1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sông Vua kêu cứu

(Dân trí) - Biết tôi có ý định về xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá tìm hiểu tình trạng ô nhiễm trên dòng sông Nhà Lê, anh bạn công tác ở đài truyền hình tỉnh không quên dúi vào tay chiếc khẩu trang bịt mặt phòng bụi.

Tiếng là sông nhưng thực chất giờ đây nó co lại không khác một con mương rộng chưa đầy chục mét, từng mảng rác đóng băng nổi lều phều. Kể từ khi nghề xẻ đá tại đây phát triển, bột đá thải lắng xuống, theo thời gian con sông từng ngày, từng ngày bị ùn đầy lên, tắc nghẽn…

 

Nghề xẻ đá bột phát…

 

Chiều cuối đông, gió đông nam bất chợt ùa về, khói bụi loã xoã sà xuống mặt sông Vua (sông Nhà Lê). Dọc Quốc lộ 45, những tảng đá 4-5 người khiêng nằm chình ình hai bên đường. Nhà cửa đóng kín. Ngoài đường thỉnh thoảng một vài bóng người oằn mình, rẽ bụi đạp vội xe qua. Trong xóm, hàng chục xưởng mài, xẻ đá hoà quện tạo nên những âm thanh đinh tai, nhói óc. Nước xối xả, lênh láng xuống lòng đường.

 

Cùng đi có cô thiếu nữ tên Xuân - phát thanh viên của xã Đông Hưng tự nguyện đưa chúng tôi tìm hiểu về “xứ sở sương mù”. Vừa đi, Xuân vừa dí dỏm: “Ở quê em cây cối ít lắm, loài cây nào có sức “đề kháng” tốt mới tồn tại nổi”. Sau câu nói đó, Xuân chợt lặng đi, nói: “Mỗi khi gió đông nam thổi đến, nhà cửa trong xóm cứ như cái túi chứa khói bụi”.

 

Dưới chân núi Vấc, nơi sản xuất đá lớn nhất của huyện Đông Sơn, những người đàn ông treo mình đu bám trên vách đá dùng thuổng, xà beng bẩy từng mảng đá hất lăn long lóc xuống chân núi. Cái cảnh đào khoét nguyên thuỷ đó khiến tôi rùng mình vì không thể lường hết được những nguy hiểm có thể xảy ra với họ bất cứ lúc nào.

 

Ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Đông Hưng, có vẻ quá quen khi chúng tôi hỏi về chuyện khai thác đá thủ công của người dân. Ông hở dài: “Đông Hưng ruộng ít, lại bạc màu, thu nhập của người dân trong xã vào loại thấp nhất, nên không ngăn được việc tự phát làm nghề xẻ đá. Hiện xã có khoảng 9.000 nhân khẩu tham gia làm nghề này”.

 

Khi chúng tôi đề cập đến tình trạng sông Nhà Lê bị lấp nghẽn dòng chảy, ông Nguyễn Văn Chính cho biết: hiện tại xã có khoảng 300 xưởng sản xuất lớn nhỏ và nếu làm một phép tính đơn giản mỗi ngày lượng nước thải từ 8- 10 khối/xưởng cho ra ngoài khoảng 2,5kg bột đá, thì việc người dân lấp đầy sông Vua (đoạn chảy qua xã) chỉ còn là vấn đề thời gian.

 

Ông cũng thẳng thắn thừa nhận: “Lúc đầu chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế cho địa phương, không ngờ lại xảy ra tình hình nghiêm trọng như vậy. Hiện xã đang tiến hành dự án xử lý chất thải Đồng Miên với kinh phí hơn 3 tỉ đồng, khu công nghiệp núi Vấc khoảng 6 tỉ đồng và đầu tư gần 600 triệu nạo vét sông Nhà Lê (khởi công từ tháng 7/2005)”.

 

Dòng sông đóng băng vì bụi

 

Sông Vua kêu cứu - 1

Suốt dọc sông Nhà Lê, có hàng trăm con nước thải như thế này chảy ra từ các xưởng đá.

Con sông Nhà Lê (được đào vào thời Hậu Lê) đã tồn tại trên 3 thế kỷ, nhưng chỉ trong vòng hơn một thập kỷ, khi nghề xẻ đá bắt đầu manh nha (1989), nó đã bị huỷ diệt hoàn toàn. Dòng sông Vua bắt nguồn từ sông Mã (đoạn chảy qua Thiệu Hoá) đến xã Đông Vinh nhập vào sông Thiệu Lý, xuôi về Nghệ An và đổ ra biển, giờ cắt thành từng khúc, tắc nghẽn ngay nửa đầu ngọn xứ Thanh.

 

Hơn 4 km uốn lượt quanh Đông Hưng thì có đến 2 km dòng sông bị lấp lại, nhiều đoạn “đóng băng” trắng xoá. Đi dọc bờ sông, có thể nhẩm đếm đến hàng trăm mương cống nước thải ra từ các xưởng mài, xẻ đá ồng ộc tuôn ra. Cùng với thời gian, bột đá lắng đọng, ùn lên, nhô rộng hai bên, sông co lại thảm hại như một con mương chưa đầy chục mét, băng đóng rải rác, từng mảng.

 

Chúng tôi đến xóm Nam Hưng, nơi có nghề làm đá rầm rộ nhất trong tổng số 11 xóm của xã. Qua cây cầu Nấp (giáp ranh với xã Quảng Thắng) chúng tôi không còn nhận ra dấu vết đâu đó của một dòng sông. Dọc bờ sông, những cánh đồng nối liền hai xã, bột đá từ dòng sông Nhà Lê trào xuống nhầy nhụa, nổi lèo phèo.

 

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Thể - Chủ tịch UBND xã Quảng Thắng cho rằng đây là “hệ quả tất yếu” của nghề xẻ đá bột phát. Theo ông Thể thì giải pháp tạm thời của xã là “cố gắng đưa 25 hộ sản xuất của xã vào trong khu chế tác công nghiệp biệt lập, dùng hố ga gom chất thải, còn các dự án cải tạo lớn thì phải chờ kinh phí ở trên xét duyệt”.

 

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không đồng bộ, nó cứ như cái thang, gãy bậc nào chắp vá lại bậc đó…” - một cán bộ xã Quang Thắng chua xót nói.

 

Quốc Tuấn