, chúng tôi tìm về xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa - quê hương chiến sĩ Đỗ Văn Năm (SN 1983), 1 trong 18 chiến sĩ đã hy sinh trong vụ máy bay Mi-171 rơi ngày 7/7 tại Hà Nội.
Tại nhà anh mấy ngày nay, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của xã cùng đông đảo bà con hàng xóm luôn túc trực bên gia đình để an ủi, động viên; đồng thời huy động các lực lượng hỗ trợ gia đình chuẩn bị đón anh trở về với đất mẹ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình, chia sẻ: “Đồng chí Năm là con em địa phương đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Mất mát to lớn của gia đình đồng chí cũng là mất mát to lớn của cả nước. Vượt qua đau thương mất mát, chúng tôi luôn túc trực, an ủi, động viên gia đình để đồng chí được yên nghỉ”.
Theo nguyện vọng của gia đình, sau lễ truy điệu tập thể 18 chiến sĩ được tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay, 11/7, đến trưa cùng ngày, gia đình sẽ nhận thi thể anh Năm, đưa về quê an táng.
Đỗ Văn Năm là người con trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha anh là ông Đỗ Văn Hồng (67 tuổi), là một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường B. Mẹ anh, bà Vũ Thị Trường (63 tuổi), nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình đã về hưu.
Đón nhận nỗi đau đớn tột cùng nhưng người cha, cũng là người lính chiến trường năm xưa, vẫn kìm nén nỗi đau, cứng cỏi động viên vợ và con cháu. Ông kể: “Năm là con út trong gia đình nên rất thương bố mẹ. Nhà tôi làm 6 sào ruộng nhưng chỉ một tay tôi làm vì vợ bệnh khớp không giúp gì được. Thương tôi nên lần nào em nó cũng để dồn những ngày được nghỉ phép vào thời điểm mùa màng để tranh thủ về nhà giúp bố. Công việc của người lính không cho phép nó nghỉ lâu, lâu lắm cũng chỉ được mấy ngày rồi lại vội vàng đi. Lần nào nhà có công việc, nó cũng tất bật về rồi lại đi rất sớm. Trước khi đi lần nào em nó cũng dặn: công việc không cho phép con điện thoại liên tục được nên bố mẹ cũng đừng trông”.
Ông bảo: “Nó không dặn thì tôi cũng hiểu. Lúc nào tôi cũng ủng hộ con. Đã là người lính thì phải hy sinh từ những việc nhỏ nhặt như thế”.
Rồi người cha ấy trải lòng: “Nghe tin em nó hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, tôi bàng hoàng không tin vào tai mình. Đau đớn lắm, thương lắm, không biết nói sao cho hết! Nhưng rồi tôi cũng tự an ủi mình và động viên mọi người trong gia đình hãy kìm nén lòng. Dù gia đình tôi mất con nhưng sự hy sinh của con khiến người cha như tôi luôn tự hào”.
Ông cũng bộc bạch rằng cho đến giờ phút này, ông vẫn không ân hận vì đã luôn ủng hộ con trai đi theo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nghe những lời tâm sự ấy, có thể cảm nhận được rằng người cha ấy vẫn giữ nguyên cốt cách của một người lính cụ Hồ năm xưa...
Nguyễn Thùy