1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hoá:

Sống bên mỏ đá, ngày đêm bất an lo "đá bay"

Bình Minh

(Dân trí) - Không những phải sống chung với ô nhiễm bụi đá, tiếng ồn mà còn nơm nớp lo tai hoạ sẽ đến bất kỳ lúc nào… Đó là tình cảnh của nhiều hộ dân xã Tân Trường trong suốt 6 năm qua, từ khi mỏ đá hoạt động.

Bụi, ồn, nguy cơ tai hoạ…

Theo phản ánh của ông Lê Tăng Xa (trú thôn Tân Phúc, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá), nhiều năm nay, gia đình ông và các hộ dân khác trong thôn rất bức xúc trước những hệ lụy từ hoạt động khai thác đá của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thành Phát (Công ty Thành Phát) gây ra.

Người dân xã Tân Trường bất an vì sống bên mỏ đá.

Kể từ ngày công ty này xuất hiện ở địa phương, cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn bởi hoạt động nổ mìn phá đá, nghiền đá, vận chuyển đá.

Sống bên mỏ đá, ngày đêm bất an lo đá bay - 1

Đá văng từ mỏ khiến tường nhà ông Xa đổ sập.

“Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe ô tô tải hạng nặng ra vào lấy đá khiến đường xuống cấp, hư hỏng, bụi bay mù mịt. Đặc biệt, mỗi lần công ty nổ mìn phá đá, cả thôn chìm trong bụi, nhà cửa, vườn tược, cây cối... chỉ một màu bụi trắng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện”- ông Xa bức xúc.

Theo ghi nhận, nhiều hộ dân chỉ nằm cách mỏ khai thác đá khoảng 100 m. Nhà cửa, cây cối ở đây đều nhuốm một màu của bụi đá và luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. 

Sống bên mỏ đá, ngày đêm bất an lo đá bay - 2

Tảng đá từ mỏ bay vào nhà ông Xa.

Do ở gần mỏ đá nên ngày nào người dân cũng 2 lần phải chứng kiến cảnh công ty này hú còi, thông báo cho dân ở gần mỏ đá biết để đi vào nơi an toàn khi công ty nổ mìn phá đá. Rất nhiều gia đình ở đây đã bị đá bay vào nhà trong quá trình nổ mìn.

Gần đây nhất là ngày 3/9, một tảng đá lớn từ mỏ đá bất ngờ bay thẳng vào nhà ông Lê Tăng Xa khiến mọi người kinh hãi. Ông Xa cho biết, hôm đó khoảng hơn 11h trưa, một tiếng động lớn phía trên tầng nhà ông.

“Lúc đó tôi thấy nhà cửa tối sầm vì bụi đá bao phủ, ít phút sau tôi chạy ra thì thấy mái tôn thủng nhiều chỗ, dưới sân nhiều hòn đá rơi vãi khắp nơi. Biết là đá từ mỏ văng vào nhà, tôi liền chạy vào công ty tìm người thì chẳng còn ai ở đó cả”- ông Xa nói.

Cũng theo ông Xa, khi trở về nhà, phát hiện mái tôn có một vết thủng rất lớn, khiến một thanh sắt cong xuống nên ông đã trèo lên trần nhà thì thấy một tảng đá lớn nằm trên mái tôn. Một góc trần nhà có lan can đã bị tảng đá xô đổ.

Sau sự việc này, chính quyền địa phương, công ty có tới làm việc và đền bù cho gia đình ông Xa 45 triệu đồng.

“Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương làm việc với công ty để di chuyển chúng tôi ra chỗ ở mới cho an toàn, vì ở đây khoảng cách rất gần, nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, công ty cứ chây ì không thực hiện kiểm kê để có hướng đền bù hỗ trợ di dời”- ông Xa nói.

Ông Nguyễn Văn Năng (nhà chỉ cách mỏ đá khoảng 150 m) cho biết, gia đình ông cũng thuộc diện phải di dời khi mỏ đá này được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, đến nay, gia đình ông vẫn sống trong vùng nguy hiểm, ngày ngày vẫn chịu cảnh bụi bặm từ hoạt động khai thác đá xộc thẳng vào nhà.

“Gia đình tôi có nguyện vọng di dời đi nơi khác để yên tâm sinh sống, thế nhưng nhiều lần có ý kiến mà chẳng thấy chính quyền địa phương đưa ra giải pháp. Sống thế này khổ lắm, mình cũng già rồi, chỉ lo cho các cháu nhỏ thôi. Sống trong môi trường này, lớn lên rồi sinh bệnh vào người”- ông Năng chia sẻ.

Khi nào dân hết khổ?

Được biết, ngày 17/4/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 135/GP-UBND cho phép Công ty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Thành Phát được khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại núi Gò Trường (xã Tân Trường).

Sống bên mỏ đá, ngày đêm bất an lo đá bay - 3

Trong phạm vi khai thác đá của Công ty Thành Phát có gần 10 hộ sống trong bán kính dưới 300 m.

Ông Nguyễn Anh Hùng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Tân Trường thừa nhận, hoạt động khai thác đá đang gây ra ô nhiễm môi trường cho người dân thôn Tân Phúc và xã cũng rất quyết liệt trong việc yêu cầu công ty giảm thiểu khói bụi trong quá trình vận chuyển, khai thác đá.

“Thôn Tân Phúc hiện có 4 mỏ đá hoạt động khai thác. Để giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, chúng tôi đã yêu cầu các công ty phải tưới nước rửa đường thường xuyên, quá trình xay sàng đá phải phun nước để giảm bụi. Những lần đi kiểm tra, các công ty đều thực hiện đúng quy định”- ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho biết, hôm đá văng vào nhà ông Lê Tăng Xa, ông cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng tới hiện trường làm rõ sự việc, sau đó giữa 2 bên đã thống nhất thỏa thuận đền bù thiệt hại.

“Sau sự việc đó, chúng tôi cũng yêu cầu công ty phải đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình nổ mìn, tránh tình trạng tương tự. Còn việc công ty nổ mìn với số lượng nhiều hay ít thì chúng tôi không có thẩm quyền để kiểm tra”- ông Hùng khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trường cũng thừa nhận, trong phạm vi khai thác đá của Công ty Thành Phát hiện có gần 10 hộ sống trong bán kính dưới 300 m (đây là khoảng cách không an toàn theo quy định). Trong số này có 3 hộ gia đình nằm trong bán kính dưới 150 (có hộ ông Lê Tăng Xa).

“Địa phương cũng nhiều lần mời công ty lên làm việc, đưa ra giải pháp di dời các hộ dân ở gần ra nơi an toàn. Tuy nhiên, việc thống nhất phương án đền bù giữa người dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung”- ông Hùng cho biết thêm.