Sống chung với “bom nổ chậm”
Hơn 1,5 triệu vỏ bình của doanh nghiệp kinh doanh gas bị đại lý chiếm dụng, gắn phụ kiện kém chất lượng, thay đổi kết cấu bán cho người tiêu dùng. Bình gas mini, bình tự chế hoàn toàn bị thả nổi.
Gần đây, những vụ cháy nổ bình gas và bình chứa các loại khí khác liên tục xảy ra, gây hoang mang cho nhiều người. Điều đáng nói là bình gas, bình chứa khí có nguy cơ cháy nổ rất cao nhưng lại chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ; đến khi xảy ra sự cố thì không ai đứng ra chịu trách nhiệm.
Tử thần rình rập
Theo các chuyên gia kỹ thuật, phần lớn các sự cố gây cháy nổ bình gas đều xuất phát từ những phụ kiện như đầu van, van áp suất, dây dẫn kém chất lượng hoặc sử dụng lâu ngày khiến gas rò rỉ. Các loại phụ kiện này gần như thả nổi, không ai quản lý. Đại lý kinh doanh gas mua phụ kiện trôi nổi trên thị trường với giá rẻ để lắp đặt vào bình bán cho người tiêu dùng sử dụng với giá cao.
Dây dẫn gas từ bình đến bếp phải là loại nhựa chuyên dụng, trong khi phần lớn đại lý đều dùng loại ống nước nên chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, chúng sẽ bị xì mọt, giòn nứt.
Van điều áp loại rẻ tiền phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc bán với giá chỉ vài chục ngàn đồng/bộ, trong khi hàng chất lượng phải trên 100.000 đồng, nên chất lượng rất kém, không điều tiết được lượng gas phù hợp và dễ gây cháy nổ.
Chưa kể, những người bán gas lẻ không được trang bị kiến thức, kỹ thuật nên lắp đặt phụ kiện không chính xác cũng dễ dẫn đến sự cố cho người sử dụng.
Giá gas tăng cao như hiện nay cũng là cơ hội cho những người kinh doanh gas lậu, sang chiết gas trái phép bung ra nhiều hơn do lợi nhuận cao. Với một bình gas 12 kg, chỉ cần bơm thiếu 2 kg, họ sẽ có lãi gần 60.000 đồng.
Ông Đỗ Trung Thành, Phó trưởng Phòng Kinh doanh gas Saigon Petro, cho biết tình hình kinh doanh gas lậu hiện rất phức tạp. Giới sang chiết gas lậu đã chiếm dụng rất nhiều vỏ bình của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas.
Những vỏ bình này không được tái kiểm định, bị chiếm dụng hàng chục năm nên thiếu an toàn do bị móp méo, gỉ sét; đầu van mòn không được thay mới nên nguy cơ cháy nổ rất cao.
Các loại bình chứa khí đá, ôxy, CO2... có nguy cơ nổ, gây tai nạn rất cao.
Chưa kể, nhiều cơ sở còn cắt bỏ đế, tai và mài bỏ logo làm cho vỏ bình mỏng đi hoặc thay đổi kết cấu vỏ nên mức độ chịu áp suất giảm rất nhiều, gây nguy hiểm khi sử dụng gas.
Theo ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, các doanh nghiệp gas đã tung ra thị trường khoảng 5 triệu vỏ bình, trong đó hơn 30% đã bị giới buôn bán gas lậu chiếm dụng. Với 1,5 triệu vỏ bình bị chiếm dụng không được kiểm tra, tái kiểm độ an toàn, nguy cơ cháy nổ rình rập khắp nơi.
Bình gas mini cũng không được quản lý, kiểm soát. Bình mini có vỏ bằng thiết mỏng nên chỉ được nhà sản xuất dùng loại gas áp lực thấp, dùng một lần rồi bỏ. Trong khi đó, các điểm kinh doanh gas lại sử dụng bình mini nhiều lần đã gỉ sét, mối nối không còn bám chặt, đầu van mòn..., lại chiết nạp từ bình lớn có áp lực cao sang nên dễ bị xì gas. Đến khi gây cháy nổ, họ lại không bị xử lý nghiêm.
Các loại bình chứa khí đá, CO2, ôxy... cũng có nguy cơ cháy nổ rất cao nhưng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Quản lý lỏng lẻo
Đúng ra, các doanh nghiệp cung cấp gas phải trang bị đồng bộ từ bình đến van điều áp, dây dẫn... cho người tiêu dùng. Thế nhưng, doanh nghiệp chỉ cung cấp bình gas cho đại lý, còn việc lắp đặt các phụ kiện đều phó mặc.
Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn Khu vực 2 - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết 5-6 năm trước, cơ quan chức năng còn nắm được số lượng vỏ bình gas nhưng gần đây thì “bó tay”.
Mỗi năm, lượng vỏ bình gas được các doanh nghiệp mang đến trung tâm kiểm định càng giảm. Trong 10 tháng đầu năm 2010, số vỏ bình được doanh nghiệp đưa đi kiểm định tại trung tâm cũng tiếp tục giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết theo quy định, chủ sở hữu phải tự chịu trách nhiệm kiểm tra độ an toàn, tái kiểm định chất lượng vỏ các loại bình chịu áp và phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.
Căn cứ đăng ký của chủ sở hữu, sở tổ chức kiểm tra, thanh tra; nếu vi phạm, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở hoặc xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, bình gas mini lại không nằm trong quy định phải tái kiểm định do có dung tích nhỏ.
Mặt khác, việc phân cấp quản lý các thiết bị chịu áp còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Vỏ bình và các chất bên trong bình lại được quản lý, cấp phép kinh doanh bởi các cơ quan khác nhau. Vỏ bình chịu áp có đăng ký đã vậy, huống hồ các loại vỏ bình tự chế dùng bơm vỏ xe, chứa khí đất đèn... hoàn toàn bị thả nổi còn nguy hiểm đến chừng nào!
Cháy, nổ liên tục
Trong vòng 2 tháng nay, liên tục những vụ cháy nổ bình chịu áp đã xảy ra ở nhiều nơi, làm chết và bị thương nhiều người.
Mới đây, chiều 1/11, tại Xí nghiệp Sơn Công sản xuất đất đèn ở xã Hương Văn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một bình ôxy phát nổ đã làm giám đốc bị gãy 2 chân, phó giám đốc và một công nhân bị thương nặng.
Trước đó, sáng 30/10, tại khu tái chế Nhà máy Thép Thái Bình ở KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu - TP Đà Nẵng, xảy ra vụ nổ bình gas dùng để cắt sắt thép làm một công nhân thiệt mạng.
Tại thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ - Bình Định, tối 28/10, bình hơi dùng bơm vỏ xe ở một tiệm sửa xe cũng đã tự nổ làm chủ tiệm tử vong, 3 người khác trọng thương.
Trước đó, chiều 17/9, vụ nổ bình gas tại một căn nhà trên đường Bà Hạt, quận 10 - TPHCM làm một cụ bà thiệt mạng và cụ ông bị thương nặng, căn nhà bị thiêu rụi. Sau đó vài ngày, tại tiểu khu dãn dân ở huyện Bắc Mê - Hà Giang, một bình gas cũng đã phát nổ làm 5 ngôi nhà liền kề bị lửa thiêu rụi... (L.Bảo) |
Theo Nguyễn Hải
Người lao động