1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Quảng Ngãi:

Sóng biển “nuốt chửng” làng chài

(Dân trí) - Chuyện xảy ra ở thôn An Cường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Sóng biển xâm thực đất liền hơn 70m, với độ sóng dâng cao khoảng 2,5m, “nuốt” trọn những ngôi nhà nằm sát mép biển để lại trơ trọi gạch đá đổ nát, điêu tàn.

Nhớ lại đêm 9/12 kinh hoàng, anh Võ Hồng Khanh (36 tuổi) bàng hoàng kể: “Tối hôm đó, thấy sóng biển cuồn cuộn dữ dội, gia đình đưa mẹ tôi đã già yếu cùng vợ và 3 đứa con nhỏ tạm lánh nạn ở nhà người quen. Sau đó, tôi và người anh ruột trụ lại ngôi nhà bị sóng biển uy hiếp. Mang tiếng ở nhà mình, nhưng không dám ngủ và tim cứ đập thình thịch, sợ hãi không biết sóng biển ập đến lúc nào không hay. Khoảng 20h00 cùng ngày, bỗng nghe tiếng ngã đổ ầm ầm của cây cối, nhà cửa, lúc đó hai anh em tôi hoảng hốt chạy ra sân...”.
 
Sóng biển “nuốt chửng” làng chài - 1

Anh Khanh ngậm ngùi nhìn căn nhà đổ nát
 
Sóng biển “nuốt chửng” làng chài - 2
Nền nhà anh đã nhoài ra bờ biển, có thể đổ sập lúc nào không hay.

 

Thoát khỏi căn nhà đổ nát, anh Khanh và người anh trai chỉ  biết đứng nhìn, bần thần nhìn sóng biển nuốt ngọn nhà giữa và toàn bộ phần công trình sau nhà bếp hơn 15m. 

 

Vốn nghèo lại “gặp cái eo”. Cụ Nguyễn Thị Của (80 tuổi) ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn phải đau đớn chứng kiến sóng biển “treo” ngôi nhà tình thương của cụ trên miệng tử thần. 

 

Cụ Của tâm sự: “Căn nhà đơn sơ tôi đang ở được chính quyền địa phương xây dựng. Cuộc đời tôi chỉ có mỗi căn nhà nhỏ đó, thế mà giờ đây sóng biển lại muốn cướp mất. Hàng ngày, già này trú ngụ trên miệng tử thần, biết sống làm sao đây. Mấy ngày hôm nay tôi phải tá túc ở nhà con gái nghèo khổ để tránh những cơn hung dữ của sóng biển”.
 
Sóng biển “nuốt chửng” làng chài - 3
Cụ Nguyễn Thị Của từng giờ cầu mong sóng biển đừng cướp mất ngôi nhà tình thương của cụ

 

Theo thống kê của xã Bình Hải, địa phương hiện có khoảng 175 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở do nạn nước biển xâm thực. Riêng thôn An Cường, ngoài số nhà đã bị sập, hư hỏng nặng vẫn còn khoảng 48 hộ dân khác cũng đang bị sóng biển đe dọa cuốn trôi trong gang tấc.

 

Ông Nguyễn Hữu Công - Chủ tịch UBND xã Bình Hải - cho biết: “Sau khi xảy ra hiện tượng sóng biển đánh sập nhà dân, chúng tôi đã cử lực lượng xuống địa bàn giúp dân vận chuyển đồ đạc, dựng nơi ở tạm. Chính quyền địa phương cũng đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi 24/24h, để xử lý kịp thời diễn biến phức tạp và sự cố phát sinh”.

 

Theo đó, UBND huyện Bình Sơn cứu trợ gạo khẩn cấp cho gia đình có nhà bị sập, hỗ trợ với mức 15kg/người/khẩu.

 

Được biết, địa phương đã có kế hoạch bố trí tái định cư cho các gia đình bị sóng đánh sập nhà. Nhưng nhiều hoàn cảnh gia đình của người dân quá khó khăn, trong khi số tiền hỗ trợ theo quy định là 10 triệu đồng/trường hợp, vì vậy các hộ dân chưa thể làm nhà tại các khu tái định cư.
 
Sóng biển “nuốt chửng” làng chài - 4
Chị Võ Thị Hậu đau xót khi căn nhà nhỏ bỗng chốc đổ nát, rồi con nhỏ 11 tháng tuổi sẽ ra sao mỗi khi mưa rơi, gió lạnh
 
Sóng biển “nuốt chửng” làng chài - 5
 
Sóng biển “nuốt chửng” làng chài - 6


Sóng biển “nuốt chửng” làng chài - 7

Sau một đêm, làng chài thành hoang tàn đổ nát

Sóng biển “nuốt chửng” làng chài - 8

 

Hồng Long