1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

Vụ án oan khuất của một đảng viên... tư nhân:

Sự chiến thắng bi thương của chân lý

(Dân trí) - “Đi tù chung thân” - Cụm từ này đối với anh là điều kinh khủng. Sinh ra trong một gia đình khá giả, từ bé anh chỉ lo ăn học nên cái án tù chung thân với anh đồng nghĩa với án tử hình. Đó là chưa kể đôi mắt cận lòi, cận nổ thì làm sao mà sống nổi ở nơi giam cầm đầy khổ ải.

Không biết trời phật có mắt hay phúc đức nhà anh mà sau hai lần xử, toà đã tuyên anh trắng án, quyết định đình chỉ điều tra. Bước chân ra khỏi phòng xử án, anh mừng như hoá rồ, hoá dại. Bầu trời xanh ngằn ngặt của thành phố vào thu đã từng nhiều lần vào thơ ca, nhạc họa kia tưởng như đã vĩnh viễn khép lại với anh giờ vỡ oà trước mặt. Anh muốn hét to lên để tạ ơn trời đất, tổ tiên. Chân lý đã thắng.

 

Nhưng niềm vui của anh chợt vụt tắt khi anh về đến nhà. Gia đình anh vẫn sống trong không khí như có đại tang. Người mẹ già của anh trước nỗi đau quá lớn đã đổ sụp, liệt giường liệt chiếu đến nỗi niềm vui trắng án của anh cũng không thể kiếm được dù một nửa nụ cười của người mẹ. Cái cơ ngơi anh gây dựng bằng biết bao mồ hôi, công sức giờ hoang tàn, ngập chìm trong cỏ dại. Anh chợt nhận ra rằng cuối cùng, dù chân lý đã thắng nhưng thực chất, anh vẫn là kẻ bại trận vì sự mất mát quá lớn.

 

Trong ba năm kể từ khi có quyết định điều tra, tính sơ sơ anh mất chừng 14 tỉ đồng tài sản hữu hình do công việc làm ăn bê trễ, phải trả lãi ngân hàng và số tài sản bán tống, bán tháo lấy tiền trả cho vốn lưu động. Cái hợp đồng 5 triệu USD với Cộng hoà Liên bang Đức mà anh mất bao nhiều tiền bạc, công sức vun trồng sắp đến ngày ăn quả cũng tan thành mây khói. Mọi kế hoạch phát triển nhà xưởng, mở rộng sản xuất kinh doanh đều bị đổ bể. Bao nhiêu cơ hội làm ăn bị bỏ lỡ. Nhưng cái mất mát khiến anh đau xót nhất là ở tài sản vô hình.

 

Vào thời điểm làm ăn phát đạt, công ty có gần 200 công nhân, bây giờ chỉ còn lại vẻn vẹn hơn 20 người vừa làm vừa cầm chừng. Hơn 100 gia đình công nhân gắn bó với anh từ những ngày đầu thành lập, đã cùng anh sẻ chia những cay đắng trong cơn hoạn nạn giờ tan tác mỗi người một ngả. Đã có người không tìm được công ăn, việc làm lâm vào cảnh đói nghèo, con cái thất học. Có cả người sau này sa vào con đường phạm pháp. Nỗi đau không chỉ dừng ở đấy. Anh còn phải chịu một mất mát không gì bù đắp là danh dự, uy tín, phẩm giá... bị bôi nhọ, thương hiệu bị thương tổn nặng nề.

 

Tôi đã góp cho đời một nỗi đau

 

- Tôi đã góp với đời một nỗi đau. Suốt mấy năm nay, tôi sống trong uất ức, nhục nhã, nhiều khi ngỡ không chịu nổi – Anh ngậm ngùi kể – Rất may là tôi còn nghị lực để vươn lên, ông ạ.

 

- Trong trường hợp này, tôi thấy có người đòi và được bồi thường? Tôi hỏi.

 

- Qua theo dõi, tôi thấy không dễ gì lấy lại được những gì đã mất. Vả lại, nếu có đòi được 14 tỉ đồng tài sản hữu hình thì so với tài sản vô hình mà tôi mất đi là quá nhỏ bé. Là doanh nghiệp, chúng tôi chỉ có một mong muốn là được yên ổn làm ăn, dồn tất cả tâm huyết cho kinh doanh, sản xuất. Cái mà chúng tôi ngại nhất là dây dưa đến chốn công đường vì dù kết quả thế nào thì cuối cùng chúng tôi cũng phải chịu phần thiệt thòi, mất mát. Về việc của mình, thôi thì tôi coi nó như một vụ tai nạn xã hội. Cũng may là trong vụ này, không ai bị vào trong tù ngày nào chứ nếu lỡ bắt rồi, họ sẽ kết án cho bằng được - Đẩy cặp kính cận đến 10 đi ốp lên sát mắt, anh cười một nụ cười thật buồn - ở ta “vui” thật, thích điều tra, kiểm soát ai thì cứ nhảy đại vào. Nếu không phải thì... thôi. Không một lời xin lỗi, không một xu bồi thường, mặc cho các doanh nghiệp muốn sống chết ra sao thì ra.

 

Rửa nỗi nhục nghèo hèn

 

Nếu không có cơ sở lý luận, nay “cho” mai lại “không cho”

 

Theo  Bạch Minh Sơn, điều mà giới doanh nhân nói riêng, dư luận nói chung lo ngại nhất trong việc “cho” hay “không cho” đảng viên làm kinh tế tư nhân là sự thiếu rõ ràng, cụ thể. Những vấn đề như thế nào là bóc lột? Đảng viên có được làm kinh tế tư nhân hay không? “Có” thì vì sao “có”mà “không” thì cũng tại sao “không”...? phải được giải thích trên cơ sở khoa học. Trong Dự thảo Văn kiện cũng mới chỉ nói “được làm” mà không nói rõ vì sao “được làm” là không ổn vì nếu chỉ nói “cho” không thì rồi đến một ngày nào đó, hoàn toàn có thể nói “không cho” và điều đó là cực kỳ nguy hiểm. Chuyện nay “cho” mai “cấm” đã từng xảy ra trong lịch sử và doanh nhân Việt Nam cũng đã từng hứng chịu không phải một lần.

Tôi đã đến thăm cơ ngơi của anh. Hiện tất cả các công trình vẫn trong tình trạng dở dang. Bên ngoài, từng dãy cột bê tông như những dấu chấm than ngơ ngẩn đứng giữa trời. Trong xưởng, đám máy bào, máy tiện, máy phay... nằm phủ phục như bầy trâu đang ngủ. ở đây hình như chỉ có cỏ dại là bất chấp tất cả cứ ngày một vươn rộng mãi ra, vươn cao mãi lên.

 

Anh cho biết đang có ý định chuyển nơi này thành khu đô thị và nếu không có gì thay đổi, vài năm tới tại đây sẽ mọc lên toà tháp đôi 26 tầng, tổng diện tích xây dựng khoảng 52.000m2 với kinh phí dự trù 36 triệu USD.

 

- Theo anh, liệu chúng ta đã có tỉ phú USD? Tôi hỏi.

 

- Tôi nghĩ là có thể có. Thế nhưng những người giàu ở ta họ rất biết giấu mình vì họ đã có rất nhiều bài học từ quá khứ - Lặng một lát, anh nói tiếp - Điều mừng nhất là gần đây, dư luận đã có cách nhìn đúng đắn về doanh nhân. Thế nhưng vẫn còn tư duy quản lý cai trị, ban phát, cho và không cho. Doanh nhân Việt Nam mình có thể chưa thật tài nhưng dứt khoát là không kém cỏi hay dốt nát. Vấn đề là nhà nước có giúp họ, có tạo điều kiện cho họ làm ăn hay không thôi. Tôi nhớ có lần Thủ tướng Phan Văn Khải than thở rằng, làm người dân ở nước nghèo đã khổ nhưng làm Thủ tướng ở nước nghèo cũng chẳng sung sướng gì. Tôi nghĩ doanh nhân Việt Nam quyết rửa nỗi nhục nghèo hèn.

 

Đã ở tuổi lục tuần, Bạch Minh Sơn vàn chưa nguôi khát vọng làm giàu. “Mình không còn trẻ nữa nên phải biết cách nhảy vọt, ông ạ! Bạch Minh Sơn nói với tôi - Điều lo ngại nhất trong cuộc đời là không còn khát vọng chinh phục”.

 

Bùi Hoàng Tám

Dòng sự kiện: Bạch Minh Sơn