1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

“Sống” - Thật như đời!

(Dân trí) - Khác với lối chơi “hùng hổ”, đông đúc như nhiều hội ảnh khác, các nhà nhiếp ảnh chơi máy Leica thường chọn cách chơi “ẩn dật”, già giơ. Họ chụp ít, ngày càng ít (về số lượng) nhưng đào sâu vào loại ảnh, chất lượng...

Leica là một cái tên sành điệu trong giới nhiếp ảnh. Nó gợi nhắc về đẳng cấp, thâu tóm những tiêu chí khắt khe về chất lượng, và gắn liền những tên tuổi lừng danh làng ảnh thế giới. Người chụp ảnh ở Việt Nam từ lâu đã biết đến thương hiệu này, nhưng mãi gần đây, khi phong trào chụp ảnh đang lướt như mây gặp gió, những chiếc máy ảnh Leica in vòng tròn đỏ mới là vật sở hữu của số ít người “có nghề”.
 
“Sống” - Thật như đời! - 1
Thằng bé bên khung - ảnh Nguyễn Việt Thanh

Chụp ảnh luôn gắn liền với nhu cầu chia sẻ, những người chụp ảnh luôn biết cách công bố các bức ảnh mà mình chụp, và CLB nhiếp ảnh Leica Việt Nam cũng vì thế mà có lý do ra đời. Khác với lối chơi “hùng hổ”, đông đúc như nhiều hội ảnh khác, các nhà nhiếp ảnh chơi máy Leica thường chọn cách chơi “ẩn dật”, già giơ và không thích ngông nghênh lượn phố với chiếc máy ảnh lủng liểng nặng trĩu cổ. Họ chụp ít, ngày càng ít (về số lượng) nhưng đào sâu vào loại ảnh mà bằng kinh nghiệm và bản năng nghề nghiệp, họ cho là thế mạnh của mình. Hầu hết nhiếp ảnh gia trước khi đến với máy ảnh Leica đều có một quá khứ nghề dày dặn, lao tâm khổ tứ với nhiếp ảnh, đến khi cầm chiếc máy mang vòng tròn đỏ trên tay thì đã thành danh.

Máy ảnh Leica kén người chụp. Máy ảnh Leica không có bộ tăng tốc chụp mà như quay phim. Giá máy đắt kinh khủng. Một ví dụ: Body Leica M9 có giá 9.000USD; Ống kính 35mm  F 1.4 giá 5.500USD; Body dùng phim 35mm M7 giá 7.000USD. Đây là giá bán tại Việt Nam, đã có VAT.
“Sống” - Thật như đời! - 2
Sông Hương tháng 3/1996 - ảnh Dương Minh Long

Như đã nói ở trên, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam khi chuyển sang Leica là từ bỏ đi một thói quen cũ, chấp nhận cách chụp mới, thách thức hơn, khoảnh khắc hơn, trở về với giá trị nhiếp ảnh “nín thở bóp cò”. Nhà báo Việt Thanh (báo Vietnam News), trước đây với phong cách “súng máy” mang dấu ấn Canon, luôn luôn là người sản xuất những bức ảnh đời thường cực đẹp, không có một  tình huống đặc biệt nào thoát khỏi con mắt và nhát bấm hàng loạt của anh. Bây giờ anh khác, thay cho khối máy chụp nhanh, anh chuyển qua dùng Leica để nhấm nháp vị đậm từ khoảnh khắc. Anh nín thở nhiều hơn để nhập cùng tình huống trọn vẹn.
 
“Sống” - Thật như đời! - 3
Cậu bé người Mông trên đỉnh Mã Pì Lèng - ảnh Hoài Linh

Một triển lãm ảnh mang thiên hướng tả thực cuộc sống nhiều hơn nghệ thuật kỹ xảo đã xuất hiện chiều 18/5 tại nhà triển lãm phố Hàng Bài - Hà Nội. Đó chính là màn khởi đầu của cuộc chơi mà CLB Leica Việt Nam giới thiệu. Dưới một trăm bức ảnh trưng bày, nhóm tác giả muốn người xem nhìn thấu cuộc sống được nhiều hơn từ bảy chục khoảnh khắc đang đóng băng trên giấy ảnh triển lãm. “Sống” là chủ đề của cuộc triển lãm, nó cho thấy sự theo đuổi bền bỉ đến cùng giá trị “giây phút bấm máy” của các nhà nhiếp ảnh. Tất cả đều thật như vốn có, thật như đời vậy.

 
“Sống” - Thật như đời! - 4
Chân dung giáo sư mỹ học Dương Viết Á - ảnh Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh
“Sống” - Thật như đời! - 5
Khư - Lai như thị 1-2-3 - ảnh Đại Đức Thích Minh Hiền
“Sống” - Thật như đời! - 6
Chiều hồ Tây - ảnh Phan Hữu Lập
“Sống” - Thật như đời! - 7
Bệnh viện K - ảnh Trần Việt Dũng
“Sống” - Thật như đời! - 8
Xiếc đường phố ở Hamburg - ảnh Nguyễn Chí Trung
“Sống” - Thật như đời! - 9
Bi-a - ảnh Nguyễn Minh Trí
“Sống” - Thật như đời! - 10
Hút thuốc lào - ảnh Đỗ Anh Tuấn
“Sống” - Thật như đời! - 11
Trịnh Công Sơn châm thuốc cho nhạc sỹ Văn Cao - ảnh Dương Minh Long.
Hữu Nghị