1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Sóng ngầm” trên đỉnh Ngọc Linh

Với giá 8 - 10 triệu đồng/kg, gỗ sưa đỏ đã khiến hàng trăm “lâm tặc” băm nát rừng già tỉnh Quảng Bình... Nên với giá sâm Ngọc Linh ngất ngưởng 40 - 50 triệu đồng/kg, đỉnh Ngọc Linh giữa 2 tỉnh Quảng Nam - Kon Tum từ lâu đã trở thành “điểm nóng” là tất nhiên.

Và với sâm Ngọc Linh, chuyện không dừng lại ở đối tượng “lâm tặc”.
 
“Sóng ngầm” trên đỉnh Ngọc Linh
A Hùng (người Xê Đăng) chăm sóc sâm trồng tại vườn trồng ở độ cao 2.000m. Ảnh: Thanh Hải

Bài 1: Hồi sinh “cây thần dược” suýt tuyệt chủng

Thông tin hàng trăm người dân là đồng bào Xê Đăng ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây... của huyện Tu Mơ Rông tấn công vào một vườn ươm trồng trên độ cao gần 2.000m, nhổ trộm hơn 12ha sâm Ngọc Linh đã khiến chúng tôi phải lập tức có mặt tại đỉnh Ngọc Linh - “nóc nhà miền Nam Việt Nam”.

Ngậm sâm để… tìm sâm

Chuyện cướp sâm “động trời” râm ran khắp thị trấn Đắc Tô, TP.Kon Tum. Nhưng tại địa phương xảy ra chuyện, khi chúng tôi hỏi thì chỉ nhận được những ánh mắt lảng tránh đầy cảnh giác và cả sự lặng thinh, khó hiểu của người dân lẫn cán bộ. Có gì ở đằng sau sự yên lặng không bình thường này?

Muốn lên được đỉnh Ngọc Linh phía tỉnh Kon Tum, vào được vườn sâm chúng tôi phải có người tiền trạm, xin “giấy thông hành” từ “quan” đầu tỉnh - Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Hà Ban, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hùng. Song dẫn đường phải là đích thân người phụ trách vườn sâm Ngọc Linh - ông Nguyễn Mạy (Phó GĐ Cty TNMTV lâm nghiệp Đắc Tô). Tuy vậy, các bước thủ tục hành chính đầy nghiêm ngặt ấy không thể sánh với những nhọc nhằn trên con đường lên với vườn sâm.

Buổi sáng đầu tiên, chúng tôi đối đầu ngay với trận mưa của rừng núi Tây Nguyên. Nước như trút xuống từ trời, xé toạc con đường hơn 100km từ Kon Tum lên đến xã Măng Ri - dưới chân Ngọc Linh. Chiếc Misubishi Pajero 2 cầu lao chênh vênh trên con đèo Măng Rơi, rồi đánh vật với đoạn ngoằn ngoèo đầy bùn đất đỏ xuyên Tu Mơ Rông, qua Văn Xuôi, Tê Xăng... rồi dừng ở trung tâm xã Măng Ri vì không thể leo nổi dốc dựng đứng.

Chiếc Uoát của vườn sâm cõng thêm đoàn người ngược dốc cao 50 - 600, đi được vài cây số cũng lật chỏng bánh. Tôi nảy ra “sáng kiến” thuê xe Win hoặc Minsk có bánh bọc xích để leo tiếp... liền bị thổ địa Nguyễn Mạy cười nhạo: “Các loại xe ấy cũng đứng bánh, tua số dù chỉ cõng mỗi người lái. Những lúc đường trơn, Uoát thua thì chỉ còn nước cuốc bộ thôi”. Ông Mạy nói, từ Măng Ri lên vườn sâm chỉ chừng 6km, nhưng độ cao chênh lệch từ 1.200 - 1.800m (so với mực nước biển), đi bộ giỏi cũng phải mất 5 tiếng đồng hồ.

Nắng đã hừng lên phía Ngọc Linh, nhưng lòng dạ tôi thì tối sầm vì cuộc leo núi giờ đây mới... chính thức bắt đầu. Người sau “đội” đít người trước, lầm lũi leo ngược dốc. Chừng nửa đường, tôi móc trong túi áo lát nhân sâm mỏng tanh mà bà Hai ở quán nước Tê Xăng cắt cho để phòng thân, bỏ vào miệng với hy vọng được tiếp sức.

Nhưng càng đi càng thấy bủn rủn 2 đầu gối, dừng lại nhai lát sâm thì hỡi ôi... do há hốc mồm để thở, tôi đã đánh rớt mất nó tự lúc nào. Bạn đồng nghiệp tôi cũng không khá hơn, cầu cứu trong hơi thở đứt đoạn: “Anh... chỉ giúp em cây lá ngón với”. Chú chưa nhìn thấy loại độc dược ấy à? “Không, hái cho em một nắm, em nhai cho chết ngay còn dễ chịu hơn. Bây giờ leo tiếp cũng không nổi mà về lại cũng không xong”... Nhưng rồi, chúng tôi cũng đến được vườn sâm.

Cây nhỏ - tiền to

Cây sâm Việt Nam được dược sĩ - lương y Đào Kim Long và đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y Quân khu 5 phát hiện vào năm 1973 ở vùng Ngọc Lây, Măng Ri phía tây nam ngọn núi Ngọc Linh. Tiếp sau đó đã được các nhà khoa học Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc, Liên bang Nga... nghiên cứu giá trị sử dụng và minh chứng, ngoài giá trị bổ dưỡng cao, sâm Ngọc Linh (sâm K5) còn có giá trị chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ như thần dược.

“Sóng ngầm” trên đỉnh Ngọc Linh - 2
“Sóng ngầm” trên đỉnh Ngọc Linh - 3
“Sóng ngầm” trên đỉnh Ngọc Linh - 4

Hoa, hạt và củ sâm 7 năm tuổi ở vườn sâm Ngọc Linh.

Cây sâm đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ. Ngay từ khi phát hiện, lập tức loài cây thuốc quý này được đưa vào danh mục “bí mật” của quân y và là “cây thuốc dấu” của đồng bào Xê Đăng bản địa. Thế nhưng, chỉ sau hơn 10 năm - đến khoảng năm 1985, loài cây quý giá này gần như bị tuyệt chủng bởi sự khai thác theo kiểu tận diệt, lùng sục nát cả chục ngàn hécta rừng già quanh đỉnh Ngọc Linh. Sâm K5 chỉ còn trong “kho” quý của những đại gia, những cán bộ may mắn có được. Riêng, trên Ngọc Linh, cây sâm chỉ còn trong... chuyện kể.

Thế nhưng, chỉ sau 13 năm - từ năm 1999 đến nay, tại Kon Tum đã khôi phục lại thành công nguồn nguyên liệu, cây thuốc đặc biệt quý hiếm này với cả chục vườn ươm nuôi, trồng thành phẩm. Đặc biệt có những vườn sâm rộng trên cả trăm hécta. Riêng vườn ươm sâm giống của Cty TNMTV lâm nghiệp Đắc Tô - đơn vị chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Kon Tum - đã lên đến 38ha. Trong đó, nhiều diện tích cây trồng đã có thể thu hoạch.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kon Tum đã xác định cây sâm là một trong những thế mạnh kinh tế của địa phương. Sau khi thành công việc nhân giống, bảo tồn được nguồn gene của loài thảo dược quý hiếm này tại vườn ươm với cả trăm ngàn cây giống, kế hoạch phát triển diện tích trồng, phương thức bảo vệ, khai thác sâm... đã đưa cả vào trong nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015 phải trồng được trên 500ha, trong đó 100ha sẽ thu hoạch. Giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tăng diện tích lên gấp đôi và có đến 300ha thu hoạch với năng suất dự kiến gần 150 tấn/ha.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng, phương thức trồng nhân rộng cây sâm Ngọc Linh là sẽ cấp giống cho nhân dân địa phương tự trồng, chăm sóc và bảo vệ. Đấy là phương thức phát triển bền vững và an toàn cho cây sâm cũng như nâng cao đời sống cộng đồng của người dân bản địa.

Sau những nghiên cứu khoa học, so sánh đã minh chứng cây sâm Ngọc Linh có hàm lượng saponin (chất quan trọng nhất, quyết định giá trị dược lý) cao hơn hẳn các loại nhân sâm của Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ, giá sâm Ngọc Linh lập tức lên đến cả trăm triệu đồng/kg tươi. Đặc biệt, khi cây sâm tự nhiên ở rừng cạn kiệt, thì giá lại càng “đắt... như sâm”. Hiện trên thị trường, giá của 1kg sâm tùy loại dao động 30 - 50 triệu đồng. Sau 10 năm trồng, sâm có thể thu hoạch và mỗi hécta sâm thu không dưới 40 - 50 tỉ đồng.

Trồng sâm - “bài thuốc” giữ rừng

Đã có nhiều nghiên cứu khoa học thành công về cách nhân giống cây sâm Ngọc Linh ở Đà Lạt, TPHCM..., cây con có thể được nhân giống từ chiết xuất lá, rễ, gene... Nhưng giá trị của vườn sâm Ngọc Linh thuộc UBND tỉnh Kon Tum là tính thuần chủng, được gieo trồng từ hạt giống như cơ chế tự nhiên.

Theo “ông chủ” vườn sâm Nguyễn Mạy, cây sâm bản địa Ngọc Linh bắt đầy nảy lộc, đâm chồi vào tháng giêng, hai. Dường như nó chỉ hút tinh tuý của đất trời vào mùa xuân, ra hoa và kết quả ở mùa hè, rồi tàn vào đầu mùa đông. Vì vậy, mỗi năm cây sâm có một đốt giống như trúc. Người ta dễ dàng tính tuổi của sâm qua các đốt này. Trước kia, khi phát tán tự nhiên, hạt sâm trôi theo các dòng suối, mọc ven sườn núi dốc đứng, rất khó phát hiện. Cả củ, thân, hoa, quả và lá của sâm đều là thức ăn ưa thích của sâu bọ, thú rừng, chim chóc, vì vậy, thêm sự truy lùng của con người thì cây sâm dễ dàng bị tuyệt chủng.

Sau gần 13 năm nghiên cứu, nhân giống và trồng ở vườn Măng Ri, kết luận chung rằng cây sâm chỉ sống được ở độ cao 1.800m đến trên 2.000m. Nhiệt độ trung bình ban ngày phải 14 - 15 độ C và độ ẩm đạt trên 80%. Đặc biệt, độ che phủ của tán cây rừng phải 70 -80%. Vì vậy, có rừng già thì cây sâm mới sinh trưởng được, ngược lại, trồng sâm là cách tốt nhất để bảo vệ, phát triển rừng ở Ngọc Linh. Rõ ràng, với cây sâm mỏng manh nhưng có giá trị gấp vạn lần cây gỗ, thì không người dân và chính quyền nào lại dại dột đi phá rừng, hại sâm.

Theo Thanh Hải
Lao Động