1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sôi nổi bàn hướng thu thuế của người hút thuốc lá

(Dân trí) - Có quyết định thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá như đề xuất của Bộ Y tế, mỗi năm cũng chỉ thu được 470 tỷ đồng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo, chi phí cho công tác quản lý có thể “xài” đến 2/3 khoản thu được này.

Sôi nổi bàn hướng thu thuế của người hút thuốc lá - 1
Nguồn thu, mục đích sử dụng, cách thức quản lý Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn là nội dung gây tranh cãi.

Các vấn đề khác nhau liên quan đến dự thảo luật đã cơ bản đi đến thống nhất. UB Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh quan điểm, nguồn thu từ thuế thuốc lá dù có thể đạt hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm cũng khó bù đắp những thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người dân. Ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp vừa tăng ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe của người dân, hạn chế nhiều vấn đề xã hội phát sinh.

Vấn đề in cảnh báo trên bao bì bao thuốc lá, xử lý vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng… cũng nhận “phiếu” tán thành cao. Chỉ riêng vấn đề thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn gây tranh luận găng tại Thường vụ.

Dù nhận nhiều ý kiến nghi ngại, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn nêu quan điểm xin được giữ nguyên quy định thành lập Quỹ, đặt dưới sự quản lý của Bộ vì luật làm ra cũng cần nguồn lực để đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh các nguồn vốn bố trí khác đều rất khó khăn.

Bộ trưởng Tiến cho biết, Hiệp hội thuốc lá cũng đồng ý với quan điểm này. 20 nước xung quanh Việt Nam đã có quỹ này. WHO cũng khuyến cáo Việt Nam thành lập quỹ này.

Bà Tiến cũng bác lo ngại việc lập quỹ sẽ dẫn đến tình trạng “quỹ chồng quỹ” vì nguồn vốn không phải từ ngân sách mà từ nguồn đóng góp thêm của những người hút thuốc cũng như doanh nghiệp sản xuất thuốc lá.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn sinh Hùng “gật đầu” nhận định, việc lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đến giờ vẫn chưa ngã ngũ, chủ yếu là vì yêu cầu cơ quan soạn thảo phải giải trình nguồn lực, nhất quyết không thể trích ngân sách ra lập quỹ

“Người ta cũng lo nhiều việc sử dụng quỹ không công bằng, không đúng mục đích khi có khả năng, chi phí cho công tác quản lý “xài” đến 2/3 nguồn thu được” - ông Hùng phân tích. Cách thức thu thế nào để khả thi cũng là vấn đề.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Trương Thị Mai giải thích, có 2 phương án lập quỹ là trích từ nguồn thuế tiêu thụ đặc biệt (2%) hoặc từ khoản đóng góp bắt buộc của người hút thuốc và nhà sản xuất. Đây là nội dung gây nhiều tranh cãi, khi biểu quyết, tỷ lệ thuận và chống đều chiếm 46% số phiếu.  

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển làm phép tính, nếu thu thêm 2% thuế tiêu thụ đặc biệt để đưa vào quỹ, mỗi năm, quỹ sẽ có 470 tỷ đồng. Về bản chất, đây cũng là một loại thuế gián thu (nhà sản xuất nộp trước giúp người hút). Để có thể duy trì hoạt động cần có một bộ máy, bỏ các chi phí “hành thu” để quản lý, chi tiêu. Chỉ vì một khoản thu nhỏ mà phát sinh lớn, hiệu quả quả có tương xứng?

“Tôi nghĩ sẽ rất nhiều vấn đề, nhiều phát sinh. Có khi Bộ trưởng Y tế phải “ôm” khoản quỹ ấy cũng vất vả” – ông Hiển cho rằng, nếu mục đích chỉ là cần một khoản kinh phí phục vụ việc phòng, chống, khắc phục tác hại của thuốc lá, đơn giản chỉ cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ mức 65% hiện nay lên 70% rồi trích phần tăng thêm ra chi dùng sẽ… thuận hơn việc quỹ.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng nghi ngại, mục đích lập quỹ để hỗ trợ giảm dần tác hại của thuốc lá nhưng chỉ 470 tỷ đồng/năm chắc chẵn không thể “gánh” được nhiệm vụ này. Ông Phước cũng tán thành quan điểm không buộc trách nhiệm chi quỹ cho ngân sách nhà nước. Và dù có từ nguồn thu nào, khi nhàn rỗi, số tiền từ quỹ cũng cần đưa vào dòng lưu thông tiền tệ, không thể để “chết”, gây những tác động không tốt cho kinh tế, xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự luật sao để giải đáp đầy đủ, thỏa đáng những câu hỏi, băn khoăn như trên.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm