Thái Bình:
Sông Đoan Túc bị “bức tử”, gần 2.000 dân khốn khổ “trốn” ô nhiễm
(Dân trí) - Nhiều năm qua, giữa lòng thành phố Thái Bình, sông Đoan Túc đang bị "bức tử" vì ô nhiễm. Nước sông đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Việc sông Đoan túc ô nhiễm khiến gần 2.000 người dân sống trong cảnh khốn khổ.
Dòng sông đen giữa thành phố
Sông Đoan Túc thuộc hệ thống thoát nước thành phố, điểm đầu là cống Nhân Thanh chảy qua các tổ dân phố của phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, cụm công nghiệp Phong Phú; điểm cuối đấu với sông Bạch tại cầu Mùa, phường Phú Khánh. Đây là nguồn tiếp nhận nước thải sinh hoạt của phường Tiền Phong, nước thải của một số cơ sở sản xuất đang hoạt động trong cụm công nghiệp Phong Phú chưa đấu nối về khu trung chuyển nước thải cụm công nghiệp.
Từ năm 2014 UBND thành phố Thái Bình thực hiện dự án kè sông Đoan Túc, bắt đầu từ thời điểm này sông Đoan Túc bắt đầu bị ô nhiễm nặng nề, nước sông đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Từ đây, những người dân của các tổ dân phố 3, 5, 6, 7, 8 và 17 phường Tiền Phong phải chịu sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng.
Tình trạng ô nhiễm nặng nề khiến các hộ dân 2 bên sông Đoan Túc gần như đóng kín mít cửa cả ngày, nhiều hôm gió lớn, người dân phải bịt khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà vì không thể chịu được mùi hôi thối quá mức bốc từ sông lên.
Nước sông Đoan Túc đen ngòm, bốc mùi hôi thối
Chị Phùng Thị Vân, tổ dân phố số 7, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình bức xúc: “Tình trạng sông Đoan Túc ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm nay, người dân chúng tôi còn phải tự tìm điểm mà các doanh nghiệp xả thải ra, nhưng chẳng có ai giải quyết được. Các nhà trong khu phố rất hiếm khi mở cửa vì mùi hôi thối từ sông tạt vào”.
Theo phản ánh của người dân, sông Đoan Túc ô nhiễm là do phải hứng chịu nước thải của doanh nghiệp hoạt động tại cụm công nghiệp Phong Phú, ngoài ra sông này phải gánh chịu nước rỉ từ núi rác khổng lồ của nhà máy đốt rác thành phố Thái Bình chảy vào. Nhiều lần người dân đã cùng cơ quan chức năng vào nhà máy đốt rác này để tìm cống ngầm xả thải nhưng không tìm thấy... Đến khi người dân tìm thấy thì chưa thấy các cơ quan chức năng xử lý.
Chị Phùng Thị Vân, tổ dân phố số 7, phường Tiền Phong cho biết, bất kỳ ai đi qua khu vực này cũng đều cảm nhận mùi hôi thối, khó chịu.
Ghi nhận của PV Dân trí vào ngày 14/11, tại sông Đoan Túc, đoạn chảy qua địa bàn phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy nước sông Đoan Túc có màu đen kịt. Bất kỳ ai đi qua khu vực này cũng đều cảm nhận mùi hôi thối, khó chịu. Hai dãy dân cư dọc bờ sông buộc phải đóng cửa kín, ngăn mùi hôi thối bay vào nhà.
Cũng theo phản ánh của một người dân ở tổ dân phố số 7, phường Tiền Phong, hàng ngày nước sông đều đen kịt và đặc quánh như thế này, nhưng thi thoảng nước sông lại đỏ ngầu. "Trước đây sông này có cá, nhưng bây giờ chắc loăng quăng cũng không sống nổi", một người dân than thở.
Chính quyền loay hoay, dân “sống mòn” với ô nhiễm
Bức xúc với tình trạng ô nhiễm sông Đoan Túc, trong một thời gian dài, người dân phường Tiền Phong liên tục kiến nghị lên các cấp chính quyền, thậm chí căng băng rôn khẩu hiệu trong cả cổng các khu phố với mong muốn sớm xử lý việc sông bị Đoan Túc bị ô nhiễm và tìm ra “thủ phạm” gây ô nhiễm cho dòng sông này.
Tình trạng sông Đoan Túc bị ô nhiễm đã diễn ra từ lâu khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, cho biết, tình trạng sông Đoan Túc bị ô nhiễm đã diễn ra từ lâu và người dân rất bức xúc với sự việc trên, người dân cũng kiến nghị rất nhiều lần lên các cơ quan chức năng nhưng hiện nay vẫn chưa được xử lý.
Theo ông Nam, có hiện tượng các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Phong Phú xả trộm thải ra sông nhưng chưa tìm được là công ty, doanh nghiệp nào. Đồng thời, việc sông Đoan Túc ô nhiễm cũng có phần từ nhà máy rác do nước rỉ chảy ngầm xuống sông. Chính quyền địa phương cũng đã báo cáo UBND thành phố, đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, tìm nguồn xả thải nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm trên. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiểm tra vẫn chưa phát hiện nguồn ô nhiễm.
Các nhà dân nằm cạnh 2 bên bờ sông Đoan Túc đều đóng kín cửa nhà vì không chịu được mùi hôi thối
Trước mắt, để giải quyết tình trạng ô nhiễm trên, UBND phường đã xây dựng các hố gas bên sông Đoan Túc có thể lật lên kiểm tra bất kỳ lúc nào để kiểm tra xem doanh nghiệp, công ty nào xả thải.
“Trước mắt, đang có phương án là nạo vét bùn từ sông Đoan Túc rồi di chuyển số bùn này đi nơi khác, khơi thông dòng chảy cho sông để giảm tải ô nhiễm. Việc nạo vét kinh phí sẽ do UBND thành phố chi, nhưng hiện nay UBND phường vẫn chưa tìm được địa điểm nào để đổ bùn…nên việc này vẫn chưa thể triển khai được”, ông Nam cho biết.
Trước sự việc người dân liên tục kiến nghị, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu UBND thành phố Thái Bình khẩn trương đầu tư hệ thống thu gom, đấu nối toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Phong Phú vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh.
Người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm trên con sông Đoan Túc
Tỉnh yêu cầu thành phố lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải, truyền số liệu tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường, qua đó, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xả thải theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành, đơn vị tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp xả nước thải không đạt quy chuẩn ra môi trường.
Tình trạng ô nhiễm sông Đoan Túc đã kéo dài từ nhiều năm nay, ảnh hưởng đến hơn 2.000 nhân khẩu. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục ô nhiễm thì nhiều năm nay, người dân vẫn phải sống trong tình cảnh ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng.
Đức Văn