1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sớm xử lý dịch vụ cứu hộ, cứu nạn trái luật trên sông Hồng

(Dân trí) - Tranh giành thuyền gặp nạn bằng vũ lực, “làm luật” với các phương tiện giao thông đường thủy,… kiểu “cứu hộ, cứu nạn” đó trên sông Hồng đang khiến các ngành chức năng quan ngại. Tổng Cục cảnh sát vừa có chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm tình trạng lộn xộn trong công tác cứu hộ, cứu nạn đường thuỷ trong thời gian sớm nhất.

>> Nỗi sợ cứu hộ, cứu nạn trên sông Hồng

 

Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, cho biết tuyến sông Hồng đoạn từ Việt Trì về Hà Nội, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông rất phức tạp. Lực lượng cứu hộ nhà nước thiếu trong khi dịch vụ tư nhân lại nhan nhản.

 

Nhiều công ty tư nhân lợi dụng việc được phép kinh doanh cứu hộ, cứu nạn để hoạt động trái pháp luật. Họ tự ý gặp chủ tàu thuyền, ép ký hợp đồng “được cứu hộ” dài hạn và… đóng tiền trước. Nhiều chủ phương tiện biết vô lý nhưng vẫn phải nộp tiền vì nếu không có hợp đồng, không may gặp nạn, chi phí cứu hộ có thể lên tới vài chục triệu đồng.

 

Mỗi công ty tự nghĩ ra một loại cờ có màu sắc riêng, cắm trên các phương tiện cứu hộ, thể hiện uy quyền của mình. Giá cứu hộ cũng rất khác nhau: Công ty Thượng Phong thu 150.000 đồng/lượt tàu thuyền qua lại; Công ty Biển Đông và Công ty Hoa Nam thu 100.000 đồng/lượt; Công ty Thăng Long thu 70.000 đồng/lượt. Mỗi công ty trấn giữ mọt khúc sông. Như vậy, tổng số tiền chủ phương tiện phải nộp từ Việt Trì về Hà Nội là 450.000 đồng.

 

Các công ty còn tranh giành quyền lợi, địa bàn cứu hộ bằng “dao búa”. Điển hình như vụ thanh toán nhau bằng vũ khí “nóng” giữa nhóm của Xuyên “Râu” (Công ty Thượng Phong) và nhóm của Toàn “Cụt” (Công ty Biển Đông và Hoa Nam) xảy ra hôm 10/3/2006.

 

Trong khi đó, hầu hết các công ty cứu hộ tư nhân trên đều là công ty “ma”; khi vi phạm, các cơ quan chức năng rất khó “sờ gáy”.

 

Thiếu tướng Phạm Văn Đức, Tổng cục phó Cục Cảnh sát, vừa có chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ phối hợp với Công an các địa phương phát hiện, xử lý nghiêm - thậm chí xử lý hình sự - những tổ chức, cá nhân vi phạm.

 

Cục Cảnh sát giao thông đường thủy cũng đã phối hợp cùng Cục Đường sông đưa ra kế hoạch chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn trên; xác minh các hành vi phạm hình sự của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ đường thủy để xử lý nghiêm theo pháp luật.

 

Thái Sơn - Phúc Hưng