1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sông Sài Gòn ô nhiễm, nước sinh hoạt bị đe dọa

(Dân trí) - Kết quả quan trắc cho thấy sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và hữu cơ. Nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đang là “hung thủ” đầu độc dòng sông cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Chất lượng nước liên quan chặt chẽ đến sức khỏe cộng đồng. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, 80% bệnh tật ở con người xuất phát từ việc sử dụng nguồn nước không sạch và vệ sinh môi trường kém. Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn TPHCM sử dụng chủ yếu là nước máy đã qua xử lý từ nguồn nước thô lấy tại sông Sài Gòn - Đồng Nai, và một phần trên kênh Đông.

Trong nhiều năm qua, hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng nước cấp cho sinh hoạt đã được đặt tại các trạm thượng lưu sông Sài Gòn như Bến Củi, Bến Súc, Thị Tính và Phú Cương, hai trạm khác là Hóa An đặt trên sông Đồng Nai và trạm N46 trên kênh Đông. Các kết quả quan trắc cho thấy một số chỉ tiêu đạt chuẩn cho phép như: Nhu cầu oxy sinh học, nhu cầu oxy hóa học, độ mặn, chỉ tiêu kim loại nặng, chỉ tiêu nitơ đạt quy chuẩn cho phép. Nhưng nhiều chỉ tiêu như: pH, độ đục, nồng độ chất rắn hòa tan trong nước, oxy hòa tan, nồng độ dầu và vi sinh vật tại hầu hết các trạm quan trắc vượt mức cho phép.

Nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp đang gây ô nhiễm sông Sài Gòn

Nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp đang gây ô nhiễm sông Sài Gòn

Từ các kết quả trên ông Ngô Thành Đức, Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường TPHCM nhận định: “Sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Các chỉ tiêu về ô nhiễm hữu cơ, kim loại nặng, độ mặn tuy đạt quy chuẩn cho phép nhưng đang có chiều hướng gia tăng”.

Theo ông Đức: “Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ tỉnh Bình Dương - Đồng Nai đổ về khiến chất lượng nước của hai con sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày càng xấu đi. Bên cạnh đó, các tác nhân khác như chế độ thủy văn bị chi phối bởi việc điều tiết nước từ hồ đập ở thượng nguồn; biên độ thủy triều tại cửa sông lớn khiến khả năng xâm mặn tăng cao”.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 7 triệu dân thành phố, cần phải có giải pháp hữu hiệu khống chế nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải, giảm tải lượng chất ô nhiễm đổ xuống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Không cấp phép đầu tư cho các dự án thuộc nhóm ngành có gây ô nhiễm cao như: Hóa chất, cao su, sản xuất bột giấy, chế biến thực phẩm… trên khu vực thượng nguồn. Giải pháp di dời trạm lấy nước cung cấp cho sinh hoạt lên phía thượng nguồn cũng đang được bàn tới nếu tình trạng ô nhiễm của sông Sài Gòn và Đồng Nai không cải thiện.  

Vân Sơn