1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Sống trong sợ hãi” bên cạnh chợ Nhà Xanh

(Dân trí) - Nhiều lần người dân ở quanh khu vực chợ tạm Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội) bị đối tượng lạ mặt trả đũa bằng cách ném mắm tôm đổ lẫn với dầu luyn vào cửa nhà. Thậm chí, có nhà dân còn bất ngờ bị khoá cửa ngoài không cho đi lại...


Ngạt thở…

Bà Liên, một người dân trong khu vực dẫn chúng tôi vào thăm nhà. Quãng đường chỉ vài trăm mét mà phải luồn lách đến toát mồ hôi vì bị chen lấn, xô đẩy. Hai bên đường hàng quán san sát. “Một tuyến đường vào gần chục ngõ phố lại biến thành cái chợ. Cũng may người dân còn có đường mà đi, nếu không thì chỉ còn cách bắc cầu qua chợ. Đã cả chục năm nay chúng tôi sống khổ sở, kêu cứu lên phường, lên quận rồi tới các cơ quan báo chí, nhưng cũng chả cải thiện được gì”, bà Liên nói.

Cũng giống như bà Liên, nhiều người dân sinh sống tại khu tập thể Đại học Sư phạm cho biết, chợ được hình thành một cách tự phát với mục đích ban đầu là bày bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ dân cư trong khu vực. Đến năm 2000, chợ Nhà Xanh được UBND quận Cầu Giấy đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp. Cùng thời điểm này, sinh viên từ các khu vực lân cận đổ về thuê trọ, sinh sống, tiểu thương cũng chuyển đổi mục đích kinh doanh sang buôn bán quần áo, giày dép.

Toàn bộ lòng đường phố Phan Văn Trường đã biến thành chợ
Toàn bộ lòng đường phố Phan Văn Trường đã biến thành chợ

Cũng kể từ đây, công cuộc thôn tính đất vỉa hè, lòng đường của tiểu thương bắt đầu. Do số lượng khách ra vào chợ ngày càng đông, tình trạng chiếm dụng lòng đường diễn ra tràn lan, bất kể giờ giấc.

Bà Th, người đã sinh sống gần 20 năm tại đây nhớ lại: “Ban đầu chợ chỉ hoạt động vào ban ngày nhưng nay thì từ 6h sáng đến hết đêm, tiếng người xe đinh tai nhức óc không lúc nào ngớt. Nhưng thế còn chưa là gì. Nhà nào ở trong ngõ bị xông khói than tổ ong từ sáng sớm đến tối mịt, vì đầu ngõ bị các cửa hàng ăn uống bịt kín. Khổ không kết siết. Thành phố có quy định giờ hoạt động của các chợ, trung tâm thương mại. Tôi không hiểu nổi chợ này hoạt đồng theo luật nào mà bất kể giờ giấc như vậy?”.

… “Trả đũa” bằng bom bẩn

Chợ tạm Nhà Xanh ngày một “bành trướng” theo kiểu chợ hoá khu dân cư. Ông V, một bí thư chi bộ tại tổ dân phố ở đây cho biết, khi các hộ dân có kiến nghị với cơ quan chức năng hay báo chí về tình hình của chợ Nhà Xanh ngay lập tức bị trả đũa bằng nhiều cách khác nhau:

“Đã rất nhiều lần người dân ở quanh khu vực này bị một số kẻ trả đũa bằng cách ném mắm tôm lẫn dầu luyn vào cửa nhà. Thậm chí có đối tượng còn dùng khoá khoá cửa ngoài không cho gia đình đi lại. Nhiều người muốn phản ánh nhưng lo cho sự an nguy của gia đình và bản thân nên đành chấp nhận sống chung với những khổ ải mà không dám kêu ai” – một người dân sống quanh khu vực này cho hay.

Theo ông V, vụ nhà dân bị tấn công bằng “bom bẩn” đầu tiên xảy ra vào cuối năm 2012 khi một số người lên tiếng về sự bất cập khi sống tại chợ tạm Nhà Xanh. Đối tượng lạ mặt đã dùng phân trộn lẫn với dầu luyn ném vào nhà số 16H14.

Một vụ khác xảy ra vào ngày 22/7/2013. Đối tượng dùng mắm tôm trộn với dầu luyn rồi ném vào nhà một tổ phó tổ dân phố. “Vào thời điểm đó, người kinh doanh buôn bán để xe cộ đầy lối đi, hàng hoá bày xuống lòng đường. Tổ phó tổ dân phố và một số người của dãy nhà tập thể đã đưa ra ý kiến là kẻ vạch vôi để đỡ bày hàng ra. Sáng hôm sau ngủ dậy thì thấy cửa nhà bị đổ đầy chất bẩn. Sau đó, chủ họ có báo công an phường nhưng không hiểu sao không tìm được đối tượng”.

Cũng trong năm 2013, một gia đình đã bị đe doạ và bị một số đối tượng khoá cửa ngoài trong đêm. Sáng hôm sau gia đình này phải nhờ hàng xóm cắt khoá mới ra ngoài được.

Trao đổi với Dân trí, trung tá Mạc Đình Thắng – Trưởng Công an phường Dịch Vọng Hậu lý giải: Công an phường chỉ nhận được phản ánh của người dân duy nhất một vụ xảy ra vào ngày 22/7/2013. “Sau khi tìm hiểu, chúng tôi xác định sự việc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân. Cũng có thể, ở thời điểm đó chợ tạm Nhà Xanh có rất ít nhà vệ sinh công cộng. Trong khi đó số lượng người tham gia kinh doanh, mua bán ở chợ quá đông, nhiều người đã đi vệ sinh không đúng nơi đúng chỗ…”.

Và câu chuyện “hãy đợi đấy” giữa Thủ đô

Nhắc lại câu chuyện trên, một tổ trưởng dân phố cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, sau khi bà phản ánh một số thực trạng của chợ Nhà Xanh với báo chí, ngay lập tức có một số người lạ đã vào tận nhà đe doạ và tự tin khẳng định: “Không bao giờ dẹp được chợ này”. Không biết đe dọa kiểu trên hiệu nghiệm đến đâu, nhưng sau rất nhiều quyết định và lời hứa, đến nay, chợ Nhà Xanh vẫn nhộn nhịp!

Cũng cần phải nhắc lại, giữa tháng 12/2013 một vụ hỏa hoạn đã xảy ra khiến hàng chục ki ốt tại chợ Nhà Xanh bị cháy rụi hoàn toàn và một số gian hàng khác cũng bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch, quận Cầu Giấy sẽ tiến hành di dời chợ tạm Nhà Xanh sang địa điểm mới sau Tết Nguyên đán, nhưng chưa kịp thực hiện thì đám cháy xảy ra sớm nay gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Ngay khi đó, một lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy đã lên tiếng khẳng định sẽ có phương án hỗ trợ các tiểu thương về địa điểm, mặt bằng kinh doanh mới. Việc di dời chợ Nhà Xanh đến địa điểm mới là chủ trương của UBND quận Cầu Giấy nhằm phục vụ Dự án đầu tư cải tạo phố Phan Văn Trường.

Căn cứ vào những quyết định của thành phố Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy thành lập Ban dự án và ra quyết định giải toả chợ tạm Nhà Xanh vào các ngày từ mùng 10 đến 15 tháng 2 năm 2014. Thông tin trên đã được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên loa truyền thanh của phường trong những ngày tháng 1 năm 2014.

Tuy vậy, một số hộ dân không đồng tình với phương án di chuyển, bởi theo họ địa điểm chợ mới phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và đáp ứng điều kiện kinh doanh của người dân trong khu vực.

Đến nay, chợ tạm Nhà Xanh vẫn không được giải toả và ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn, ô nhiễm hơn.

“Khu dân cư ở đây nhiều lần họp, đề nghị di chuyển khu chợ này để lấy lại đường đi cho dân, sân chơi cho trẻ nhỏ nhưng đến nay khu chợ vẫn còn đó chưa biết đến khi nào mới được di dời. Cuộc sống bức bí đã trở thành nỗi ám ảnh với chúng tôi. Những lời hứa vẫn bị bỏ ngỏ và người dân thì tiếp tục chờ đợi trong thấp thỏm, lo âu!”, một người dân lên tiếng.

Theo một số thông tin, UBND quận Cầu Giấy tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý chợ cho phép các hộ kinh doanh kéo dài thời gian hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh lên một năm kể từ ngày 01/7/2014.

Trọng Trinh