Sông Lam lở, hơn 40 tỷ đồng “trôi sông”
(Dân trí) - Sông Lam đã và đang “cướp” hàng chục ha đất nông nghiệp của người dân xã Nam Cường (Nam Đàn, Nghệ An), đe doạ sự an nguy của cầu, đường sắt Yên Xuân. Ngành đường sắt đã bỏ ra gần 40 tỷ đồng để khắc phục thiên tai nhưng tiền tỷ cũng bị nước cuốn…
>> Sông Lam đòi “nuốt” đường sắt
Sức “công phá” khủng khiếp của dòng sông
Do dòng chảy thay đổi, bờ sông Lam lở khiến lòng sông phình to, cây cầu cũ trở nên vô dụng. Ngành đường sắt đã xây dựng đề án “Mở rộng khẩu độ cầu Yên Xuân”, nối thêm nhịp cho cầu với tổng kinh phí bước 1 là 37 tỷ đồng.
Năm 2003, bước 1 của đề án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng cầu mới vẫn không đủ ôm lòng sông. Thậm chí, “tính mạng” cầu cũng khó được bảo toàn. Một cán bộ trực tiếp thi công đề án trên nhận định, khả năng ngành đường sắt phải nối thêm 3 nhịp nữa mới có thể khống chế được độ “phình” của sông Lam.
Nhận thấy dự án tăng nhịp cầu không phát huy tác dụng, ngành đường sắt tiếp tục triển khai bước hai, bước ba của đề án trên.
Đầu năm 2004, đơn vị thi công bắt đầu đóng ván thép, xây dựng gần 800m kè dọc theo mép sông Lam, đồng thời đóng thêm hơn 800 cọc bê tông để thả rọ đá, rồng đá nhằm chống xói lở. Mục đích của các bước này là đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt chạy qua đây. Tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
Nhưng các hạng mục mới đang thi công dở đã bị sông Lam “tấn công”. Một số đoạn kè đá ở sát mép sông hiện đã “biến mất”, chỉ còn trơ lại phần đất nham nhở. Những đoạn còn thì cũng tả tơi, chỉ chờ một trận mưa lớn là có thể đổ sụp xuống sông.
Nhiều người dân ở đây cũng phải bàng hoàng về sức “công phá” của dòng sông: “Chiều đi làm đồng còn thấy kè đá nhưng chỉ sáng mai ra là thấy mất tiêu rồi. Hồi trước đơn vị đang thi công cũng đã phải dời lán lên cầu Yên Xuân vì đất lở khủng khiếp”.
Hơn 800 cọc bê tông dàn hàng ngang bảo vệ mép sông cũng không còn tác dụng vì giờ chúng đã “chạy” ra giữa dòng, cách bờ tới hơn 50m.
Mới đây nhất, ngành đường sắt lại “đổ” tiền xây bức tường phía Nam hạ lưu cầu Yên Xuân nhằm ngăn cản sự xâm nhập của sông nhưng xem ra cũng không mấy hiệu quả.
Bao giờ bờ hết lở?
Theo người dân nơi đây thì cứ khoảng 8 giờ sáng (thời điểm nước sông Lạm cạn) lại có hàng chục xà lan tập kết cách bờ chừng 50m để khai thác cát. Lòng sông bị mất “chân” từ ngoài, kéo theo đất từ bờ sạt lở. Chính sự khai thác cát vô tội vạ là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sạt lở đến mức báo động như hiện nay.
Mặt khác, dư luận cũng nghi ngờ về chất lượng của những công trình gia cố bờ sông trị giá hàng chục tỷ đồng của ngành đường sắt. Một cán bộ xã Nam Cường minh chứng: “Những cọc bê tông dựng lên sẽ có những rọ đá bỏ xuống để ngăn cản tác động của nước đối với bờ. Nhưng trước chúng tôi chỉ thấy có mấy sọt đá, nay thì chẳng thấy đâu. Bờ kè đoạn có đoạn không, chẳng hiểu chất lượng như thế nào mà chỉ qua một thời gian ngắn nhiều đoạn đã bị nước cuốn trôi”.
Đặng Nguyên Nghĩa