1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Sống chung với úng ngập giữa Hà Nội

(Dân trí) - “Các chú có hỏi thì chúng tôi nói, chứ kêu mãi rồi, hết phường, quận rồi đến thành phố xuống nhưng có thấy cải thiện được gì đâu” - một người dân ở Tổ 34B, phường Khương Trung bức xúc nói về tình trạng lội giữa phố của gần 200 hộ dân ở đây.

Mưa ngập, nắng cũng ngập

 

Một con ngõ chiều dài hơn 250m trông từa tựa như một dòng sông cạn với nước xâm xấp, chỗ nông đến mắt cá chân, chỗ sâu ngập quá nửa bánh xe máy. Đầu ngõ phố, hay trước cổng nhà đều được người dân trung dụng các loại vật liệu “be bờ, đắp đập” để nước khỏi tràn vào nhà. Đó là hình dung về con ngõ của các tổ dân phố 33, 34A, 34B phường Khương Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.

 

“ Mưa cũng ngập mà nắng cũng ngập, đấy là chuyện thường xuyên mà chúng tôi sống chung với nó hàng mấy năm nay rồi ”, bà Nguyễn Thị Đức - Bí thư chi bộ cụm dân cư số 28 cho biết như vậy. Nhiều người dân ở khu vực này cho biết thêm, tình trạng úng ngập ở khu vực này chỉ xảy ra cách đây 1 vài năm, kể từ khi đầm Máy Khâu bị san lấp.

 

Được biết, toàn bộ hệ thống thoát nước của các tổ dân phố này được thiết kế đổ ra Đầm Máy Khâu, nhưng khi con đầm này do bị san lấp nên hiện tại không còn khả năng chứa nước. Nước thải ra không có chỗ thoát, đặc biệt, khu vực này lại thấp hơn các vùng lân cận nên đã trở thành “lòng chảo” chứa nước.

 

Sống chung với úng ngập giữa Hà Nội - 1
 

Bà Đức kể: Mỗi lúc trời mưa, nếu không bơm hút kịp thời thì nước dềnh lên tràn vào nhà; vào ngày nắng, riêng lượng nước sinh hoạt từ các hộ đổ ra hàng ngày cũng đã khiến con ngõ xâm xấp đến mắt cá. Còn các ngày thứ 7 hay chủ nhật, nhiều người được nghỉ ở nhà thì lượng nước thải đổ ra nhiều hơn, úng ngập cũng nhiều hơn.

 

Đủ các loại nước “hội tụ” về đây, nước mưa trên trời xuống, các loại nước thải từ nhà dân thải ra không có chỗ thoát gây nên cảnh úng ngập triền miên. Ước tính, đang sống chung với cảnh úng ngập này có khoảng hơn 180 hộ dân, trong đó có khoảng 200 trẻ em thuộc 3 tổ dân phố nói trên. Trong đó, ngập nặng nhất là các tổ 34B, 34A, còn nhẹ nhất là tổ 33.

 

Nỗi thống khổ của người “vùng trũng”

 

Nguồn nước đang ứ đọng tại con ngõ của các tổ dân phố nói trên chủ yếu là nước thải, loại nước này ứ đọng lâu ngày là nổi váng và có mùi rất khó chịu, đặc biệt là mỗi lúc trời mưa. Bà Hoà, một người phụ nữ ở Tổ 33 cho biết: “Tôi thấy nước sông Tô Lịch có mùi hôi thật nhưng nước ở đây bây giờ cũng hôi thối không kém mấy đâu”.

 

Một nỗi khổ khác là nước đọng phát sinh ra nhiều loại ruồi muỗi, côn trùng. “Chúng tôi đã mua bình xịt, vợt muỗi nhưng không an thua, không biết có phải vì muỗi nhiều không mà trẻ con ở khu vực này bị sốt nhiều lắm” - người dân ở đây cho biết.

 

Còn nhiều nỗi thống khổ nữa mà người dân các tổ “vùng trũng” Khương Trung đang phải gánh chịu. Đường ngập nước, giao thông đi lại cũng khó khăn, không nhẽ xắn quần lội bì bõm trong làn nước như vậy. Thế nên nhiều hộ dân đã có “sáng kiến” kê gạch cao lên khỏi mặt nước để đi vào trong ngõ. Chỉ tội người già mắt kém, bàn ngày con cháu đi làm hết muốn sang nhà hàng xóm chơi cũng không dám, khách khứa đến chơi cũng ngại.

 

Sống chung với úng ngập giữa Hà Nội - 2

Nhà muốn bán cũng chẳng ai dám mua!

 

Chịu cảnh này không thấu, nhiều người muốn bán nhà đi chỗ khác nhưng khi người mua đến hỏi thấy cảnh này cũng… chạy “mất dép”.

 

Được biết, trong thời gian qua người dân ở khu vực này đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền các cấp. Sau đó, phường, quận và thành phố đã cử cán bộ xuống nhưng chưa tìm ra cách giải quyết hiệu quả.

 

Chỉ có trẻ con ở đây là thích thú vì mỗi buổi chiều được bố mẹ chở  đi học về co hai chân lên nhìn nước bắn tung toé và thỉnh thoảng lại được nghịch nước và thả thuyền xuống phố.

 

Thái Sơn - Phúc Hưng