1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Sông Hồng “nuốt” bờ, dân không còn chỗ “chạy”

(Dân trí) - Đoạn sông Hồng khoét vào thôn Yên Tân, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội đã dài tới hàng cây số. Gần 1 tháng qua, dân Yên Tân chỉ còn biết đứng nhìn hàng chục mét ruộng bãi, vườn cây, tường, sân ùm ùm lao xuống dòng nước. Và “lưỡi” nước vẫn đang “liếm” cấp tập tới những ngôi nhà sâu vào phía đê…

Quán xá đã thành sông!

 

Đứng ở rìa mép bờ nhìn xuống, mặt sông thấp hơn cả chục thước, đất trên bờ nhô hẳn ra vì phần chân đã bị nước khoét hoẳm một đường như lòng hang. Dòng nước vẫn đánh oàm oạp vào thân bờ đất. Tường gạch, cột bê tông, hàng rào thép gai, giậu sắt hàn… ngổn ngang dưới mép nước. Hàng chục hộ dân Yên Tân đã phải lượm lặt, thu vét, di chuyển tài sản lùi vào phía trong.

 

Thiệt hại lớn nhất có lẽ là nhà hàng Cội Nguồn ở số nhà 11. Nhà hàng đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ cả tuần qua để tháo dỡ, di dời toàn bộ khung gỗ nhà sàn nhằm “chạy” nước. Toàn bộ nền của cả khu nhà sàn gần 70 m2 phía bờ sông đã bị kéo xụp xuống phía dòng nước vào tuần trước. Tường, móng đứt dời từng đoạn, những hàng cột bê tông nửa chìm, nửa nổi dưới dòng sông. Toàn bộ mặt đất ở khu nhà sàn lớn nhất quán rơi tụt hẳn 3-5 m so với mặt đất. Chưa tính được cụ thể thiệt hại nhưng trước hết mọi hoạt động làm ăn của nhà hàng đã “chết” hẳn.

 

 

Sông Hồng “nuốt” bờ, dân không còn chỗ “chạy” - 1
 

Nhà cửa, đất đai chìm dần trong dòng nước.

 

Gần với nhà hàng Cội nguồn là quán cà phê Mê Trang cũng “thê thảm” không kém vì quán xây kiên cố, không thể tháo dỡ song móng, tường, khung sắt, cửa sổ đã bị nứt gẫy, giằng xé nham nhở.

 

Chủ quán Vũ Quốc Việt chỉ những đường nứt toang hoác ở chân tường, những chỗ trồi sụt trên nền nhà, sân đầy lo lắng. Anh đang hối hả thuê người đóng một loạt cọc bê tông phía ngoài móng nhà, nơi chỉ còn khoảng 2-3 m bờ đất là dòng sông sẽ “liếm” đến chân tường.

 

Trước khi ăn vào đến sát nhà, sông Hồng đã “xơi tái” cả một bãi bồi trồng ngô, trồng đậu dài tới 50-70 m phía trước. Chỉ dòng nước cuồn cuộn, đỏ ngầu như nước lũ, anh Việt cho biết, cả tháng nay, hàng ngày đứng trên bờ có thể nhìn thấy từng mảng đất lớn sụt xuống, biến mất. Đêm nằm nghe tiếng đất đổ xuống lòng sông ùm ùm.

 

Sắp hết đường lùi

 

Hồi 9h ngày 10/10, bờ sông Hồng thuộc địa phận xã Châu Sơn, Ba Vì, Hà Tây cũng bị sạt lở khiến 76 hộ dân gần kề bị đe dọa an nguy. Đoạn bị sạt dài 500 mét, sâu khoảng 5 mét; hiện đoạn bờ sông liền kề đang có nguy cơ tiếp tục lở, đe dọa tính mạng người dân.

 

Công an huyện Ba Vì, Hà Tây kết hợp với chính quyền địa phương đang tổ chức di dời 6 hộ dân và bảo vệ tài sản cho dân.

 

Minh Hương

Cuộc “tấn công” của sông Hồng đã bắt đầu từ cách đây gần 1 tháng, “nuốt” lần phần bãi bồi rộng tới vài ba chục mét bao phía ngoài những gia đình gần sông và hơn một tuần trở lại đây đã tấn công, hạ gục nhanh chóng tới phần tài sản của của các hộ. Lùi dần cây cối, tài sản gần kề sông là cách mà nhiều hộ đang làm, nhưng theo anh Thiện nhà số 9 Ngọc Thụy (nhà anh bị tụt mất hai bức tường bao kế tiếp nhau), với đà tấn công của dòng nước như hiện tại thì không bao lâu nữa, đường lùi cũng không còn.

 

Cán bộ tổ dân phố số 2 - phường Ngọc Thụy cho biết: Cả chục năm nay mới lại thấy hiện tượng sông Hồng gây xói lở ở phía bờ bên này. Trở lại 10 năm trước, vùng ngoài đê Yên Tân đã có một hàng kè gần phía chân đê để chống xói lở. Từ đó, bãi sông đã được bồi đắp rộng ra thêm vài chục mét, ngay trong mùa mưa lũ cũng không thấy lở bờ. Nhưng những trận lở năm nay đã kéo bờ sông Hồng trở về gần với điểm xuất phát của mười năm trước. Điều này được lý giải là do sông Hồng đổi dòng, dòng nước cuộn xoáy, đào mãi về phía tả ngạn.

 

Chỉ tính riêng trong tổ đã có hơn một chục hộ bị sông “nuốt” đất, nhiều vị trí bị “ăn” vào đến 50-60 m. Quãng đất bị xói lở kéo dài tới vài cây số, từ vùng đất bãi trồng ngô phía trên kéo đến sát chân cầu Long Biên, riêng địa phận tổ 2 đã dài tới hơn 1 km.

 

Thật khó lường trước về những gì dòng sông có thể tàn phá, chỉ biết dòng nước phía Yên Tân vẫn rất dữ tợn mà nói như một người dân hiểu về dòng sông là sức nước vẫn như đang có lũ.

 

Phương Thảo - Mạnh Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm