1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cúm gia cầm:

Sơn La bùng phát dịch

(Dân trí) - Tỉnh Sơn La là địa phương miền núi công bố dịch vào ngày 15/11, góp thêm vào bản đồ dịch cúm gia cầm một điểm đỏ đáng báo động. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, dịch đã bùng phát tại 14 tỉnh thành, trên các địa hình và điều kiện khí hậu khác nhau.

Tính đến nay, các địa phương đã công bố dịch bao gồm: Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Sơn La.

 

Sơn La: Ngày 14/11/2005, tại một hộ chăn nuôi ngan ở xã Hát Lót huyện Mai Sơn có 25 con chết nghi do cúm gia cầm, Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu huỷ 95 con ngan. Hiện đang chờ kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương.

 

Ngày 8/11/2005 tại 2 hộ chăn nuôi ở 2 xã Chiềng Hắc và Nông trường Mộc Châu thuộc huyện Mộc Châu có 31 con gà chết. Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu huỷ 135 con gà. Xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại đây cho kết quả dương tính với virut cúm H5.

 

Đồng Tháp: Dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi của 3 xã An Hoà, Phú Ninh và thị trấn Tràm Chim của huyện Tam Nông và tại 2 hộ chăn nuôi của 2 xã Hoà Bình và Phú Thành B thuộc huyện Tam Nông làm hơn 300 gia cầm bị chết. Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu huỷ gần 2000 con gia cầm các loại trong phạm vi 3 km quanh vùng dịch.

 

Hưng Yên: Ngày 15/11/2005, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi vịt của xã Dân Tiến thuộc huyện Khoái Châu, 200 con vịt đã bị tiêu hủy.

 

Thanh Hoá: Ngày 14/11/2005, tại 9 hộ chăn nuôi gia cầm của 6 xã Dân Quyền, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Quảng Đông, Quảng Tiến và Đông Lĩnh thuộc 5 huyện Thiệu Sơn, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Sầm Sơn và Đông Sơn đã xuất hiện dịch cúm làm gà vịt chết hàng loạt, gần 6.000 gà vịt và 284 con chim cút đã bị tiêu hủy.

 

Quảng Nam: 2 xã Tam Hiệp và Quế Xuân 1 thuộc hai huyện Núi Thành và Quế Sơn đã xuất hiện dịch làm gà, vịt và bồ câu chết hàng loạt.

 

Ninh Bình: Theo báo cáo của Chi cục Thú y Ninh Bình, tính đến hết ngày 15/11/2005, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 162 hộ của 13 xã, phường thuộc 7 huyện, thị là: Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư, Kim Sơn, TX Tam Điệp và Gia Viễn. Tổng số gia cầm ốm, chết và tiêu huỷ là 25.943 con.

 

Không nên giấu dịch

 

Ngày hôm qua, 16/11, Bộ NN&PTNT đã có công điện số 13 BNN/CĐ, về việc khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các Bộ: Y tế, Thương Mại, Tài chính, Công an, Giao thông Vận tải, Văn hoá - Thông tin, Ngoại giao, Tài nguyên - Môi trường. Công điện nêu rõ:

 

Diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm trong nước trong thời gian qua rất phức tạp, dịch tái phát ở 14 tỉnh, thành phố và có chiều hướng lây lan gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm. Nguyên nhân tái phát dịch có thể do vi rút có sẵn trong đàn thủy cầm, đàn chim di trú và điều kiện thời tiết đang thuận lợi cho sự phát triển của vi rút.

 

Tuy nhiên việc để dịch lây lan rộng còn do một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra; việc giám sát, phát hiện và báo cáo dịch còn chậm, một số địa phương còn có hiện tượng giấu dịch.

 

Có thể ăn thịt gia cầm sau khi tiêm vắc xin 14 ngày

 

Theo khuyến cáo của chuyên gia FAO, người dân có thể sử dụng thịt gia cầm sau khi tiêm phòng mũi vắc xin cuối cùng 14 ngày, tuy nhiên chỉ nên sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm đã được cơ quan thú y kiểm dịch và được nấu chín.

 

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể việc tiêu thụ thịt và sản phẩm gia cầm.

 

Cục Thú y phải chỉ đạo ngành siết chặt hơn nữa công tác kiểm dịch, tổ chức ngay việc giết mổ gia cầm tập trung có kiểm soát của cơ quan thú y, các đàn gia cầm và sản phẩm gia cầm có xuất xứ từ những cơ sở chăn nuôi đã được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm dịch và xác nhận.

 

Trần Đức