1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sống trong tầm… đạn lạc

Đạn lạc vô nhà, lủng mái tôn, “nẹc” vô vách, ghim vô tủ, sượt qua đầu người, gây sát thương... đang là chuyện bức xúc của 37 hộ dân ở ấp 1, 2 của xã Mỹ Ngãi và khóm 3, phường 11 (TX Cao Lãnh, Đồng Tháp). Bởi vì họ đang sống sau lưng thao trường bắn của Trung đoàn 9 bộ binh.

Dẫn tôi ra sau hè, ông Nguyễn Văn Mười Một, một nông dân có nhà quay lưng về hướng trường bắn, chỉ cho tôi coi hướng đạn đi: “Từ mí nhà tôi tới chỗ tập bắn cách chừng 200m, qua một khoảnh ruộng lúa. Đạn từ phía đó bắn qua”.

 

Ông chỉ tay về hướng bờ đất cao cao, dài chừng 100m, cao khoảng 20m, nói: “Đó là bờ đất chống đạn, ở bển có bệ bắn, bia bắn đàng hoàng, nhưng không hiểu sao mấy ảnh bắn đạn lạc qua đây hoài. Khi nhà tôi còn tre lá, mỗi lần tập bắn đạn bay qua vèo vèo, đâm lủng nồi treo trên vách nghe loong toong. Cả nhà hai vợ chồng bốn đứa con phải núp theo các chân cột. Bây giờ phải xây bức tường bêtông phía sau nhà để chống đạn”.

 

Cùng xóm với ông Mười Một, những hộ dân khác đều có hoàn cảnh tương tự. Ai có tiền thì xây tường sau nhà, còn không thì vẫn cứ phải lủi bờ tre, núp sau mô đất hoặc nhảy xuống mương mỗi lần nghe súng tập bắn nổ.

 

Lội con rạch đi qua bờ bên kia, mối nguy hiểm còn nhiều hơn, vì đa số nhà bà con đều quay cửa ra con đường phía trước mặt, đối diện với trường bắn. “Chẳng lẽ quay cái hậu nhà ra mặt tiền rồi xây tường chống đạn? - ông Mai Thành Thật, ở ấp 2, xã Mỹ Ngãi, không giấu bức xúc - mà hướng nhà như vầy rất dễ... ăn đạn”.

 

 

Sống trong tầm… đạn lạc - 1
 

Cái tủ thờ nhà ông Mười chi
chít vết đạn.

Ông chỉ tôi coi cái tủ thờ còn in đầy vết đạn. Đếm tất cả có tám vết, có vết lủng đã lâu còn để lại lỗ nhỏ như vết sẹo. Có vết mới toanh in dấu gỗ vừa tróc. Trên nóc nhà còn để lại một lỗ đạn tròn. Ông cho biết ngói bể đã thay nhiều không kể hết, nhưng riêng cái lỗ này khá rõ ràng nên ông giữ lại làm kỷ niệm.

 

Anh Nguyễn Văn Trung ở kế bên, chỉ lên mái tôn nhà mình còn in dấu thủng 5 lỗ, dưới đất nhìn lên thấy rõ ánh nắng xuyên qua. Rõ nhất là một vết đạn in trên tường ở gian chính diện căn nhà. Anh Trung cho biết nó mới “nẹc” chừng 10 ngày nay. Anh đã kịp xây bức tường ở giữa nhà để che chắn phòng ngủ, có gì thì nấp vào đó.

 

Người dân ở đây không biết tự bao giờ đã bắt đầu có thói quen xây tường chống đạn, nhưng vì là xóm nghèo nên số đó rất ít. Đa số bà con đều tận dụng “cây nhà lá vườn”. Như anh Phan Văn Lệ thì đi mót gạch về chất lên cao trước phòng ngủ. Anh Nguyễn Minh Trọng đi xin mấy bao trấu về đắp ụ trước vách nhà, giống như công sự chiến đấu hồi xưa. Cũng có người chẳng thèm che chắn gì cả, cứ để nhà trống không, bởi họ cho rằng “trời kêu ai nấy dạ”, con người sống chết có số (?).

 

Bà Tám Sộn kể bữa đó bà đang ngồi chuốt nan trước nhà để đan giỏ xách, bỗng dưng nghe cái “xẹt” sớt qua đầu. Cái khăn bà đang đội bay rớt xuống đất. Chưa hoàn hồn, thằng con trai bà tới lượm cái khăn lên coi thì thấy nó lủng... ba lỗ. Bà may mắn thoát chết.

 

Ông Thật kể một buổi sáng thằng con ông đang chơi bắn bi trước sân với đám bạn, bỗng nhiên có viên đạn bay “vèo” qua sau ót. Thằng nhỏ nghe ran rát, rờ tay thấy có máu, hoảng hồn khóc ré lên. May mắn thay viên đạn chỉ sớt qua thịt chút xíu nhưng làm ông mất hồn hết mấy ngày. Nhờ trời còn thương chớ không thằng nhỏ mất luôn cái “nắp nhạo”.

 

Chị Ba Lâm kể bữa đó chị đi ăn đám giỗ nhà ông Út Thật. Trên đường về gần tới nhà thì nghe có tiếng súng nổ từ phía thao trường. Chị chưa kịp vô nhà thì nghe đau nhói bên vai. Rờ lại thấy máu chảy đỏ người. Cả xóm liền đưa đi cấp cứu. May mà chị chỉ bị thương phần mềm.

 

 

Sống trong tầm… đạn lạc - 2
 

Vết sẹo của anh Trọng.

Anh Nguyễn Minh Trọng, nhà quay mặt về hướng thao trường, vừa kể chuyện vừa vén quần cho tôi coi vết thương sau đùi đã thành sẹo: “Bữa đó tôi đang đi cắt dưa hấu trên ruộng. Nghe tiếng súng tập bắn tôi tưởng ở xa nên không để ý. Ai dè lúc đang lom khom cắt thì nghe nhói một cái ở đùi sau, bên chân trái. Ngó lại thì thấy cái đầu đạn ghim vô. Tôi ngã khuỵu ngay giữa ruộng. Bà con phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ mổ lấy ra được đầu đạn AK”.

 

Nhưng đó chỉ là những vụ nhẹ, không đáng kể. Những chuyện sau đây mới thương tâm.

 

Thầy giáo Minh bữa đó vừa mới đi dạy về. Đang lom khom đạp xe, anh nghe tiếng súng tập bắn nổ. Biết là nguy hiểm, anh vội dừng xe tìm chỗ nấp. Nhưng chưa kịp lủi thì một viên đạn đã ghim vào lưng anh, gần cột sống. Đưa vào bệnh viện, bác sĩ lấy được viên đạn ra, nhưng do vết thương chạm dây thần kinh khiến anh bị liệt hết một chân. Hiện nay anh phải đi lại khập khiễng hết sức khó khăn.

 

Chị Nguyễn Bé Nhiều, nhà ở xã Tân Thuận Tây, đi vô xóm này làm ruộng. Bữa đó chị đang cắt lúa, mới ôm bó lúa định đưa lên bờ thì thấy đau nhói ở đùi. Chị té sụm ngay xuống ruộng. Mọi người xúm lại tức tốc đưa chị đi bệnh viện. Bác sĩ mổ lấy viên đạn ra nhưng xương đùi chị bị gãy. Chị có tật chân phải đi cà nhắc tới bây giờ. Lúc chưa bị thương chị vừa đám nói, chưa kịp cưới thì người yêu bỏ chị đi lấy vợ khác. Giờ chị vẫn ở một mình.

 

Đau xót nhất là trường hợp chị Bùi Thị Thu, 25 tuổi, con dâu ông Mười Một. Ngày 4-12-2000 là một ngày cả gia đình ông không thể nào quên. Bữa đó, sáng sớm chị Thu ngồi sau nhà làm cá, chuẩn bị nấu cơm cho cả nhà ăn để ra đồng. Bỗng nghe rộ lên tiếng súng nổ từ hướng thao trường. Ông mới nghe chị “dạ”, rồi nghe có tiếng buông dao cái “rẻng” và tiếng chị la “Cha ơi, chết con rồi!”. Ông hoảng hồn chạy ra thì thấy chị té ngửa vô mí bờ đất, chỗ chị ngồi máu ra lênh láng. Cả nhà tức tốc đưa chị vô bệnh viện.

 

Bác sĩ nói chị bị trúng đạn ngay phần dưới bụng, gây thủng tử cung. Ngặt nỗi chị lại đang mang thai gần bốn tháng. Các bác sĩ chỉ cứu được chị chứ không cứu được cháu nội ông. Thì thôi, ông hi vọng không cứu được đứa này thì con ông còn kiếm được đứa khác. Ác nghiệt thay, khi mổ xong bác sĩ nói phải cắt bỏ tử cung mới cứu được tính mạng người mẹ. Ông nghe như sét đánh ngang tai rồi xỉu luôn ngay bệnh viện. Chị Thu không bao giờ sinh con được nữa. Chị nói trong nước mắt: “Phải còn thì tới nay con tôi đã được năm tuổi rồi”.

 

Theo thống kê của bà con, cả xóm đã có tổng cộng 13 trường hợp bị thương vừa nặng vừa nhẹ vì những viên đạn lạc.

 

Hiện nay người dân vẫn đang phải tiếp tục sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu mỗi khi có tập bắn. Ông Mười Một bức xúc: “Mỗi khi tập bắn là chúng tôi lại phải bỏ hết công ăn chuyện làm để lo tránh đạn. Có khi lúa, đậu tới cữ thu hoạch vẫn phải hoãn lại 3-4 ngày chờ cho xong đợt tập bắn. Lắm lúc cơm nấu rồi vẫn không dám ăn vì còn nghe đạn bay vèo vèo”. Đa số bà con trong xóm đều có chung kiến nghị: “Nhà nước cần trả lời dứt khoát, di dời dân hay di dời trường bắn. Nếu dời dân thì bà con sẵn sàng với điều kiện được bố trí ổn định cuộc sống. Chứ cứ sống vật vờ như vầy hoài có ngày cũng bị lên máu chết”. 

 

Thiếu tá Võ Ngọc Phụng, chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 9, xác nhận:

“Chuyện đạn lạc qua xóm nhà dân khu vực nói trên là có thật. Nguyên nhân do thao trường này còn là nơi dành cho lực lượng dân quân, công an các xã, huyện trong tỉnh tập bắn trong các đợt huấn luyện, một số chiến sĩ mới sử dụng súng chưa thành thạo, khi bắn đạn giật lên ra khỏi thao trường lạc ra ngoài.

Về trường hợp bị thương của chị Thu, trung đoàn cũng đã lo lắng cho chị toàn bộ thuốc men điều trị. Chúng tôi cũng vô cùng đau xót trước nỗi đau không gì bù đắp của chị, nhưng thật tình mà nói cũng không biết làm sao để san sẻ cho hết. Đối với những trường hợp bị thương khác, khi bà con báo thì chúng tôi cũng chạy lo hết sức mình, bởi đó cũng là trách nhiệm của đơn vị quản lý thao trường”.

Thiếu tá Phụng cho biết thêm hiện nay trung đoàn đang ở trong tình thế khó xử là thao trường đã được Chính phủ cấp phép cho tập bắn và kế hoạch huấn luyện thì không thể không thực hiện, nhưng như vậy lại ảnh hưởng đến người dân trong vùng. Để khắc phục tình trạng này, trung đoàn đã đệ trình lên Bộ Quốc phòng đề án xây dựng công trình huấn luyện, trong đó có nâng cấp trường bắn để đảm bảo an toàn.

Hiện nay bờ chắn đạn được đắp bằng đất, cao 20m, nhưng do nước ngập hằng năm nên bị sạt lở dần, phải gia cố liên tục. Trung đoàn đã đề nghị nguồn kinh phí khoảng 4 tỉ đồng để xây kiên cố và đang chờ Bộ Quốc phòng trả lời. Ngoài ra, trước khi tập bắn, trung đoàn đều có thông báo đến bà con để có biện pháp phòng tránh.

 

 

Theo Dương Thế Hùng

Tuổi trẻ