1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sống chết với biển

Theo gương tiền nhân là những hùng binh Hoàng Sa năm xưa bám chặt lấy biển cả, họ - ngư dân xứ Quảng - luôn dẻo dai một ý chí kỳ lạ, bất chấp mọi tai ương không thể tưởng tượng nổi. Để “sống ở biển thì chết cũng phải ở biển”.

Cách đây chưa lâu, đường vào xóm Châu Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không có, phải gởi xe để trèo núi hàng giờ. Ban ngày, không khí hừng hực nắng. Ban đêm khung cảnh vắng vẻ đến rợn người. Châu Tân lọt thỏm phía ngoài biển, côi cút một xóm nhỏ với vài chục nóc nhà lưa thưa, buồn tẻ.

Trôi giữa Chan Chu  
 
“Phịch!”. Chị Thủy giật mình bởi âm thanh lạ ở ngoài hè. Nhìn ra trước nhà, cành dương liễu trong bóng đêm đen ngòm bị gió biển thổi phất phơ như một cánh tay chao qua trước cửa. Chị định thần lại, bởi vừa phát hiện một bóng người đứng liêu xiêu dựa vào cây cột.

Giữa xóm vắng, người đàn bà ở nhà một mình với ba đứa trẻ như chị, hẳn phải sợ cái bóng đen lạ lùng trước cửa nhà. “Cuối cùng, ổng cũng lên tiếng: Má nó ơi, mở cửa cho tôi” - chị Thủy kể lại. Cửa mở, trước mặt chị là người chồng, ngư dân Bùi Thanh Sơn (sinh năm 1975). Anh còn ôm theo… một thùng bia để mừng cho cuộc thoát chết sau cơn bão lớn.
Di ảnh ngư dân Bùi Thanh Sơn - cho đến giờ vẫn mất tích ngoài khơi Hoàng Sa.
Di ảnh ngư dân Bùi Thanh Sơn - cho đến giờ vẫn mất tích ngoài khơi Hoàng Sa.
 
Ngư dân Bùi Thanh Sơn là một thợ lặn cừ khôi. Từ Bình Châu anh theo tàu ra Hoàng Sa để làm nghề lặn. Ngày ngủ, đêm tiến vào sát các đảo, mang đèn lặn để xuống các rặng san hô, lượm hải sâm, tôm hùm, bắt nhiều loại cá mà không phải dân làm nghề lưới nào cũng đánh được.
Những khi gặp bão, những con tàu nhỏ rất dễ gặp nạn. Bà con ngư dân không dám chạy vào đảo Phú Lâm tránh bão, vì họ thường bị thu vật dụng không cho hành nghề ở Hoàng Sa.
Đó là câu chuyện xảy ra vào năm 2006, với cơn bão Chan Chu, ám ảnh tâm trí mọi người mãi tới giờ.
Đường đi của cơn bão này bẻ quặt như cùi chỏ. Các ngư dân không kịp trở tay. Lần đó, anh Sơn ngồi trên chiếc tàu của ông Nguyễn Khâm chuẩn bị hứng bão vì không thể chạy kịp. Mọi người rụng rời tay chân khi vặn radio và lắng nghe âm thanh lúc được lúc mất: theo tin báo là sẽ có bão Chan Chu có sức gió giật trên cấp 12. Tiếng các ngư dân khóc than, có người tuyệt vọng trăn trối trên làn sóng Icom. Cả mười ngư dân đều gọi tên vợ con khi nhìn sóng biển bắt đầu ùn ùn như ngôi nhà cao tầng, mây đen quần đảo như địa ngục, biển ngả màu tím ngắt như ai mới vừa đổ hũ mực xuống nước.
Ba mẹ con chị Thủy với nỗi buồn ở xóm cát.
Ba mẹ con chị Thủy với nỗi buồn ở xóm cát.
 
Bão vừa tấn công một đợt, mấy chục chiếc tàu xung quanh đã biến mất, gỗ ván trôi lềnh bềnh. Có tiếng người thét lên trong máy Icom rồi lại im bặt. Chỉ còn lại mỗi con tàu vật lộn với sóng dữ. Máy tàu gầm lên hết cỡ để giữ cho mũi thuyền nằm vuông góc và chếch 15 độ so với cột sóng cao khủng khiếp. Nếu thuyền day ngang thì bị cuốn lật úp. Dây neo được coi như dây giữ mạng sống của mười ngư dân. Nếu đứt neo, con thuyền lập tức lao vụt ra biển và cắm mũi xuống chân sóng, chỉm nghỉm. Mỗi ngư dân buộc dây ngang bụng, thay nhau bò ra mũi tàu trực neo. Một ngư dân bị gió thổi bay ra khỏi tàu.
Theo kinh nghiệm, nếu bão vặn đứt dây, chỉ vài phút sau là con thuyền bị quật nát. Các ngư dân sử dụng bí quyết cuối cùng, đó là lặn xuống biển, kéo sợi dây cáp lớn làm dây neo, ráp thêm một chùm ốc xoắn, kẹp chặt sợi dây xuống khối san hô. Nếu trụ được thì coi như có ngày trở về.
Trong đất liền, cả làng khóc. Bão tan, những con tàu lầm lũi chở xác ngư dân vớt được vào bờ.

Sau lần gặp bão Chan Chu, hoàn hồn trở lại, anh Sơn xin đi biển gần bờ. Cứ sáng đi, chiều về, tiền chia chỉ đủ ăn. Gia đình chật vật.
Trước tình cảnh đó, chị Thủy kể lại: “Anh Sơn day dứt lắm, ảnh mím môi nói là phải đi biển dài ngày ở Hoàng Sa mới được, vì ảnh tin ông bà thương tưởng phù hộ cho ảnh luôn tai qua nạn khỏi”.
Năm 2008, anh Sơn đi bạn cho tàu của ông Nguyễn Huê. Cơn bão số 1 năm 2008, tàu của ông Nguyễn Huê bị chìm ở Hoàng Sa. Chỉ có ngư dân Nguyễn Văn Đức may mắn sống sót trở về và kể lại câu chuyện kinh hoàng: “Bão tới nhanh quá nên chạy không kịp. Mười anh em trên tàu quyết định ràng chặt dây cáp và neo tàu ở ngoài đảo ngầm ở Hoàng Sa. Biển động mạnh, gió giật trên cấp 12. Và lần này thì con tàu nhỏ không thể trụ vững trong bão như lần trước đây. Vì tàu của ông Huê cũ kỹ, vỏ gỗ đã rã, trong khi sóng biển thì to, cao như ngôi nhà giáng xuống”.
Khi thấy con tàu không thể trụ được, cabin sắp sập, sóng gió gỡ phăng từng miếng ván trên tàu, anh em ngư dân buộc một chùm can nhựa và ôm nhau lao xuống biển. Sóng đánh chùm phao đứt ra làm ba, mỗi chùm ngư dân trôi mỗi phía.
Bão tan, một chiếc tàu phát hiện ra anh Đức và vớt vào bờ. Còn lại tất cả chín ngư dân mất tích, trong đó có anh Sơn.

Chờ cha, ngóng chồng nơi xóm cát

Ba đứa con của anh Sơn là cháu Bùi Thị Thúy Nguyên (16 tuổi, học sinh lớp 10), Bùi Thanh Vũ (10 tuổi, học sinh lớp 5), Bùi Thị Diệu (9 tuổi, học sinh lớp 3).
Thân cò lặn lội nuôi con, chị Thủy đã làm đủ nghề để kiếm sống. Xin một sào ruộng để kiếm gạo ăn qua ngày. Thời gian còn lại thì đi làm thợ đụng, gặp gì làm nấy. Đi chà hồ nuôi tôm, hốt cá, phơi cá khô, gánh đá…
Đã bốn năm trôi qua, anh Sơn vẫn biệt tăm tích ngoài quần đảo Hoàng Sa. Hằng ngày, ba đứa trẻ dắt nhau ra biển và mong ngóng người cha đi bão trở về. Chờ đợi, tuyệt vọng giữa xóm vắng, những đứa trẻ lại dắt nhau trở về với giọt nước mắt khi gọi tên cha.
Những ngày mưa gió, ngôi nhà lại càng trở nên trống trải và lạnh lẽo. Tiếng ầm ầm của mưa dội xuống mái tôn, tiếng sóng ào ạt từ ngoài biển vọng vào ngôi nhà. Nhìn ra biển sóng mù mịt, chị Thủy mường tượng hình bóng người chồng chới với giữa cuồng phong một cách tuyệt vọng.
Hằng đêm, chị Thủy lại thao thức lắng nghe tiếng sóng bên hiên nhà, mong có âm thanh của thùng bia ném xuống đất “phịch!”, mong anh hiện ra bên hiên và thốt lên: “Số anh lớn lắm em ơi, tàu chìm ở Hoàng Sa nhưng anh không chết, giờ anh trở về!”. 
 
Thiên tai, nhân họa
Thiên tai, nhân họa
Ngư dân Nguyễn Nhị là một thợ lặn giỏi. Trong một lần ra khơi ở vùng biển Sa Kỳ, anh Nhị cùng hai người nữa đi trên chiếc tàu nhỏ. Bỗng trời nổi giông, sấm rền ầm ầm. Chưa bao giờ anh Nhị chứng kiến trời nổi cơn thịnh nộ nhanh như vậy. Chỉ một thoáng, mây đen đã ùn ùn kéo về vây kín vùng trời. Mưa tuôn trắng xóa mặt biển đến nỗi các ngư dân không thể nhìn thấy gì, không tìm được lối về.
Các ngư dân bàn tính quay thuyền chạy vào bờ vì cảnh trời biển trông quá hãi hùng. Con thuyền chồm lên những cuộn sóng để chạy ngược vào cửa biển. Bỗng dưng, các ngư dân đều tối tăm mặt mũi bởi một tiếng nổ lớn kèm theo luồng ánh sáng chói lòa! Ngư dân Nguyễn Nhị không rõ mình đã nằm ngất xỉu bao lâu. Nhưng khi anh tỉnh lại thì chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Ngư dân Đỗ Tính nằm chết, thân hình vắt vẻo trên cabin, cả người anh Tính cháy sém như bị tẩm xăng đốt. Quần áo trên người anh bung ra như bị sức ép của một quả bom có sức công phá lớn.
Phía đuôi con tàu, ngư dân Nguyễn Thu co quắp như con tôm bị nhúng vào nồi nước sôi. Cố bò lại gần thì thấy anh Thu vẫn thở thoi thóp. Người anh Thu lạnh ngắt như một cái xác không hồn. Không còn thời gian suy nghĩ lâu, ngư dân Nguyễn Nhị cố chồm người dậy để tát nước cứu con tàu. Nước đã tràn vào đầy khoang, nếu nấn ná thì con tàu sẽ chìm nghỉm. Vừa lúc đó, một chiếc thuyền nhỏ chạy ngang qua, anh vẫy tay kêu cứu, nhờ giúp tát nước cứu tàu. Khổ thay, bên tàu chỉ có một em thiếu nhi và một ông già bị sẹo, bước đi chậm chạp. Vậy là ngư dân Nguyễn Nhị phải cố gắng tát nước để chờ thuyền đến cứu, đưa vào bờ mai táng người bạn xấu số.
Trong một chuyến đi khác ở quần đảo Hoàng Sa vào ban đêm, trời tối đen như mực, tám ngư dân hì hục lặn tôm, cá. Bất ngờ có một chiếc tàu của Trung Quốc chạy băng ngang và đâm vỡ con thuyền của ngư dân Việt Nam. Con tàu gây tai nạn cứ lầm lũi chạy thẳng. Phía sau đuôi tàu là dòng xoáy nước và các ngư dân giãy giụa giành sự sống.
Tám anh em trên tàu bị nạn hò hét, ôm vội những vật trôi nổi. Anh Nhị nhanh tay lật hai chiếc thúng, ôm chồng bánh tráng khô và can nước ngọt ném xuống. Anh hô hào mọi người xúm vào gỡ ốc vít và cõng xuống thuyền một bình ắc quy và cái máy Icom để liên lạc. Trôi nổi trên biển, bị cái nắng ở Hoàng Sa thiêu đốt tới mức các ngư dân có cảm tưởng như mình sắp bị chảy tan thành mỡ.
Cuối cùng, tám ngư dân được cứu, năm ngày sau mới trở về tới đất liền.
Khát khao bám biển
Ông Dương Văn Diên ở địa phương tuyển mộ Nguyễn Nhị xuống tàu cá đi bạn. Mỗi chuyến đi kéo dài hàng tháng, không hòn đảo nào ở Hoàng Sa mà tàu cá của ông Diên không đặt chân đến.
Với sức vóc tràn trề, mỗi ngày ngư dân Nguyễn Nhị ngụp lặn từ sáng đến tối ở dưới biển. Thợ lặn đeo thắt lưng, ngậm dây hơi và bay người xuống biển. Ngư dân lặn không cần áo nhái, bình dưỡng khí. Bình thường, mỗi ngư dân đều lặn ở mực nước 40 m. Còn ở vùng nước nhiều cá, ngư dân Nguyễn Nhị lao người xuống lặn ở độ sâu 50-60 m. Ở độ sâu này, ngư dân bị sức ép của nước, khuôn mặt dễ bị biến dạng, méo mó như soi gương lõm.
Trong một chuyến ra khơi, khi đang lặn, ngư dân Nguyễn Nhị thấy người đau nhói, cảm giác ban đầu như kim châm. Anh vội giật dây cho anh em trên tàu kéo lên và được đặt nằm ngửa trên sàn tàu để sơ cứu trong thời gian tàu chạy vào đảo. Bác sĩ kết luận bị tê bại, phải điều trị kéo dài.
 
Ngư dân Nguyễn Nhị.
Ngư dân Nguyễn Nhị.

Suốt mấy năm trời, ngư dân Nguyễn Nhị được gia đình đưa đi khắp nơi để điều trị. Bao nhiêu tiền của trong nhà lần lượt theo anh vào bệnh viện.
Khi bình phục, ngư dân Nguyễn Nhị ngay lập tức trở lại với biển.
Theo anh Nhị, trong lòng đại dương có không ít loài động vật biển hung dữ. Như cá mập trắng, hung tợn đến mức “tợp” cả vỏ xe ô tô trôi trên biển vào bụng. Nếu phát hiện ngư dân đang bơi, nó xông đến ngoặm một phát, sau đó lắc đầu thật mạnh để con mồi bị hàm răng cưa xé nát, sau đó mới nuốt vào bụng. Con đẳng kim (rắn biển) cũng là một “sát thủ” đáng sợ. Con đẳng mổ một phát thì người tím tái, hộc máu ra mà chết. Trong các rặng san hô đáy biển còn có loại chình bông, giống như loài trăn ở trên đất liền. Bất hạnh cho ngư dân nào gặp phải chình bông, nó đớp một phát lội tuột vào trong hang. 
Lại có loại cá tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng có khả năng sát thương rất lớn. Đó là con cá cờ, có miệng dài ra phía trước như mũi kiếm.
Và ngư dân Nguyễn Nhị còn nhớ mãi cái ngày anh “lâm trận” với cá cờ.
Thiên tai, nhân họa
Cá cờ với mỏ dài như thanh kiếm sắc đã gây nên tai họa cho anh Nguyễn Nhị. (Ảnh minh họa).
Cá cờ với mỏ dài như thanh kiếm sắc đã gây nên tai họa cho anh Nguyễn Nhị. (Ảnh minh họa).
Hôm đó, tại quần đảo Trường Sa, anh Nhị ngậm dây hơi nhảy xuống nước cùng với các bạn nghề. Công việc của anh là mò mẫm dưới đáy biển để bắt hải sâm, tôm hùm và dùng tên bắn cá trong các gành đá, hang hốc. Khi anh Nhị đang bơi, bỗng nhiên có một con cá cờ lao đến như một mũi tên. Chiếc mỏ dài của nó như mã tấu đâm thẳng vào phía sau cổ của anh làm cho anh hoa mắt, trời đất quay cuồng. Ngư dân bơi bên cạnh phát hiện ra một con cá dài, mỏ xuyên thấu cổ của anh Nhị. Chiếc mỏ của nó không dừng lại mà tiếp tục lao đà, đâm xuyên thủng qua bên kia cổ.    
Anh Nhị giật người lên rồi ngã gục, chìm nhanh xuống đáy biển, những ngư dân khác vội vàng lao theo kéo lên sàn thuyền. Lên đến nơi, họ cùng nhau “nhổ” con cá côn đồ ra khỏi cổ. Máu bắn tung tóe theo mỏ cá được rút ra.
Con tàu hộc tốc chở anh Nhị vào đảo Phan Vinh để cấp cứu. Vết thương tuy nhỏ nhưng vì đâm trúng chỗ hiểm nên anh Nhị, một lần nữa, bị tê bại tứ chi.
Trong ngôi nhà nhỏ, vào những ngày này, ngư dân Nguyễn Nhị ngồi nhìn chong chong ra cửa biển. Vợ anh kể: “Ông nhà tôi tính chuyện bớt bệnh sẽ quay lại biển. Cô hồn các đẳng lấy mạng ảnh không được đâu, trước sau gì ảnh cũng sẽ tiếp tục ra biển làm ăn”.
Mỗi khi mặt trời nhô lên ở cửa biển Sa Kỳ, anh Nhị lại rời nhà, tập tễnh từng bước đi ra phía biển. Với anh, vẫn chỉ có một mong muốn cháy bỏng: “Sống ở biển thì cũng phải chết ở biển. Tôi mong cái chân sớm bình phục để tiếp tục ra khơi, đỡ đần cho vợ con”.
Biển cả luôn đón chờ những con người dẻo dai ý chí như thế.

Theo Lê Văn Chương

PLTPHCM