1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sông Lam đòi “nuốt” đường sắt

(Dân trí) - Trong khoảng 6, 7 năm trở lại đây, dòng sông Lam đã “ngoạm” mất vài chục hecta đất ở và sản xuất của xã Nam Cường (Nam Đàn, Nghệ An). Tình trạng lở đất ven sông đã lên đến mức báo động, đe doạ sự an nguy của cầu, đường sắt Yên Xuân trên địa bàn xã Nam Cường.

Cầu, đường sắt Yên Xuân bị đe doạ

 

Cầu Yên Xuân có tuyến đường sắt “ghé chân” bắc qua sông Lam, là điểm giao thương của người dân một số xã thuộc huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên. Từ gần chục năm nay, sự an toàn của cây cầu, tuyến đường sắt này liên tục bị đe doạ do hiện tượng lở đất ven sông Lam.

 

Anh Ngô Đình Thức ở xóm 4, xã Nam Cường cho biết, trước đây sông Lam nằm trọn trong 7 nhịp cầu Yên Xuân. Sau này vì đất hai bên bờ sông sạt lở, dòng sông bị biến dạng phình to ra, vượt khỏi tầm “kiểm soát” của cây cầu. Để khắc phục sự cố này, ngành đường sắt đã chắp thêm 3 nhịp cầu nữa để ôm lấy dòng sông. Nhưng đến nay, cầu Yên Xuân một lần nữa lại không thể “kiểm soát” nổi con sông.

 

Đoạn đường sắt chạy qua cầu Yên Xuân, nằm trên địa bàn xã Nam Cường, cũng đang đứng trước nguy cơ bị sông Lam “vùi lấp”. Chừng hơn 400m mép sông, nơi có đường sắt đi qua, đất sạt lở chỉ cách chân đường ray chừng hơn 10 bước chân... Mỗi khi tàu đi qua đoạn đường này, hành khách không khỏi rùng mình.

 

Theo lời anh Thức thì đợt nào mưa to kéo dài, có thể tận mắt nhìn thấy đất chuồi xuống lòng sông. Thử tưởng tượng những chuyến tàu chạy cách mép sông chưa đầy chục mét…

 

“Trừ hao” đất lở

 

Đất ven sông Lam lở vô tội vạ đã một thời gian dài nên lâu lắm rồi không có ai chiếm dụng, xâm lấn mà đất vẫn cứ mất dần. Thế nên mới có chuyện dân xã Nam Cường đổ xô lên “bắt” lãnh đạo phải đo đạc lại đất nông nghiệp mỗi năm. Sau nhiều lần bàn tính, xã đã nghĩ ra một “kế” rất hài hước để yên dân: “trừ hao” đất lở.

 

Chẳng hạn hộ nào đo được 100m2 đất nông nghiệp thì trong sổ chỉ ghi 80m2, còn 20m2 là “trừ hao” trước vào phần đất lở hay bị sa mạc hoá.

 

Theo thống kê số diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở hàng năm do UBND xã Nam Cường cung cấp, từ năm 2000-2001, xã này mất hơn 19ha đất nông nghiệp; năm 2002-2003 mất 4,8ha; năm 2003 mất 9ha; năm 2005 mất hơn 5ha;...

 

Chiều 5/3, ông Lê Trung Sinh - Phó chủ tịch UBND xã Nam Cường - bức xúc: “Phía Nam, Bắc cầu Yên Xuân, đất ven sông Lam vẫn sạt lở nghiêm trọng. Thất thoát về đất nông nghiệp đã lớn nhưng tính mạng của hành khách trên các chuyến tàu đi qua cầu Yên Xuân còn đáng lo bội phần. Mặc dù ngành đường sắt đã “đổ” xuống sông Lam hàng tỉ đồng nhằm gia cố, chống sạt lở đất nhưng xem ra tình hình vẫn không biến chuyển là mấy”.

 

Đặng Nguyên Nghĩa