1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bắc Ninh:

Sống gần trạm cấp nước vẫn “khát” nước sạch

(Dân trí) - Mặc dù ở ngay cạnh trạm cấp nước sạch Gia Bình nhưng nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân thôn Ngăm Lương và thôn Ngọc Tỉnh, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) vẫn phải ăn uống sinh hoạt bằng nguồn nước thải nhiễm phẩm hoá chất.

Ông Đỗ Trọng Trường - Chủ tịch UBND xã Lãng Ngâm - cho biết, cả thôn Ngăm Lương có hơn 600 hộ ,trước kia đa phần các hộ dùng giếng khoan nhưng do nước giếng khoan ô nhiễm trầm trọng, có nhiều chất asen ăn mòn, làm hỏng máy bơm và máy giặt nên hiện nay hơn 70% gia đình buộc chuyển sang bơm nước từ ao tù, mương rãnh đem lọc để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Hàng trăm hộ dân hút nước thải về lọc sơ sài làm nước sinh hoạt tại thôn Ngăm Lương.
Hàng trăm hộ dân hút nước thải về lọc sơ sài làm nước sinh hoạt tại thôn Ngăm Lương.

Các hộ còn lại đành sử dụng giếng khoan dù biết nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Xã Lãng Ngâm có 5 thôn thì hai thôn Ngăm Lương và Ngọc Tỉnh có nghề may, in, nhuộm vải. Đi đôi với phát triển kinh tế thì ô nhiễm môi trường càng nặng, nước thải sinh hoạt, nước thải phẩm hoá chất dùng in, nhuộm trực tiếp xả ra ao, hồ.

Ngay tại chiếc giếng làng rộng khoảng 60m2, nguồn nước được bơm từ sông Đuống vào mương, rồi sau đó chảy vào hệ thống cống nước thải sinh hoạt của làng rồi chảy vào giếng cũng được dùng để phục vụ cho nhiều hộ gia đình sống quanh giếng.

Trong 4 năm trở lại đây, hai thôn Ngọc Tỉnh và Ngăm Lương có khoảng hơn 30 người đã chết vì bệnh ung thư vòm họng, gan… trong đó đa phần còn trẻ khoẻ, đang trong độ tuổi lao động do nguồn nước ô nhiễm. Từ đầu làng đến cuối xóm, các ao, giếng làng, mương, rãnh chằng chịt các ống dẫn hút nước lên bể lọc bằng cát sơ sài để người dân lọc lấy nước sinh hoạt.

Hàng trăm hộ dân hút nước thải về lọc sơ sài làm nước sinh hoạt tại thôn Ngăm Lương.

Tại vùng quê này, khoảng 4 năm nay, khi nghề may gia công quần áo bắt đầu về làng, người dân sử dụng các loại hóa chất để nhuộm màu lên vải và in họa tiết trang trí lên quần áo, không qua qui trình xử lý nước thải mà tuỳ tiện  đổ nước thải theo hệ thống cống rãnh ra ao làng, kênh mương.

Và một thực tế đang báo động là do thiếu nguồn nước sạch, người dân lại lấy chính nguồn nước thải đó qua một hệ thống lọc thô sơ để tái sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Anh Nguyễn Đăng Thuận, một người dân trong thôn cho biết mặc dù biết nguồn nước bị nhiễm sắt nhiều, có màu vàng như nghệ, cho dù đã lọc nhiều lần nhưng vẫn sực mùi tanh nồng nhưng chẳng có cách nào nên vẫn phải sử dụng. Người dân chỉ mong các cơ quan chức năng sớm đưa nước sạch về cho người dân sử dụng.

 

Hóa chất độc hại từ làng nghề đầu độc nguồn nước của hàng trăm hộ dân.
Hóa chất độc hại từ làng nghề đầu độc nguồn nước của hàng trăm hộ dân.

Thế nhưng, điều nghịch lý là khu vực ô nhiễm nặng nề này lại nằm ngay cạnh Trạm cấp nước sạch Gia Bình vốn được đặt tại xã Lãng Ngâm.

Ông Đỗ Trọng Trường - Chủ tịch UBND xã Lãng Ngâm - chia sẻ: Mặc dù Trạm cấp nước sạch Gia Bình đặt trên địa bàn xã nhưng theo dự án, trạm cấp nước sạch Gia Bình cấp nước sạch cho thị trấn Gia Bình.

Qua bức xúc của người dân về việc khát nước sạch, chính quyền xã đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Sau khi làm việc sơ bộ với trạm cấp nước sạch Gia Bình, chi phí tạm tính khoảng 4 triệu đồng/hộ, chưa kể hơn 1 triệu tiền đồng hồ. Nhiều người dân cho rằng mức đầu tư như thế là quá cao so với thu nhập và mặt bằng của người dân địa phương.

Trạm cấp nước sạch thị trấn Gia Bình nằm ngay tại xã Lãng Ngâm.
Trạm cấp nước sạch thị trấn Gia Bình nằm ngay tại xã Lãng Ngâm.

Trạm cấp nước thị trấn Gia Bình do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bắc Ninh làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2010 với tổng nguồn kinh phí là 23 tỷ đồng (trong đó 90% nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và 10% vốn đối ứng) có công suất tối đa 2400 m3/ngày đêm.

Theo ông Trần Văn Môn, Trạm trưởng Trạm cấp nước thị  trấn Gia Bình, công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2012. Giai đoạn 1, Trạm có công suất tối đa là 1.200 m3/ngày đêm. Đến nay, Trạm cung cấp bình quân 900 m3/ngày đêm, cao điểm là 1.100m3/ngày đêm cho 2.000 hộ dân dọc theo tuyến  Môn Quảng, An Quang (Lãng Ngâm) qua Đông Cứu xuống thị trấn Gia Bình.

“Đối với thôn Ngọc Tỉnh và Ngăm Lương chúng tôi đã tiến hành khảo sát, từ đó đi đến thiết kế các đường ống chi tiết. Hiện chúng tôi đang chờ phê duyệt của cơ quan chức năng và có kế hoạch làm vịệc với địa phương để đi đến thống nhất có phương án cấp nước sớm nhất cho hai thôn”, ông Môn nói

Đoàn Thế Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm