Bình Định:
Sống "phập phồng" bên mép sóng
(Dân trí) - Mấy chục năm nay, hàng trăm hộ dân ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), phập phồng nỗi lo triều cường tấn công khi mùa mưa bão về. Tuy nhiên, việc di dời các hộ dân đến khu tái định cư (TĐC) mới còn gặp nhiều vướng mắc.
Lấn đến đâu, chạy đến đó
Những đợt sóng cao gầm rít, xô vào bờ, nhiều lớp nhà cạnh mép sóng bị đánh sập, tan tác. Triều cường xâm lấn, làng chài bị thu hẹp dần. Hiểm nguy luôn rình rập, nhưng những hộ dân quyết bám trụ bởi di dời làng đến khu TĐC mới không phải chuyện một sớm một chiều.
Trong ký ức của người dân làng chài Trung Lương còn nhớ như in chuyện nửa đêm nghe tin bão về làng, bà con lục đục thu dọn đồ đạc “chạy bão”.
Gần một đời gắn bó với xóm chài Chánh Lương, ông Nguyễn Dũng (69 tuổi, thôn Trung Lương) chẳng còn lạ gì chuyện bão về làng. Theo lời ông Dưỡng, từ năm 1975 đến nay, đã có tất thảy 4-5 lớp nhà với hơn 100 ngôi nhà bị sóng đánh sập, người dân phải di dời đến chỗ ở an toàn. Tình trạng xâm thực nghiêm trọng xảy ra khoảng 7-8 năm trở lại đây. Trước kia, bờ biển cách làng cả cây số nhưng giờ cách cách vài chục mét, có nơi sát vách nhà.
“Cứ đến mùa mưa bão khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, những hộ sống mép biển có tháng phải đi “lánh nạn” vài ba lần. Cứ nghe tin bão là lo thu dọn đồ đạc đóng cửa vào nhờ khác xin ở nhờ. Cách đây khoảng 10 năm, nghe đài báo có sóng thần, cả làng nhốn nháo thu đồ đạc lên chùa ông Núi ẩn nấp. May mà không phải sóng thần, nếu không làng chài này bị xóa sổ từ đó”, ông Dũng trần tình.
Năm 1999, trận triều cường lớn quét qua làng đã cuốn phăng 27 ngôi nhà nằm lớp ngoài sát biển bị sóng lớn đánh sập. Gần nhất, năm 2013, sóng dữ bất ngờ tấn công khiến cả làng nhốn nháo, vài căn nhà bị gió bão thổi tốc mái, rất may không có người dân nào bị thương vong. “Dân biển phải bám biển mới sống được. Biết sống nơi đầu sóng ngọn gió sẽ nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác hơn vì cuộc sống còn nhiều khó khăn. Sống lâu thành quen, thôi thì biển lấn tới đâu mình chạy tới đó…”, ông Dũng trầm tư.
Trưởng thôn Trung Lương, ông Dương Thanh cho biết, toàn thôn có hơn 700 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu. Nhiều năm nay, trước tình trạng biển lấn làng, đánh sập nhà dân, chính quyền địa phương đã di dời nhiều hộ đến khu TĐC an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 70 hộ chủ yếu ở xóm Chánh Lương, Chánh Nghĩa, Chánh Đông 1, Chánh Đông 2 và Chánh Phước vẫn nằm trong vùng nguy hiểm cần phải di dời đến nơi an toàn. Mỗi mùa mưa bão, triều cường đi qua, bờ biển lại bị ăn sâu vào làng. Những hộ dân này đang đứng trong nguy cơ bị triều cường đánh sập nhà cửa bất kỳ lúc nào.
Quyết bám trụ vì... nghèo
Theo ông Nguyễn Chí Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Cát Tiến, hiện xã có khoảng 400 hộ dân đang sống ở vùng nguy hiểm. Ngoài 150 hộ ở thôn Trung Lương thường xuyên phải gánh chịu áp lực từ nạn xâm thực, triều cường. Hiện có trên 250 hộ dân ở 2 thôn Chánh Đạt và Tân Tiến ven đê chịu ảnh hưởng nạn sạt lở, cứ mưa bão về lại bị ngập úng, cô lập.
Từ năm 2009 đến nay, chính quyền địa phương đã bố trí đất khu TĐC ở thôn Phương Nghi với diện tích khoảng 3ha giáp ranh với thôn Trung Lương. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ 20 hộ nhận đất, trong đó có 14 hộ xậy dựng nhà kiên cố. Mỗi hộ nhận từ 140 - 150 m2 đất theo từng đề án quy hoạch và được ngành chức năng hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời nhà.
Qua tìm hiểu, các hộ dân đang bám trụ bên “mép” sóng cho rằng, do đời sống khó khăn trong khi tiền Nhà nước hỗ trợ di dời trước đây chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng, bây giờ là 20 triệu đồng/hộ. Số tiền này không đủ để làm cái móng nhà nói gì đến việc cất nhà kiên cố. Vì thế, hầu hết người dân vẫn bám trụ lại để mưu sinh bất chấp hiểm nguy đến tài sản, tính mạng.
Trong ngôi nhà xập xệ được xây dựng từ những ngày mới giải phóng, bà Trần Thị Sửu (68 tuổi, xóm Chánh Lương, thôn Trung Lương), ngồi bệt dưới nền nhà, mắt hướng về biển rồi ngầm ngùi nói: Bản thân tôi mắt mờ, ông chồng lại bệnh ung thư gan đã hơn 2 năm nay chỉ nằm một chỗ. Bệnh tật, già yếu không làm gì được, con cái cũng chạy ăn bữa một nên lâu lâu gửi cho vài trăm vợ chồng già chắt bóp chi tiêu qua ngày.
“Già yếu sức đâu mà chạy bão nữa, cũng muốn chỗ ở ổn đinh lúc tuổi già. Nhưng với mức Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng mà mình một xu không có thì tiền đâu mà cất nhà ở khu TĐC. Mong Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ thêm, nếu không vợ chồng tôi đành liều ở lại”, bà Sửu rưng rưng.
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Trần Thị Diễm My (25 tuổi, xóm Chánh Đông, thôn Trung Lương), chỉ cách bờ kè chắn sóng biển chừng 30m. Chồng đi biển, chị My ở nhà mình nuôi 2 con nhỏ, một học mẫu giáo, còn đứa nhỏ 4 tháng tuổi. Đến mùa mưa bão, chị Mya không khỏi lo lắng triều cường tấn công. “Gia đình em cũng nằm trong danh sách di dời đến khu TĐC mới nhưng đến giờ vẫn chưa thấy được gọi để bốc thăm. Nhà cạnh biển lo lắm, chẳng biết lúc nào nước biển tràn vào. Hơn nữa, vợ chồng lại có con nhỏ nên khi nghe tin bão là đóng cửa chạy bão”, chị My nói.
Theo thống kê, tỉnh Bình Định hiện có 20.400 hộ dân với 86.000 người của 110 xã, phường thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm cần có nhà kiên cố hoặc TĐC. Từ năm 2006, tỉnh đầu tư xây dựng 17 khu TĐC, trong đó 15 khu đã hoàn thành. Tuy nhiên đến nay, các địa phương mới chỉ di dời được trên 900 hộ đến các khu TĐC, nhiều hộ đã được bố trí đất TĐC nhưng vẫn chưa di dời.
Doãn Công
ledoancong@dantri.com.vn