1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

40 năm vụ thảm sát Mỹ Lai (16/3/1968-16/3/2008):

Sơn Mỹ - Ngày giỗ chung!

(Dân trí) - Cách đây 40 năm, ngày 16/3/1968, quân đội Mỹ đã gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai, giết chết 504 người dân vô tội, gây chấn động cả thế giới. Và ngày 16/3 hàng năm đã trở thành ngày giỗ chung của người dân ấp Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Ngày 16/3 kinh hoàng

 

Về thăm xã Tịnh Khê trong những ngày tháng 3 này, thấy tưng bừng không khí chuẩn bị tưởng niệm 40 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai (còn gọi là thảm sát Sơn Mỹ) chấn động lịch sử. Trong tiết trời se lạnh mưa bay, cỏ cây hoa lá ở vùng đất một thời bị đạn bom, giặc thù giày xéo, nay đang trở lại xanh tươi. Các con đường nông thôn mới mở rộng phẳng lì, những khu du lịch vừa đầu tư xây dựng trên bãi biển Mỹ Khê cùng với các cơ sở hạ tầng được xây dựng đã tạo nên vóc dáng mới ở vùng quê Sơn Mỹ hôm nay. 

 

Anh Phạm Thành Công, Giám đốc Ban quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ, người sống sót duy nhất trong gia đình có đến 5 người (mẹ và 4 anh em) bị giết hại trong vụ thảm sát, xúc động khi nhớ lại ngày kinh hoàng ấy: Sáng sớm ngày 16/3/1968, như thường lệ người dân trong làng dậy sớm cơm nước, lo toan công việc đồng áng. Làng quê Sơn Mỹ đang yên tĩnh, thanh bình thì bỗng chốc đạn pháo từ các đồn bốt đồng loạt dội vào.

 

Tiếp đó là máy bay quần đảo trên bầu trời nhả đạn liên tục, rồi quân Mỹ đổ bộ tiến vào các làng mạc thực hiện mệnh lệnh “giết sạch, đốt sạch”. Nhà ông Lệ bị lính Mỹ sát hại đầu tiên, trong hầm có 15 người đang trú ẩn đều bị giết sạch. Tiếp đến là nhà chị Trinh, khi đứa con chị là cháu Đức mới 8 tuổi từ trong hầm chạy ra liền bị lính Mỹ bắn chết lúc miệng cháu còn ngậm đầy cơm…

 

Và chỉ sau 4 giờ càn quét, quân Mỹ đã đốt hàng trăm ngôi nhà và sát hại 504 thường dân vô tội (trong đó có 182 phụ nữ, 172 trẻ em, 89 đàn ông dưới 60 tuổi và 60 người già). Khi thực hiện xong trận càn quét, bắn giết, lính Mỹ cho xe máy ủi san bằng thôn Tư Cung hòng phi tang, che giấu tội ác.

 

Người dân Sơn Mỹ không bao giờ quên vụ thảm sát khủng khiếp của 40 năm trước. Giờ đây, không chỉ những nhân chứng sống sót ít ỏi của buổi thảm sát năm ấy mà toàn bộ người dân Sơn Mỹ, từ già đến trẻ, đều có ý thức trách nhiệm giữ gìn, tôn tạo những di tích và vạch trần tội ác của lính Mỹ trong vụ thảm sát Sơn Mỹ.

 

Anh Trần Tấn Huyên ở xóm Khê Thuận nghẹn ngào kể lại buổi sáng kinh hoàng của 40 năm về trước, chỉ trong tích tắc, ông bà nội, cha mẹ và đứa em ruột của anh đã bị lính Mỹ xả súng bắn gục ngay trên mâm cơm. Mất hết người thân, cậu thiếu niên 12 tuổi được bà con trong làng đùm bọc cưu mang và sau đó đi theo cách mạng.

 

Ông Phạm Đạt ở xóm Khê Thuận chỉ cho chúng tôi xem những khu vực người dân bị sát hại năm ấy, giờ là những mô đất, những tấm bia như nhắc nhở mọi người hãy hướng đến hòa bình, công lý và hạnh phúc. Ông Đạt xúc động nói: "Dù hiện nay cuộc sống còn khó khăn, bữa ăn còn đạm bạc, nhưng người dân xã Tịnh Khê chúng tôi vẫn không quên ngày 16/3, ngày giỗ chung của 504 người dân vô tội bị lính Mỹ sát hại.

 

Trên những con đường làng Sơn Mỹ vào ngày 16/3 hàng năm khói hương bay nghi ngút. Trong làng Thuận Yên này, nhà nào cũng làm giỗ. Gia đình nào làm ăn khấm khá thì giỗ tươm tất, nhà nào nghèo thì mua đĩa trái cây, bó hoa đặt lên bàn thờ, thắp một nén nhang để tưởng nhớ người thân đã mất trong vụ thảm sát. Ngày giỗ chung ở đây không ai mời ai, chỉ có nước mắt của gia đình, người thân và những người đến thắp hương tưởng niệm ở khu chứng tích Sơn Mỹ…".

 

Quê hương Sơn Mỹ hôm nay

 

Nằm cách thành phố Quảng Ngãi chừng 8 km về hướng đông, khu chứng tích Sơn Mỹ hiện nay đã được nâng cấp, phục dựng các di tích trong vụ thảm sát. Anh Công cho biết: Lễ tưởng niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ năm nay được tỉnh tổ chức theo nghi thức nhà nước. Theo nguyện vọng của đồng bào địa phương, tỉnh cho phép tổ chức lễ cầu siêu cho những thường dân bị Mỹ bắn giết trong vụ thảm sát (trong đó có 24 gia đình bị giết sạch, không còn người thân thờ cúng).

 

Phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh tố cáo tội ác lính Mỹ tàn sát dân thường được xây dựng cuối năm 1975, tại thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều cảnh đẹp, thuận lợi cho du khách đến tham quan, thắp hương tưởng niệm.

 

Khu chứng tích Sơn Mỹ cũng vừa được nâng cấp, tu sửa với kinh phí gần 12 tỉ đồng. Tại đây, ngoài hàng chục hiện vật, hàng trăm hình ảnh, tư liệu còn có 3 bức ảnh ghi lại cảnh các nạn nhân bị sát hại rất dã man trong vụ thảm sát, do cựu chiến binh Mỹ cung cấp.

 

Mỗi ngày, khu chứng tích Sơn Mỹ đón trên 1.200 khách, có ngày lên đến 3 nghìn lượt người đến tham quan, thắp hương tưởng niệm. Du khách đến đây không chỉ để tham quan, thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất mà còn muốn tìm hiểu thêm về lịch sử chiến tranh và tội ác của lính Mỹ. Nhiều du khách nước ngoài khi xem những hình ảnh, hiện vật bắn giết dân lành đã không cầm được nước mắt, và thêm một lần hiểu về dân tộc Việt Nam.

 

Đi trên Quốc lộ 24b - con đường chạy ven sông Trà Khúc hướng về khu chứng tích Sơn Mỹ - chúng tôi thấy một Tịnh Khê hôm nay với nhiều đổi thay đáng kể. Đèn điện sáng trưng, giao thương tấp nập, đời sống ấm êm, no đủ. Những người may mắn sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai, nay vẫn làm ăn và có cuộc sống ổn định, nhưng cũng có những cảnh đời mãi gánh chịu hệ lụy của trận thảm sát năm xưa.

 

Như một cụ bà tuổi đã 80, không nơi nương tựa, ngày ngày vẫn đi cắt cỏ nuôi bò, trồng rau, tự lo từng bữa ăn. Cụ trào nước mắt: "Lính Mỹ đã giết hết người thân trong gia đình. Bà sống sót nhưng giờ đây phải gánh chịu khổ đau thế này…".

 

Còn cậu bé Tấn Huyên thuở nào, hòa bình lập lại, anh trở về quê hương, xây dựng gia đình, làm đủ thứ nghề từ thợ máy cày, thợ nề đến làm ruộng. Hiện anh đã có 4 người con đều ăn học nên người, cuộc sống có phần khấm khá…

 

Người dân Sơn Mỹ hôm nay không quên quá khứ đau thương xưa, nhưng nguyện biến đau thương hành động, quyết tâm dựng xây quê nhà ngày càng giàu đẹp. Nhân dân Sơn Mỹ một lòng đi theo Đảng, từng hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Ngày 16/3/1968, một nhóm quân nhân Mỹ dưới sự chỉ huy của người thiếu úy 24 tuổi William Calley nhận nhiệm vụ chiếm đóng làng Sơn Mỹ và tìm du kích Việt Cộng.

 

Các binh lính đã hãm hiếp phụ nữ và bắn chết gần như tất cả dân cư của làng: 504 thường dân, trong đó là 182 phụ nữ, 172 trẻ em, 89 đàn ông dưới 60 tuổi và 60 người già.

 

Gần như không một quân nhân nào chống lại mệnh lệnh giết người. Chỉ có phi công trực thăng Hugh Thompson, bằng cách đe dọa sẽ bắn họ bằng súng máy của chiếc trực thăng, đã bắt buộc các quân nhân tha cho 11 người phụ nữ và trẻ em, những người được ông di tản đi. 30 năm sau, đội lái máy bay trực thăng đã được tặng thưởng Huy chương Quân nhân (Soldier’s Medal) cho hành động can thiệp này.

 

Sơn Mỹ - Ngày giỗ chung! - 1

(Ảnh: Wikipedia.org)

 

Ngay sau vụ việc các sĩ quan chỉ huy đã tìm cách che đậy thảm sát này. Chỉ đến ngày 5/12/1969 mới xuất hiện một bài báo tường trình đầy đủ về vụ thảm sát trên tạp chí Life. Tiếp đó tạp chí NewsweekTime cũng tường thuật về vụ việc này. Cả thế giới đã bị sốc.

 

Chỉ có 4 quân nhân bị đưa ra tòa án quân sự. Người sĩ quan chỉ huy Calley bị tòa tuyên xử lao động bắt buộc chung thân, nhưng ngay sau đó đã được tổng thống Mỹ Richard Nixon ân xá thành 3 năm quản thúc tại gia.

 

Nhà báo Seymour Hersh, người phát hiện ra tình huống bi kịch này đã nhận giải thưởng Pulitzer về tường thuật quốc tế năm 1970. Tường thuật của ông được minh họa bằng hình của nhà nhiếp ảnh Ron Haeberle, người đã tham dự vào chiến dịch dưới tư cách là phóng viên quân đội. Việc xuất bản này đã đánh dấu một bước ngoặt trong cảm nghĩ của công chúng về chiến tranh Việt Nam và đã góp phần quyết định vào việc tổng động viên của phong trào chống chiến tranh.

(Theo Wikipedia.org)

 

Minh Trí

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm